Tôi có một người thầy giáo, người vẫn hay được gọi bằng danh xưng Luật sư Trần Xuân Tiền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song, những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng Chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang.”
May mắn lớn nhất trong cuộc đời không phải là nhặt được tiền hay trúng số, mà là có người dẫn dắt mình đến những nền tảng cao hơn.
Tôi cũng vậy. May mắn lớn nhất của tôi là tìm được cho mình một người thầy đồng hành và dìu dắt trên hành trình đi đến thành công. Người thầy đó, không ai khác, chính là Luật sư Trần Xuân Tiền.
Người thầy đặc biệt của tôi.
Luật sư Tiền không phải là người thầy duy nhất hay người thầy đầu tiên trong cuộc đời tôi, nhưng chắc chắn là người thầy đặc biệt nhất. Dù không có bục giảng, không phấn, không giáo trình, giáo án như những thầy giáo thông thường khác, nhưng tôi cùng nhiều người khác vẫn “ngầm” gọi luật sư Tiền một tiếng Thầy.
Lần đầu nói chuyện với thầy, khi thầy hỏi tôi biết đến Văn phòng Luật sư Đồng Đội từ đâu, thì tôi đã không chần chừ đáp lại rằng: “Cháu biết đến chú trước khi biết đến văn phòng.”
Mọi thứ quả thực bắt nguồn từ hai chữ “tình cờ”: tình cờ đọc một bài viết, xem một video, tìm kiếm trang cá nhân, tình cờ thấy thông báo tuyển dụng và tình cờ xin việc, có chăng cũng là tình cờ may mắn được thầy nhận. Nhưng đối với tôi, việc được nhận vào văn phòng là một cơ hội rất lớn đối với tôi ở thời điểm đó, cũng là bước ngoặt thay đổi định hướng cho công việc tương lai sau này của tôi.
Người thầy mang màu áo lính
Ấn tượng lớn nhất đối với tôi về thầy Tiền chính là phong cách sống và thái độ sống. Từ phong thái làm việc, cách đối nhân xử thế, giao tiếp hàng ngày của thầy đều toát lên vẻ mộc mạc, giản dị, một vẻ đẹp mang đậm chất người lính.
Qua tìm hiểu, tôi được biết thầy từng học sĩ quan chỉ huy kỹ thuật ô tô tại Thị xã Sơn Tây và đeo hàm trung úy ngay khi mới 20 tuổi. Thầy còn từng giữ chức đại đội trưởng, giáo viên huấn luyện lái xe tại Trường Kỹ thuật Quân đoàn 1. Sau này, thầy tốt nghiệp Cao đẳng Kiểm sát với kết quả khá và vinh dự được phong quân hàm thiếu tá khi mới 29 tuổi.
Thầy từng kể về những ngày trong quân ngũ – những câu chuyện về tình đồng đội, những bữa cơm giản dị, hay những tâm tư chia sẻ đời lính dù điều kiện còn thiếu thốn. Có lẽ chính vì thế mà đến hiện tại, dù không còn ở trong quân đội, không phải chịu những khó khăn như ở trong quân ngũ, nhưng nếp sống của thầy vẫn đơn giản, mộc mạc như thói quen đã ăn sâu vào trong máu. Thầy vẫn dậy làm việc từ sớm, ăn những bữa cơm đạm bạc, đôi khi chỉ có đĩa rau, bát lạc rang, đĩa cà muối hay cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói hàng ngày đều vô cùng thân thương. Tất cả đều toát lên phong thái của người lính cụ Hồ.
Chất lính trong con người của Luật sư Tiền còn thể hiện rõ qua đứa con tinh thần: Văn phòng luật sư Đồng Đội, hay vẫn được gọi bằng cái tên thân thương Ngôi nhà Đồng Đội. Đây là một cái tên đơn giản nhưng lại mang nhiều tầng ý nghĩa, đối với bản thân luật sư, với các anh chị em nhân viên của văn phòng,.. và thậm chí với cả những khách hàng.
