Hiện nay, chuyên án “chuyến bay giải cứu” vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm, theo dõi từ đông đảo người dân. Theo đó, sau gần 3 tuần xét xử và nghị án, chiều 28/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó có 4 bị cáo bị Tòa tuyên phạt mức án cao nhất là tù chung thân gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) bị tuyên về tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) bị tuyên phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo thông tin nhận được, trong các bị cáo nêu trên đã có 03 bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả với mong muốn có thể giảm án theo quy định pháp luật.
Vậy tù chung thân được hiểu như thế nào và liệu rằng khi các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả thì có được giảm án thành tù có thời hay không?
Để giải đáp thắc mắc này, xin mời các bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây!
Tù chung thân là gì?
Theo Điều 39 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, hình phạt tù chung thân là hình phạt tù không có thời hạn. Chính vì vậy, khi Tòa tuyên án thì người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù suốt phần đời còn lại nếu không được hưởng khoan hồng.
Hình phạt này được áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Do hậu quả cũng như hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm tuy nhiên xét thấy hình phạt tù là quá nhẹ và tử hình là quá nặng nên khi đó Tòa sẽ áp dụng hình phạt chung thân. Đặc biệt, khi chấp hành hình phạt chung thân, người phạm tội phải tham gia giáo dục, cải tạo, làm việc theo phân công tại trại giam.
Có được giảm án tù chung thân và mức giảm như thế nào?
Theo nguyên tắc, người phạm tội khi bị kết án tù chung thân sẽ phải chấp hành hình phạt tù không có thời hạn. Tuy nhiên, Nhà nước ta luôn có những chính sách nhân đạo đối với án phạt tù chung thân, qua đó tạo điều kiện cho người phạm tội cải tạo tốt được hưởng các chính sách khoan hồng.
Theo đó, căn cứ tại Điều 63 Bộ luật dân sự 2015, sửa đổi 2017, các yếu tố để cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án xem xét để ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi người bị kết án bao gồm:
+ Đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định,
+ Có nhiều tiến bộ,
+ Đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.
Trong đó, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu đối với người bị kết án phạt tù chung thân là 12 năm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật này, một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Đối với người bị kết án phạt tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
Trong trường hợp, người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
Vậy nên, một người bị kết án tù chung thân, nếu cải tạo tốt và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định nêu trên thì có thể được xem xét giảm án phạt và có thể chỉ cần chấp hành đủ 20 năm tù (đối với người bị kết án về một tội); hoặc 25 năm tù (đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân) là được trả tự do theo chính sách nhân đạo của Nhà nước.
Ngoài ra, người bị kết án tù chung thân nhưng đã được giảm án có thể được tha tù trước thời hạn nếu phạm tội lần đầu, có ý thức cải tạo tốt,… và đã chấp hành án tù được ít nhất từ 12 đến 15 năm tù.
Như vậy, đối với các bị cáo trong chuyên án “chuyến bay giải cứu” bị Tòa án tuyên mức phạt cao nhất là chung thân có thể được giảm án thành tù có thời hạn nếu đáp ứng đủ các điều kiện: đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định; có nhiều tiến bộ, đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự thì có thể được xem xét giảm án theo chính sách khoan hồng của Nhà nước.
Từ chuyên án “Chuyến bay giải cứu” này có thể thấy hành vi của nhóm bị cáo nhận hối lộ đã gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của cơ quan Nhà nước, tạo dư luận xấu trong nhân dân… nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội. Vì vậy, đối với 04 bị cáo bị Tòa án tuyên án chung thân không chỉ mang tính răn đe, cảnh cáo, phòng ngừa đối với các hành vi phạm tội tương tự đã, đang và sẽ xảy ra, mà còn tạo niềm tin trong nhân dân đối với công tác phòng chống tội phạm tham nhũng của Nhà nước.
@vpls_dongdoi Đại án chuyến bay giải cứu: 4 bị cáo chịu mức án chung thân !!! #vplsdd #chuyenbaygiaicuu #vuan #phientoa #phapluat #luatsu #chiase #tiktoknews #xuhuong
Mời Quý độc giả theo dõi mức án của 54 bị cáo trong đại án “chuyến bay giải cứu” qua đường dẫn:
– Báo Dân trí: https://dantri.com.vn/phap-luat/muc-an-54-bi-cao-bay-giai-cuu-thay-doi-the-nao-so-voi-de-nghi-20230729073110812.htm
Người viết: Lê Thị Lan Anh – Nguyễn Hương Ly
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội