Tình huống: A và B kết hôn được 2 năm có con chung là một cháu 7 tuổi và 1 cháu 14 tháng tuổi. Do phát hiện anh A ngoại tình ( có đầy đủ bằng chứng) nên A và B đã cãi nhau, chị B bỏ về nhà ngoại còn con thì đang sống cùng A. Hiện tại cả hai đang trong quá trình ly thân và A không đồng ý cho B gặp 02 con và tuyên bố nếu ly hôn con sẽ do A nuôi. B muốn ly hôn thì có được quyền nuôi cả 02 con không? Và thủ tục ly hôn như thế nào?
Đối với trường hợp này chúng tôi xin tư vấn như sau:
Quyền nuôi con khi ly hôn là một trong những dạng tranh chấp tương đối phổ biến trong các vụ án ly hôn. Tuy nhiên, để xem xét việc giao con cho bố hoặc mẹ, Tòa án sẽ phải căn cứ vào nhiều yếu tố và các điều kiện khác nhau.
Thứ nhất, độ tuổi của các con
Theo như thông tin anh A và chị B có 02 người con chung, 01 cháu 07 tuổi và 01 cháu 14 tháng tuổi.
Đối với cháu 7 tuổi: Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật HN & GĐ 2014, để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 7 tuổi trở lên để xem cháu mong muốn ở với ai.
Đối với cháu bé 14 tháng tuổi: Theo quy định tại Điều 81 Luật HN & GĐ 2014, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, nếu chưa xét đến về điều kiện vật chất và tinh thần cho các con thì nếu cháu 07 tuổi có mong muốn ở với mẹ thì chị B có thể sẽ nuôi được 02 con.
Thứ hai, điều kiện về vật chất
Chị B phải cung cấp các tài liệu chứng minh bản thân có công việc ổn định, lương cao, thu nhập ổn định, có sổ tiết kiệm…Những yếu tố về vật chất này đủ để đảm bảo trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con đầy đủ và cho con được học hành trong môi trường giáo dục tốt nhất.
Thứ ba, điều kiện về tinh thần
Chị B phải chứng minh được mà mình có đủ thời gian để quan tâm, giáo dục, chăm sóc, tôn trọng lắng nghe ý kiến của con và nhân cách đạo đức con người phải tốt.
Thứ tư, chứng minh chồng không đủ điều kiện nuôi con sau khi ly hôn ( nếu có)
Nếu xét về vật chất, tinh thần và điều kiện khác, các đương sự đều có tình huống tương tự nhau thì đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để Tòa án xem xét giao cho cho ai.
Những vấn đề cần chứng minh trong trường hợp này có thể kể đến:
– Trong thời gian đang chung sống, đối phương không quan tâm đến con, hay đánh đập, bạo lực với con về tinh thần và thể xác, ngăn cản, không tạo điều kiện cho con được phát triển năng khiếu… ảnh hưởng sâu sắc đến việc phát triển toàn diện của con.
– Chứng cứ chứng minh nguyên nhân ly hôn là do lỗi của đối phương ví dụ như ngoại tình, bạo lực gia đình,….Qua đó, khẳng định, đối phương là một tấm gương không tốt với con, nếu để con sống chung với đối phương sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của con…
Từ những phân tích trên, để đảm bảo khả năng Tòa án sẽ giao cho cho chị B thì chị B phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trước tiên là về nguyện vọng của con 07 tuổi sau đó là các điều kiện về vật chất cũng như tinh thần.
Thủ tục ly hôn
Để tòa án có thể xem xét giải quyết quyền nuôi con khi ly hôn, chị B cần phải thực hiện các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
- Đơn khởi kiện ly hôn và nuôi con ( Mẫu số 23 – DS – Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP)
- Các tài liệu chứng minh hành vi ngoại tình của anh A : video, hình ảnh, tin nhắn,….
- Tài liệu chứng minh anh A không có điều kiện nuôi con ( Điều kiện về kinh tế và tinh thần)
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc)
- Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực): con 7 tuổi và con 14 tháng
- Các giấy tờ tài liệu khác: chứng minh về điều kiện chỗ ở, thu nhập, nuôi dưỡng con của chị B
Bước 2: Nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết
Theo điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015, quy định về thẩm quyền theo lĩnh vực của Tòa án nhân dân cấp huyện: “Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này” và điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS quy định: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Do đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết được xác định là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh A đang cư trú.
Bước 3: Nộp án phí
Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí,
Theo Khoản 1 Điều 195 BLTTDS 2015, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Tiền tạm ứng án phí này sẽ được nộp tại Chi cục thi hành án cấp huyện nơi TAND cấp huyện giải quyết vụ án ly hôn. Và theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/ UBTVQH14 thì tiền tạm ứng án phí là 300.000 đồng.
Về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm,
Theo khoản 4 Điều 147 BLTTDS 2015 quy định: “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn”. Như vậy, chị B dù có được Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu có nghĩa là nếu chị B không được quyền nuôi con thì chị B vẫn phải là người chịu án phí sơ thẩm.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Nguyễn Thị Như Thùy – Nguyễn Hương Ly
Gmail: Thuyhlu1308@gmail.com – ly79455@gmail.com
Điện thoại: 0367658315 – 0842 59 59 55