Những bài học đường đời đầu tiên.
Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác.
Thầy Tiền được sinh ra trong một gia đình nghèo tại Hà Trung, Thanh Hoá. Cũng như bao đứa trẻ sinh ra tại những làng quê nghèo khó, ngay từ thời niên thiếu, thầy cũng phải đi lội ruộng, lội sông, mò cua bắt ốc để mang đi bán lấy tiền đỡ đần, phụ giúp gia đình. Sống trong hoàn cảnh như vậy, nhưng thầy chưa từng nản lòng. Suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, thầy Tiền luôn đạt được thành tích tốt, thậm chí là đứng đầu địa phương ở thời điểm đó. Dù sau đó có những biến cố xảy ra, nhưng thầy vẫn vững vàng, và gặt hái quả ngọt (được bổ nhiệm nhiều chức vụ cao).
Song, điều khiến tôi khâm phục nhất ở thầy có lẽ là sự kiện thầy quyết định rời khỏi vị trí ổn định trong quan nhà nước, bước ra ngoài và tìm kiếm cho mình một cơ hội mới. Rất nhiều người cảm thấy khó hiểu với quyết định đó của thầy, nhất là ở cái độ tuổi đó. Riêng tôi lại thấy khâm phục thầy – một người dám mơ ước, dám thực hiện, dám đối mặt với thất bại, và dám vượt qua thất bại để bước đi tiếp. Và sự quyết tâm của thầy đã được đền đáp, một cách vô cùng xứng đáng.
Thầy khiến tôi phải nhìn nhận lại bản thân mình. Bởi có lúc tôi cảm thấy sợ, không phải sợ những vấp ngã hay những thử thách, thiếu thốn của đời sống sinh viên, tôi chỉ sợ một ngày nào đó bỗng nhiên thấy chán với những gì đang làm, thấy nản lòng, ghét giấc mơ của mình. Tôi sợ sẽ bỏ cuộc vì những cảm xúc như thế, sợ mình không đủ can đảm, không đủ nhiệt huyết để theo đuổi con đường đã chọn. Tôi tự nhắc nhở với lòng mình, nếu điều ấy xảy ra, tôi nhất định phải nhớ đến thầy để có thêm sức mạnh và tiếp tục bước tới.
Tôi từng đọc được một câu nói: “Có hai kiểu giáo dục. Một kiểu dạy chúng ta làm thế nào để sống, và kiểu còn lại dạy chúng ta phải sống như thế nào.”
Thầy Tiền là người thầy đầu tiên dạy tôi cả hai việc đó.
Trước đây, vốn dĩ tôi rất ghét chuyện viết lách, cho rằng đó là việc thừa thãi, không quan trọng cho tương lai sau này. Tuy nhiên, thầy Tiền đã thay đổi nhận thức của tôi, cũng như nhiều bạn sinh viên khác về công việc viết lách. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến tôi cảm thấy rất biết ơn thầy.
Ai quen biết thầy cũng đều biết rằng, thầy là một người rất thích đọc, thích viết.
Khi mới đến văn phòng, tôi cũng cảm thấy khó hiểu vì tại sao một luật sư lại có thể chăm chỉ viết và đăng tải bài như vậy. Nhưng dần dà, tôi biết rằng, đó là thói quen từ những ngày đầu tay trắng gây dựng nên đứa con tinh thần Đồng Đội. Thầy miệt mài, ngày đêm kiếm tiền nuôi dưỡng ước mơ luật sư từ việc viết lách cho các trang web, các tờ báo, trang mạng… Cứ viết như vậy, dần dà, từ một công việc chỉ để kiếm tiền lo toan cho cuộc sống, viết lách trở thành niềm yêu thích của thầy mỗi ngày, và thầy từ một ‘tay mơ’ trở thành một người ‘chuyên nghiệp’ được nhiều phóng viên tin tưởng lựa chọn, thậm chí còn mời làm diễn giả tại các toạ đàm lớn. Chính vì thế, nên thầy vẫn luôn khuyến khích chúng tôi chăm chỉ luyện tập viết bài, vừa luyện được văn, vừa giúp chúng tôi biến những câu chữ, những kiến thức của mình trở thành thứ giúp trang trải cuộc sống.
Không chỉ mỗi viết lách, thầy còn khuyên chúng tôi phải rèn luyện mọi thứ, như vậy thì mới giúp được bản thân mình và trở nên có ích cho xã hội. Thầy cũng rất tạo điều kiện cho những bạn ở xa, thường xuyên mở lớp zoom chia sẻ kiến thức, truyền đam mê với ngành luật.
Thầy cũng dạy chúng tôi phải biết quan tâm đến đồng nghiệp, đến khách hàng.
Thầy kể mới lên Hà Nội lập nghiệp, thầy cũng từng đi thực tập giống như sinh viên chúng tôi, cũng từng phải chịu những hạch sách oái oăm từ những văn phòng luật, những điều đó đã thôi thúc thầy tự lập một văn phòng riêng, tự quản lý. Và đúng như câu nói “Quả ngọt kết tinh từ gian khó”, sau những ngày tháng chăm chỉ, miệt mài thì Ngôi nhà Đồng Đội chính thức ra đời vào ngày 24/12/2010 theo quyết định số 01010611/TP/ĐKHĐ của Sở Tư pháp TP. Hà Nội.
Có lẽ chính vì đã từng trải, nên thầy đối xử với chúng tôi rất tốt, không hề xa cách mà đối với chúng tôi như con em, người thân trong gia đình, hết lòng chỉ dạy, chăm lo đến từng bữa cơm, tạo điều kiện hết mức cho nhân viên – điều mà rất hiếm văn phòng nào làm được. Chính vì lẽ đó, ai khi tiếp xúc với thầy cũng đều cảm thấy rất quý mến thầy. Thậm chí ngay cả những bạn nhân viên cũ đã từng ở văn phòng cũng luôn nhớ đến thầy, vào những dịp đặc biệt luôn cố gắng sắp xếp thời gian về thăm, chúc sức khoẻ thầy.
Không những vậy, ngay cả những khách hàng đã từng tới văn phòng, tiếp xúc với thầy cũng đều cảm mến và biết ơn thầy. Họ thường xuyên gửi quà biếu, mời thầy đến nhà hoặc đến thăm thầy để bày tỏ tấm lòng. Bởi lẽ thầy đã không quản ngại khó khăn, tham dự các phiên toà từ hành chính, dân sự, hình sự… hay từ đồng bằng cho đến miền núi, từ Bắc vào Nam… tất cả chỉ với một mục đích: giúp đỡ cho bà con. Thầy từng chia sẻ rằng, bà con họ đã khổ rồi, mình cố gắng hết khả năng, giúp được bao nhiêu thì giúp. Trong hơn 12 năm hoạt động hành nghề luật sư, thầy đã thành công với nhiều những vụ án, vụ việc tiêu biểu như: giúp một bị cáo ở tỉnh N.Đ giảm án xuống mức kịch khung thấp nhất, thậm chí còn giúp bị cáo đó nhận ra được sai lầm của mình. Hay vụ việc ở tỉnh T, thầy đã khiến cho bị cáo phải nhận mức án đúng người đúng tội, bảo vệ thành công cho bị hại… và rất nhiều vụ án khác.
Lời kết
Nhân dịp một ngày rất đặc biệt – ngày này năm ngoái, tôi đã nhắn tin xin thầy đến thực tập và được chấp thuận, tôi xin kính gửi tới thầy những lời chúc tốt đẹp và trân quý nhất. Cũng xin gửi tới thầy lời cảm ơn và lòng biết ơn sâu sắc vì mọi thứ trong suốt thời gian qua. Cảm ơn thầy vì đã luôn là người dẫn đường, là nguồn cảm hứng lớn trong hành trình của tôi và nhiều người khác.
Người viết: Ngô Ngọc Hiếu – CVPL tại VPLS Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi