Câu hỏi: Gia đình tôi xây dựng căn nhà cấp 4 mái bằng vào năm 2009 (thời điểm đó bố tôi chưa xin giấy phép xây dựng). Kể từ đó đến nay gia đình tôi vẫn sinh sống tại căn nhà đó, chính quyền cũng không xử phạt và không có tranh chấp gì. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, gia đình tôi có xảy ra mẫu thuẫn gay gắt với hàng xóm, sau đó hàng xóm đã tố cáo gia đình tôi lên UBND xã về việc xây dựng căn nhà không có giấy phép xây dựng. Tôi thắc mắc rằng trường hợp của nhà tôi có bị xử phạt hành chính không?
Luật sư tư vấn như sau:
Theo khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi năm 2020 thì xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Trước khi xây dựng công trình, người xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định khoản 1 Điều 89 Luật xây dựng 2014, sửa đổi 2020. Vậy nên, việc xây nhà có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn đã xây dựng nhà từ năm 2009, thời hiệu xử phạt hành chính quy định là 02 năm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về xây dựng đã kết thúc được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (thời điểm là ngày đưa công trình vào sử dụng). Vậy nên, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm trong trường hợp của bạn là năm 2009, và thời hiệu 02 năm được tính từ thời điểm ngày bắt đầu gia đình bạn sử dụng căn nhà.
Vì vậy, từ phân tích trên có thể thấy trường hợp của gia đình bạn đã hết thời hiệu xử phạt hành chính thì không thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên gia đình bạn sẽ không bị xử phạt hành chính nhưng gia đình bạn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nếu đáp ứng các điều kiện sau thì gia đình bạn có thể tiếp tục sử dụng căn nhà mà không bị phá dỡ theo quy định tại Điều 84 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Cần lưu ý rằng hợp thức hóa nhà ở xây dựng trái phép nghĩa là điều chỉnh giấy phép xây dựng hay điều chỉnh thiết kế xây dựng hoặc xin cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở, công trình xây dựng để hoàn thiện về mặt giấy phép.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 84 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng được tiếp tục sử dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Vi phạm xảy ra từ 4/1/2008 và kết thúc trước ngày 15/1/2018 nhưng sau ngày 15/1/2018 mới bị phát hiện hoặc bị phát hiện trước ngày 15/1/2018 và đã có biên bản xử phạt.
– Không vi phạm chỉ giới xây dựng
– Không ảnh hưởng các công trình lân cận
– Không có tranh chấp
– Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp
– Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các độc giả có thắc mắc về các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ:
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Lê Thị Lan Anh
Tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền