Câu hỏi: Trong một phiên tòa hình sự mà tôi tham gia, bị cáo đã có yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên với lý do: Kiểm sát viên đã từng tham gia vụ án dân sự giải quyết tranh chấp giữa bị cáo với bị hại, nay lại tiếp tục tham gia vụ án hình sự này là không vô tư, khách quan; quá trình tham gia tố tụng, Kiểm sát viên xét hỏi lung tung, không đúng trọng tâm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu này. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, bị cáo có thể yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên tham gia vụ án không? Trường hợp nào thì tiến hành thay đổi Kiểm sát viên tham gia vụ án?
Trả lời:
Pháp luật quy định việc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong một số trường hợp để đảm bảo việc giải quyết vụ án được vô tư, khách quan. Vậy nên những người liên quan đến vụ án có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng nếu có căn cứ cho rằng họ không vô tư, khách quan khi tham gia giải quyết vụ án.
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 thì người có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng bao gồm: Kiểm sát viên; Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ; Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự. Như vậy, bị cáo hoàn toàn có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng.
Vậy kiểm sát viên có thể bị thay đổi trong những trường hợp nào?
Cụ thể, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định các trường hợp thay đổi Kiểm sát viên tại Khoản 1 Điều 52 và Điều 49 Bộ luật này, bao gồm:
- “Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.
- Người tiến hành tố tụng đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”
Trong trường hợp bạn đưa ra, bi cáo cho rằng cần thay đổi Kiểm sát viên với lý do Kiểm sát viên đã từng tham gia vụ án dân sự giải quyết tranh chấp giữa bị cáo với bị hại đã có bản án phúc thẩm, nay lại tiếp tục tham gia vụ án hình sự này không thuộc một trong các trường hợp thay đổi kiểm sát viên như trên. Còn đối với việc bị cáo cho rằng Kiểm sát viên xét hỏi lung tung, không đúng trọng tâm, không vô tư khi tiến hành tố tụng thì có thể đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi Kiểm sát viên.
Tuy nhiên, việc thay đổi Kiểm sát viên phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử. Nếu không có căn cứ chứng minh việc Kiểm sát viên không vô tư khi làm nhiệm vụ mà họ chỉ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình để phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục xét xử vụ án. Trường hợp có căn cứ rõ ràng chứng minh Kiểm sát viên không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ thì Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định hoãn phiên tòa theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Như vậy, tại phiên tòa bị cáo có quyền yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên để đảm bảo sự vô tư khách quan khi giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, phải nêu được căn cứ rõ ràng, tránh trường hợp đề nghị vì quan điểm cá nhân, không có căn cứ, làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử, thậm chí còn khiến cho cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá bị cáo có thái độ không tôn trọng người tiến hành tố tụng.
Qua sự việc trên, có thể thấy nếu bị cáo tự quyết định mà không có sự tư vấn, hướng dẫn của Luật sư thì có thể đưa ra một quyết định không sáng suốt. Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bị cáo cần trao đổi, thống nhất với Luật sư của mình về việc Kiểm sát viên có vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ hay không để quyết định đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Luật sư với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn có thể tư vấn, giúp đỡ thân chủ của mình và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, giai đoạn xét xử là giai đoạn trọng tâm nhất trong 04 giai đoạn tố tụng, đòi hỏi Luật sư cần có sự chuẩn bị rất chu đáo trước khi tham gia phiên tòa, cần chủ động theo sát diễn biến của phiên tòa và việc tiến hành các hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Viện kiểm sát nói riêng. Từ đó, giúp Luật sư nắm chắc được vấn đề mấu chốt, chuẩn bị phương án tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ mình.
Vậy nên, mọi người có nhu cầu tư vấn về hình sự, nhờ Luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án hình sự có thể liên hệ tới Văn phòng luật sư Đồng Đội với đội ngũ Luật sư, chuyên viên dày dặn kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án hình sự.
Người viết: Hứa Kim Ngân
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi