Hiện nay, hình thức cho vay nặng lãi diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Khi những đối tượng cho vay lãi nặng “núp bóng’ dưới nhiều hình thức khác nhau chẳng hạn như phát tờ rơi, cầm đồ, vay lãi suất 0% chỉ cần chứng minh thư, cho vay nhanh, vay nóng nhận tiền ngay không cần giấy tờ,vay tín chấp, vay qua app,… nhanh gọn, có tiền ngay. Việc cho vay tiền này không chỉ dừng lại ở cho vay tiền mặt mà còn có thể được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác như cầm cố thế chấp tài sản, thế chấp nhà, mua hàng trả góp có giá trị lớn,…Từ thực tế có thể thấy rằng hành vi cho vay lãi nặng là hành vi phạm tội nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Do vậy, các cơ quan chức năng đang ngày càng tăng cường các biện pháp phòng chóng, ngăn chặn, trấn áp những đối tượng cho vay nặng lãi.
Vậy hành vi cho vay nặng lãi là như thế nào? Khi nào thì đối tượng cho vay nặng lãi bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Kình mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi!
- Khái niệm cho vay nặng lãi?
Cụm từ “cho vay nặng lãi” là cụm từ phổ biến mà mọi người hay sử dụng trong thực tế đời sống, tuy nhiên theo khoa học pháp lý tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 và Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP thì hành vi này được gọi là “cho vay lãi nặng”.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NĐ-HĐTP định nghĩa về “cho vay lãi nặng” như sau: “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
Cụ thể thì lãi suất vay do hai bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi xuất thì lãi xuất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự quy định,
Tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NĐ-HĐTP cũng quy định về Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Vậy nên, trong trường hợp bên cho vay cho vay với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên so với mức lãi xuất 20%/năm thì được coi là hành vi “cho vay lãi nặng”.
- Khi nào hành vi cho vay lãi nặng bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về tôi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì trong trường hợp: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Thêm vào đó, người phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hơn nữa, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấ m hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
Đối với trường hợp người có hành vi cho vay lãi nặng, căn cứ vào số lần cho vay và số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội thì người phạm tội thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tính tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự hoặc bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng (ví dụ: Tội cưỡng đoạt tài sản, Tội hủy hoại tài sản, Tội xâm phạm chỗ ở người khác, Tội cố ý gây thương tích, Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật,…..), nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, căn cứ theo tại khoản 1,2,3,4 Điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP.
Đối với hành vi cho vay nặng lãi nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP quy định, người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng thì thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt, theo đó:
– Hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
– Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.
– Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, vì hình phạt áp dụng cao nhất là phạt tù có thời hạn nên mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định, tức không quá 2 năm 3 tháng tù giam.
- Khuyến cáo của Luật sư
Từ những phân tích trên có thể thấy hành vi cho vay lãi nặng là hành nguy hiểm cho xã hội, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống gia đình, người thân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm khác như: Tội giết người, Tội cố ý gây thương thương tích, Tội cưỡng đoạt tài sản,…
Thêm vào đó, việc cho vay với lãi suất cao có tính chất lừa dối, bóc lột của các đối tượng cho vay lãi nặng gây ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự xã hội. Khi người vay không trả lãi và gốc đúng hạn thường bị các đối tượng đe dọa, khủng bố tinh thần, tạt sơn, chất bẩn vào nhà để uy hiếp…
Việc xử lý hoạt động cho vay lãi nặng cũng đang tồn tại những khó khăn, vướng mắc do nhiều giao dịch của nhóm đối tượng cho vay và người dân chỉ thỏa thuận bằng miệng, tự thỏa thuận về lãi suất, không thể hiện lãi suất trên hợp đồng vay nên rất khó phát hiện đối tượng cho vay lãi nặng.
Vì vậy, Luật sư khuyến cáo:
Đối với người đi vay, trong trường hợp, hoàn cảnh gia đình khó khăn bắt buộc phải đi vay thì nên tìm đến những cơ sở chính thống, có uy tín như ngân hàng, tổ chức tín dụng… với mức lãi suất đúng quy định pháp luật và đảm bảo khả năng trả nợ. Nếu bản thân, gia đình đang cần tiền gấp, không kịp vay của Ngân hàng, tổ chức tín dụng… thì người vay cũng cần chú ý, đọc kỹ hợp đồng vay, thỏa thuận rõ ràng về lãi suất, lãi suất chậm trả trước khi ký kết, tránh tiền mất tật mang. Thêm vào đó, những người dân phải đối mặt với cho vay lãi nặng cần phải nhanh chóng tố giác các hành cho vay lãi nặng của các cá nhân, tổ chức với các cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Đối với người cho vay, biết rằng hoạt động này nhằm mục đích thu lợi nhuận tuy nhiên cũng cần phải tuân thủ các quy định pháp luật về cho vay, lãi suất cho vay,… để tránh trường hợp khi xảy ra tranh chấp phải đối mặt với vòng lao lý. Bên cạnh đó, trong trường hợp người cho vay không đủ khả năng chi trả thì cần có cách thức “đòi nợ” hợp pháp, hợp lý, hợp tình, tránh trường hợp đòi nợ bằng các hành vi bất hợp pháp như đòi nợ trước hạn, lấy tài sản trừ nợ, đe dọa tinh thần, tự ý lấy thông tin cá nhân lên mạng, xâm phạm chỗ ở, danh dự nhan phẩm… Với hành động này, người cho vay không những không đòi được tiền mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ điều kiện cấu thành tội, “tiền mất tật mang”.
- Tình huống thực tế
Vụ việc thực tế 1: 7 đối tượng bị Công an huyện Q bắt giữ về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” trong đường dây cho vay nặng lãi trên địa bàn các xã ven biển của huyện Q. Các đối tượng trong đường dây này thường trực tiếp dùng mạng xã hội Zalo hoặc Facebook nhắn tin điều hành giao dịch việc cho vay và thu hồi nợ. Với lãi suất “cắt cổ” từ 3.000 đồng/triệu/ngày đến 15.000 đồng/triệu/ngày tương đương trên 500%/năm, chỉ tính từ năm 2021 đến khi bị bắt, 7 đối tượng trong đường dây này đã cho nhiều cá nhân trên địa bàn các xã ven biển của huyện và thu lợi bất chính 1,7 tỉ đồng.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, chúng thường lợi dụng mạng viễn thông, Internet, kinh doanh dịch vụ cầm đồ tạo vỏ bọc, đối phó với các cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Vụ việc thực tế 2: Công an huyện T phát hiện N.T.N mặc dù là Phó chủ tịch UBND xã V nhưng vì hám lợi nên đã cùng một số đối tượng khác tổ chức cho nhiều người dân trên địa bàn huyện T vay lãi nặng núp bóng dưới một cửa tiệm cầm đồ.
Cơ quan CSĐT Công an huyện T đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp nhăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đối tượng N về tội “cho vay lãi nặng trong giap dịch dân sự”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, N đã cho khoảng 60 bị hại vay với tổng số tiền gần 700.000.000 đồng với mức lãi suất dao động từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng /triệu/ngày, thu lợi bất chính gần 50 triệu đồng.
Đây là hành vi tinh vi, có tổ chức từ các đối tượng cho vay lãi nặng. Hơn thế nữa, N còn là người có chức vụ, quyền hạn lại vì hám lợi mà thực hiện hành vi núp bóng dưới cửa tiệm cầm để cho vay lãi nặng, điều này không những ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với người làm việc trong cơ quan nhà nước mà còn ảnh hướng đến an ninh trật tự xã hội.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Lê Thị Lan Anh – Thực tập sinh tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền