-
Có được thỏa thuận lối đi chung
Việc tranh chấp lối đi chung diễn ra rất nhiều trong xã hội. Trên thực tế, có những mâu thuẫn, tranh chấp lối đi chung kéo dài dù đã được chính quyền địa phương hòa giải nhưng các bên vẫn kiện tụng nhau ra tòa, gây sứt mẻ tình nghĩa đôi bên. Trong vụ việc này, việc người hàng xóm không sử dụng lối đi này nữa nên đã khóa một cánh của và để đồ của mình chiếm một nửa lối đi chung ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của những người đồng sử dụng; từ đó, gây ra những mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có với những người dân xung quanh, mất tình làng nghĩa xóm.
Pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng về lối đi chung, cụ thể tại khoản 2 Điều 254 Bộ luật dân sự: “Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.”
Như vậy, việc sử dụng lối đi chung do các bên tự do thỏa thuận, tuy nhiên phải đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Trong vụ việc này, người dân tự ý khóa một cánh cửa, và để đồ ở một bên lối đi chung khiến cho lối đi chỉ còn khoảng 50cm, gây khó khăn cho việc đi lại cũng như sinh hoạt của những người khác, đặc biệt đối với những hộ dân chỉ có một lối đi duy nhất.
-
Nếu việc cản trở lối đi chung để xảy ra sự cố, thì người vi phạm có thể bị xử lý?
Luật sư cho biết, khi các bên cùng thỏa thuận và thống nhất cùng sử dụng lối đi chung thì đồng nghĩa với việc lối đi đó hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của các bên. Bên nào có hành vi cản trở lối đi chung bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 16 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:
“Trường hợp bên nào đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng”.
Ngoài ra, bên vi phạm cũng buộc phải áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn, đông dân cư như tại TP. Hà Nội, nhiều khu dân cư với số lượng nhà san sát nhau nhưng chỉ sử dụng duy nhất một lối đi chung chật hẹp, điều này có thể gây nguy cơ cháy nổ cao. Do đó, nếu cá nhân nào có hành vi cản trở lối đi chung trong trường hợp này, ngoài việc vi phạm pháp luật về đất đai, còn có thể gây ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, thậm chí gây thiệt hại về người. Hành vi vi phạm này có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ vào mức độ thiệt hại (tài sản, sức khỏe, tính mạng) mà hành vi gây ra.
- Tranh chấp lối đi chung giải quyết như thế nào ?
Trong hầu hết các tranh chấp dân sự giữa các bên, pháp luật luôn ưu tiên phương pháp giải quyết theo hướng thoả thuận, hoà giải. Mặt khác, đối với các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai, Điều 202 Luật đất đai 2013 cũng quy định rõ: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. Trong trường hợp các bên không thể tự hoà giải được thì có thể nhờ UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hoà giải.
Như vậy, cách thức giải quyết tối ưu nhất đối với các vụ việc tranh chấp đất đai là tự hoà giải, hoặc nhờ chính quyền địa phương hoà giải. Chỉ trong trường hợp sau khi các bên đã tự hoà giải và chính quyền địa phương đã tổ chức hoà giải nhưng không thành, phương án khởi kiện tại Toà án mới là phương án giải quyết cuối cùng.
Trong trường hợp này, những người có quyền, lợi ích bị xâm phạm có quyền khởi kiện ra Tòa án nơi có đất đang xảy ra tranh chấp để yêu cầu giải quyết tranh chấp về lối đi chung.
Tuy nhiên, phần lớn các vụ tranh chấp đất đai xảy ra, các bên thường không hòa giải được và phải nhờ đến Tòa án để giải quyết, làm ảnh hưởng đến tình cảm hàng xóm, thậm chí nhiều người không thèm nhìn mặt nhau sau tranh chấp. Mặt khác, việc khởi kiện tại Tòa án phải thực hiện theo một thủ tục, quy trình rất phức tạp và lâu dài, không chỉ tốn kém chi phí mà còn mất rất nhiều thời gian. Nhiều vụ việc kéo dài đến vài năm hoặc đến cả chục năm, gây mệt mỏi, bức xúc cho các bên mà còn chưa thể phân định thắng – thua. Vì vậy, Luật sư khuyến cáo để tránh làm mất đi tình nghĩa láng giềng, người dân nên vì lợi ích chung, mỗi người cần nhường nhịn nhau, tránh làm các vụ việc tranh chấp trở nên phức tạp.
Người viết: Hứa Kim Ngân
Tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội