Quyền im lặng, hay còn gọi là quyền Miranda, được coi là một trong những quyền cơ bản của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự. Hiểu một cách đơn giản thì người bị buộc tội không bị buộc khai báo và buộc nhận tội nếu cảm thấy bị bất lợi trước cơ quan tiến hành tố tụng, tức là “thích thì trả lời, không thích thì thôi”. Dưới sự bảo vệ của quyền im lặng, người bị buộc tội được bảo vệ khỏi sự cưỡng bức về thể chất hoặc tinh thần từ phía cơ quan điều tra như dụ cung, bức cung, dùng nhục hình hoặc bằng các lệnh, quyết định chính thức dẫn đến khai báo sai. Chính vì thế, quyền im lặng một mặt giúp người bị buộc tội bảo vệ được quyền lợi của mình trong quá trình tố tụng; mặt khác, nó có vai trò như một công cụ giúp bảo vệ sự thật vụ án bằng việc ngăn chặn cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng lời khai bất lợi khiến người vô tội phải nhận tội dẫn đến các án oan sai.
Trên thực tế tại Việt Nam, việc ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội vẫn đang là chủ đề nóng hổi được bàn tán với nhiều ý kiến trái chiều. Mặc dù nước ta hiện nay chưa có bất kì văn bản pháp luật nào thể chế hóa cụ thể về quyền im lặng trong tố tụng hình sự, thế nhưng quyền im lặng đã được các nhà lập pháp “ngầm” quy định thông qua một số điều khoản rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) dựa trên tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội (ghi nhận tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 và Điều 13 BLTTHS 2015) và những đặc điểm cơ bản của quyền im lặng được pháp luật quốc tế công nhận. Cụ thể theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 58, điểm c khoản 2 điều 59, điểm d Khoản 2 Điều 60 và điểm h Khoản 2 Điều 61 BLTTHS, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can hoặc bị cáo có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Điều này có nghĩa rằng những người bị buộc tội có thể chủ động hơn trong việc trình bày lời khai cũng như ý kiến của mình trước cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp cảm thấy lời khai, ý kiến có thể gây bất lợi cho mình thì họ có quyền không trình bày. Và tất nhiên, họ có thể thực hiện quyền này ở bất kỳ giai đoạn nào trong suốt quá trình tố tụng vụ án. Với nội dung như vậy, người bị buộc tội có thể tự bảo vệ quyền lợi cho mình trong quá trình tiến hành tố tụng, trước cơ quan tiến hành tố tụng.
Hẳn là rất nhiều người đã từng nghe qua vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ trị giá 16,5 tỷ đồng gây sốt một thời liên quan đến Trương Hồ Phương Nga và Cao Toàn Mỹ vào năm 2017. Ở phiên tòa sơ thẩm ngày 22/6/2017, bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã xin được giữ quyền im lặng với cả phần xét hỏi của HĐXX và đại diện cơ quan công tố với lý do đã khai báo hết ở phiên tòa lần thứ nhất và không muốn khai báo gì thêm do lo lắng rằng mình sẽ đưa ra những lời khai có thể chống lại chính mình. Cách trả lời của bị cáo Phương Nga đã khiến nhiều người tham dự phiên tòa tỏ ra bất ngờ.
Cô nói rằng: “Bị cáo không tin tưởng vào Viện kiểm sát. Bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, bị oan. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng và bị cáo tin rằng với những bằng chứng ngụy tạo trong vụ án thì không thể kết tội bị cáo.” Những gì mà bị cáo trả lời như trên là hoàn toàn có cơ sở nếu chiếu theo quy định tại Điều 15 BLTTHS. Mặc dù đã có rất nhiều tranh cãi xảy ra xung quanh việc sử dụng quyền im lặng của bị cáo Nga có đúng hay không, thế nhưng cuối cùng, sau khi không chứng minh được yếu tố tội phạm của bị cáo ở thời điểm đó, Tòa án đã phải tuyên tạm đình chỉ vụ án này. Có thể nói rằng, vụ kiện tiêu tốn rất nhiều giấy mực của cánh phóng viên nhà báo này được coi là vụ án điển hình ở Việt Nam minh chứng cho việc người bị buộc tội đã sử dụng thành công quyền im lặng trong quá trình điều tra xét xử; đồng thời nó cũng thể hiện sự thay đổi tích cực trong quan điểm cải cách tố tụng hình sự ở Việt Nam. Nếu như trước kia, chỉ những người học luật hay những người công tác trong lĩnh vực pháp luật mới biết đến quyền im lặng thì ngay sau thời điểm vụ án này được đưa ra xét xử, ‘quyền im lặng’ đã trở thành chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm và phản ứng trái chiều từ phía dư luận.
Tất nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng quyền im lặng cũng có lợi đối với người bị buộc tội. Các trường hợp như bị can, bị cáo không đồng ý với các câu hỏi, ý kiến, quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy bị can, bị cáo không trả lời và sử dụng quyền im lặng; bị can, bị cáo chưa có ý kiến khác đối với vụ án, quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc nếu bị can, bị cáo khai báo thì những thông tin khai ra trở thành chứng cứ bất lợi thì có thể tham vấn luật sư nên sử dụng quyền im lặng như thế nào cho hợp lí. Ngoài các trường hợp đã nêu trên, nếu bị cáo từ chối trình bày lời khai, ý kiến của mình trước cơ quan tiến hành tố tụng nhiều lần có thể khiến cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá người bị buộc tội là “thiếu thành khẩn”, “không hợp tác với cơ quan tố tụng”; bị can, bị cáo bị coi là “quanh co, chối tội hòng trốn tránh trách nhiệm”… tất cả những tình tiết này có thể sẽ bị tòa án dùng làm căn cứ để quyết định mức án nặng hơn.
Điều này đã xảy ra trong vụ án ‘Tham ô tài sản của tổng công ti PVC’ chấn động cả nước của bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa xét xử, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã sử dụng quyền im lặng đối với mọi câu hỏi và chỉ thông qua các luật sư bào chữa. Tuy nhiên, bản luận tội của Viện kiểm sát đã cho rằng đây là hành vi không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội và không phù hợp với quy định về suy đoán vô tội tại Điều 13 BLTTHS 2015.
Lí do cụ thể mà Viện kiểm sát đưa ra như sau: “Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận việc chỉ đạo dùng sai mục đích tiền tạm ứng; không thừa nhận việc chỉ đạo đề ra chủ trương lập khống hồ sơ thi công để rút và chiếm đoạt tiền của PVC. Tuy nhiên, căn cứ theo lời khai của các bị cáo khác tại phiên toà, lời khai của nhân chứng và chữ ký của chính bị cáo trên các tài liệu hợp thức hồ sơ khống có đủ cơ sở quy kết hành vi phạm tội của bị cáo”. Mặc dù các luật sư bào chữa cho rằng nội dung bản luận tội cáo buộc trên của Viện kiểm sát là rất khiên cưỡng và mong muốn Viện kiểm sát xem xét lại để phù hợp với quy định có lợi cho người phạm tội nhưng cuối cùng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh vẫn bị tuyên phạt mức án tù chung thân với tội danh lợi dụng chức vụ tham ô tài sản.
Tóm lại, quyền im lặng có ý nghĩa rất quan trọng đối với người bị buộc tội, giúp họ bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình tố tụng, tránh trường hợp bị ‘mớm cung’, ép bức cung chứ không nên sử dụng bừa bãi để bị đánh giá là không tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, nói là một chuyện, còn làm như thế nào để người bị buộc tội có thể thực hiện được quyền im lặng một cách khôn ngoan, hiệu quả và đúng đắn nhất lại là một chuyện khác. Muốn làm được điều đó, trước hết, bản thân người bị buộc tội cần phải nâng cao hiểu biết pháp luật để có thể hiểu được những câu hỏi trước mắt của cơ quan điều tra và tự bảo vệ chính mình một cách tốt nhất trong trường hợp luật sư bào chữa không có mặt. Trên thực tế, không hiếm các vụ án, vụ kiện liên quan đến lĩnh vực kinh tế chuyên ngành bị cáo nhất quyết yêu cầu luật sư phải bào chữa, trình bày theo đúng ý kiến của bị cáo, bởi bị cáo có hiểu biết về pháp luật và hiểu chính bản thân họ muốn gì, cần gì và đang làm gì. Do vậy, việc người bị buộc tội hiểu được pháp luật trao cho họ những quyền gì là việc vô cùng cần thiết; nếu họ không biết, cơ quan điều tra có trách nhiệm phải thông báo về quyền của họ, hoặc cần có sự tham vấn của luật sư để tránh hiểu sai về quyền này. Ngoài ra, việc ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội cũng giúp nâng cao vị thế người bào chữa và năng lực chuyên môn của cơ quan tiến hành tố tụng để có thể xét xử đúng người đúng tội. Trong tương lai gần, rất hi vọng các nhà làm luật xem xét đưa quyền im lặng trong tố tụng hình sự vào điều luật cụ thể và có những quy định giải thích, hướng dẫn chi tiết để tránh xảy ra những nhầm lẫn không đáng có.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Ngô Ngọc Hiếu – Chuyên viên pháp lý VPLS Đồng Đội