Tai nạn giao thông không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn công cộng và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chính vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời nâng cao ý thức và hiểu biết của người dân khi tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I năm 2023, toàn quốc xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người. So sánh với thống kê cùng kỳ năm 2022, số liệu về tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí: giảm 428 vụ (giảm 15,4%), giảm 258 người chết (giảm 15,2%), giảm 148 người bị thương (giảm 8,5%).
Mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông đã được cải thiện đáng kể nhưng vi phạm về trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều, trong đó có những vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Nhiều người vẫn chưa quên được vụ tai nạn giữa xe ô tô khách và ô tô đầu kéo tại tỉnh Quảng Nam hồi tháng 2 năm nay. Vụ tai nạn đã làm 8 người chết, nhiều người khác trong tình trạng nguy kịch.
Tùy theo tính chất, mức độ và thiệt hại thực tế mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phải chịu phạt tù với mức thấp nhất là 01 năm và mức cao nhất là 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bộ luật hình sự hiện hành đã quy định rất cụ thể hình phạt trong các trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo mức phạt tương xứng với tính chất lỗi và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Trong thực tế, không tránh khỏi những trường hợp tai nạn xảy ra nằm ngoài khả năng kiểm soát của người điều khiển phương tiện hoặc lỗi của người bị hại là nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn (người gây tai nạn đi rất cẩn trọng nhưng sự bất cẩn của người khác lại khiến họ vi phạm phạm luật).
Một vấn đề đáng quan tâm là sự thiếu hiểu biết của người dân đối với các quy định về xử lý vi phạm an toàn giao thông. Điều này dẫn đến việc khi có tai nạn xảy ra, người vi phạm có thể có những hành xử thiếu suy nghĩ, không thể đưa ra cách giải quyết vấn đề phù hợp, thậm chí là bỏ trốn khỏi hiện trường và để mặc người bị thương… do tâm lý sợ phải chịu trách nhiệm mà không biết rằng hành động này sẽ làm tăng mức độ lỗi của bản thân; trong khi đó nếu họ có những hành động kịp thời, tự nguyện để sửa chữa thiệt hại, đưa người bị thương đi cấp cứu thì họ có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nỗi sợ bị kiện tụng cùng với việc người dân vẫn chưa quen tìm đến sự tư vấn của luật sư khiến các bên trong vụ tai nạn có xu hướng tự thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại. Tại chương XX của Bộ luật dân sự 2015 đã quy định chi tiết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản, sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông bị xâm phạm. Tuy nhiên, do chưa chưa nắm được các quy định này, nhiều người dân yêu cầu mức bồi thường trên trời, vượt xa mức cao nhất mà Bộ luật dân sự 2015 quy định; còn người vi phạm cũng không có hiểu biết về luật nên vẫn chấp nhận để không phải “ra Tòa nói chuyện”.
Việc bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng được quy định tại khoản 1 Điều 589 của Bộ luật Dân sự 2015 gồm: tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định. Cách xác định được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.
Đối với thiệt hại do sức khỏe xâm phạm, theo khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, người chịu trách nhiệm phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút… Ngoài ra, người gây tai nạn còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường do các bên tự thỏa thuận nhưng không được quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tức không quá 74.500.000 đồng (mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng).
Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định. Bên cạnh đó, các bên thỏa thuận về mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tức không quá 149.000.000 đồng (mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng).
Mặt khác, các tài xe đi phương tiện truyền tai nhau thông tin về “luật ngầm” là cố ý tông chết người bị tai nạn để đỡ phải đền bù nhiều lần tốn kém.
Tuy nhiên, trường hợp này người thực hiện hành vi cố tình cán nạn nhân đến chết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Do tính chất nghiêm trọng của hành vi man rợ này mà người vi phạm có thể đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 7 năm và cao nhất có thể lên tới 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Tháng 5/2009, tài xế xe container Đặng Hữu Anh Tuấn đã cố tình cán 3 lần lên người nữ sinh sau khi gây tai nạn khiến nạn nhân tử vong. Sau khi các cơ quan tố tụng xem xét và đánh giá hồ sơ vào tháng 3/2010, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Đặng Hữu Anh Tuấn mức án 8 năm tù về tội “giết người”.
Vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Đây là điều đương nhiên không thể bàn cãi, tuy nhiên thái độ và hành động sau khi vi phạm cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ trách nhiệm mà người vi phạm phải chịu. Do đó, việc phổ biến pháp luật rộng khắp đến các cá nhân trong xã hội là biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế hơn nữa các vụ tai nạn giao thông, đồng thời là tiền đề để người gây tai nạn có thể bình tĩnh để đưa ra cách xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, hậu quả của tai nạn giao thông không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân mà ngay chính người vi phạm cũng phải gánh những thiệt hại nặng nề. Chính vì thế, các bên trong vụ việc cần có thiện chí trong suốt quá trình hòa giải, xét xử vụ án và có những yêu cầu “có tình” hơn. Tai nạn xảy ra là điều không bên nào mong muốn, do đó, các bên cần cảm thông lẫn nhau thay vì chỉ tập trung tới mức bồi thường được nhận hay kết quả thắng thua tại Tòa án. Nhiều vụ án kéo dài trong nhiều năm trời, trải qua nhiều lần xét xử, kháng cáo, kháng nghị mà vẫn để lại nhiều nỗi day dứt cho những người trong vụ việc, dư luận cũng xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều, bất bình. Điển hình là kết quả xét xử gây nhiều tranh cãi trong vụ xe Innova lùi trên đường cao tốc ở Thái Nguyên khiến 5 người tử vong. Trong tình huống bất ngờ xảy ra mà lỗi chính là do chủ chiếc xe Innova, tài xế xe container đã cố gắng để tránh va chạm xảy ra, dù chưa phải là cách tốt nhất, mà vẫn bị tuyên phạt 8 năm tù trong phiên xét xử sơ thẩm; bị cáo đã liên tục kêu oan, trải qua phiên xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm, mức phạt của bị cáo được giảm dần.
Người viết: Vũ Quỳnh Anh – Thực tập sinh tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Số điện thoại: 0814102002
Gmail: vuquynhanh14102002
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội