Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân trước những vấn đề bị vi phạm để tự bảo vệ mình. Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2018 quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”. Hay nói cách khác, bản chất của quyền tố cáo là quyền tự vệ hợp pháp trước những hành vi vi phạm để tự bảo vệ mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích của xã hội.
Tuy nhiên, tình trạng đơn thư khiếu nại sai sự thật vẫn chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí còn phổ biến hiện tượng đơn thư nặc danh, sai sự thật, vu khống người khác gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội. Thực tế không hiếm gặp trường hợp các cá nhân đi tố cáo, tố giác tội phạm nhưng lại bị tố ngược về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Một phần do không hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan, tố cáo tố giác khi không có chứng cứ chứng minh; phần khác, nhiều đối tượng lợi dụng quyền tố cáo, cố ý bịa đặt những thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Do đó, việc chúng ta hiểu rõ luật để sử dụng quyền lợi chính đáng của mình đúng mục đích là điều rất cần thiết.
Vu khống được hiểu là hành vi sử dụng lời nói, hành động làm ảnh hưởng đến danh dự cá nhân hoặc tổ chức. Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định vu khống là các hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền , lợi ích hợp pháp của người khác.
Hành vi vu khống người khác có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật hoặc trong trường hợp có đủ căn cứ cấu thành tội phạm thì người có hành vi vu khống người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, cá nhân có hành vi lăng mạ, xúc phạm, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng căn cứ tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trong trường hợp, cá nhân có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó cá nhân có hành vi nêu trên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Đối với trường hợp cá nhân phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội,… có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm căn cứ tại khoản 2 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. Thêm vào đó, đối với các đối tượng phạm tội vì động cơ đê hèn, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ thương tổn cơ thể 61% trở lên, làm nạn nhân tự sát có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 3 Điều này. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm căn cứ tại khoản 4 Điều 156 Luật này.
Vậy nên, việc đưa ra những thông tin mang tính chất bình luận, có liên quan đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác phải hết sức thận trọng, dựa trên sự thật khách quan và có căn cứ chứng minh. Bên cạnh đó, trong trường hợp muốn làm đơn tố cáo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của một người xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích cá nhân cũng phải thật cẩn trọng và có căn cứ, chứng cứ chứng minh để tố cáo, tố giác đúng người, đúng hành vi.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý cá nhân tố cáo sai sự thật ở nước ta vẫn còn bị xem nhẹ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đơn thư tố cáo sai sự thật, tố cáo vượt cấp không giảm, tính chất ngày càng phức tạp. Xuất hiện trường hợp một số đối tượng do thù hằn cá nhân, khi tham gia phiên tòa xảy ra mâu thuẫn, không đồng tình với ý kiến của luật sư nên đã có những lời lẽ không hay, cố ý viết đơn thư tố cáo sai sự thật, cho rằng luật sư bịa đặt vu khống. Thực chất, luật sư chỉ là người tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thân chủ. Họ là người nắm luật và hiểu luật, những luận cứ, luận điểm của họ đưa ra không phải để chỉ trích, lăng mạ, bôi nhọ bất cứ cá nhân hay tổ chức chức nào khác. Trường hợp luật sư có vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy tắc đạo đức hành nghề luật sư. Còn để xác định xem luật sư đó có vu khống hay không là việc rất phức tạp và nhạy cảm bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người luật sư mà trường hợp người dân tố cáo sai, không có bằng chứng còn rất dễ bị tố ngược lại.
Có thể nói, khiếu nại tố cáo đúng sự thật sẽ mang lại giá trị rất lớn, giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời những cá nhân, tập thể sai phạm, bảo đảm kỷ cương phép nước. Một xã hội văn minh sẽ không chấp nhận kiểu tố cáo chủ ý sai sự thật hay vu khống người khác, bởi tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã tham gia vào những vụ việc mà người đi tố cáo lại trở thành bị cáo. Chính vì vậy, luật sư khuyến cáo người dân cần nâng cao kiến thức về pháp luật và có ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền nhân thân, quyền lợi của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội và cao nhất là tôn trọng sự thật nhằm hạn chế tình trạng khiếu nại tố cáo sai sự thật. Thêm vào đó, người dân cần phải cẩn trọng trong quá trình soạn thảo đơn tố cáo, tố giác tội phạm, nên tham vấn luật sư để tránh trường hợp tố cáo khi không đủ chứng cứ, tố cáo sai đối tượng, sai hành vi thì rất dễ từ người đi tố cáo lại trở thành người bị tố cáo.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội