Trên phương diện pháp lý, quyền thừa kế là một trong những chế định quan trọng được quy định trong Bộ luật dân sự 2015, theo đó “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Từ quy định trên có thể thấy, mọi cá nhân, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội…đều có quyền để lại tài sản của mình cho người khác, cũng như quyền được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp không thể lường trước, ví dụ như người được hưởng di sản thừa kế chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì di sản này sẽ được chuyển cho ai và như thế nào? Vậy nên những nhà làm luật đã quy định về trường hợp thừa kế thế vị, nhằm bảo đảm quyền lợi cho những người thuộc dòng máu trực hệ với người để lại di sản thừa kế.
Theo đó, thừa kế thế vị là trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; hoặc trường hợp nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống căn cứ tại tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015.
Tuy nhiên, để được hưởng thừa kế thế vị thì phải đảm bảo được các điều kiện sau đây:
– Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ căn cứ di chúc. Trường hợp người thừa kế theo di chúc đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì phần di chúc đó vô hiệu và phải thực hiện chia di sản theo pháp luật.
– Thừa kế thế vị được đặt ra khi con hoặc cháu chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu/chắt được hưởng phần di sản mà cha/mẹ được hưởng nếu còn sống.
– Người thừa kế thế vị phải bảo đảm nguyên tắc chung về thừa kế được quy định tại Bộ luật Dân sự là còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
– Bản thân người thế vị không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản.
– Khi còn sống, người cha/mẹ của người được thừa kế thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết (nghĩa là không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản thì con hoặc cháu của những người này mới được thế vị).
– Phần di sản mà người thừa kế thế vị được hưởng: Thừa kế thế vị không như thừa kế theo hàng thừa kế. Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tất cả những người thừa kế thế vị cùng được hưởng chung phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.
Tình huống thực tế: Bố anh A không để lại di chúc, thời điểm bố anh A chết, di sản thừa kế được chia theo pháp luật, theo đó anh A là con được hưởng một phần di sản thừa kế. Tuy nhiên, anh A đã chết do tai nạn giao thông trước thời điểm bố anh A chết. Anh A có hai người con là C và D. Vậy nên, phần di sản thừa kế mà anh A được hưởng sẽ được thế vị bởi hai người con của anh là cháu C và D.
Trong trường hợp anh A chết sau bố anh A thì sẽ không thuộc trường hợp thừa kế thế vị.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Lê Thị Lan Anh – Thực tập sinh pháp lý tại VPLS Đồng Đội