Nghề luật sư là một nghề có phạm vi hoạt động khá rộng và đa dạng, ngoài những công việc cụ thể được quy định trong Luật luật sư và các văn bản pháp luật khác có liên quan, những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện còn có quyền và nghĩa vụ hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư. Vì vậy, Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội trong 13 năm hành nghề luật sư đã có nhiều thế hệ “học trò” được “thầy” kèm cặp, hướng dẫn, vượt qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư và có thành công nhất định trong sự nghiệp. Uy tín, tên tuổi của ông vang xa và Văn phòng luật sư Đồng Đội luôn là nơi mà nhiều luật sư tập sự muốn đến để học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để có thể lấy được chứng chỉ hành nghề luật sư, chiếc thẻ luật sư danh giá.
Sau đây là một bài viết của thực tập sinh Trần Thanh Diệp – Luật sư tập sự tại Văn phòng luật sư Đồng Đội về chủ đề “nghề luật có chọn tôi”, mời Quý độc giả cùng theo dõi và đón đọc.
Để trả lời cho câu hỏi “nghề luật có chọn tôi” thì trước hết tôi xin nói một số động lực thúc đẩy tôi lựa chọn trở thành Luật sư.
Tôi năm nay đã gần 40 tuổi, tôi có công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng cái nghề tôi đang làm có thể nói là dòng đời đưa đẩy, không phải mục tiêu mơ ước khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hồi đó tôi thích Luật, rất thích trở thành một người luật sư tài giỏi như các Luật sư trên phim, trên truyền hình, nghĩ đơn giản lắm. Tuy nhiên tôi thi đại học không đỗ vào trường Luật, nên đành học nguyện vọng hai là ngành Quản trị kinh doanh, một ngành mà ai cũng bảo ra trường sẽ được làm Sếp, thật ngây thơ, nhưng tôi đã học nó. Mặc dù vậy, ước mơ trở thành Luật sư vẫn âm ỉ, nhem nhóm trong tôi từng giờ, từng ngày, nhất là khi đã đi làm được tiếp cận với nhiều vấn đề trong xã hội đã làm bừng lên những âm ỉ đó trong tôi. Tôi đăng ký đi học Văn bằng 2 chuyên ngành Luật tại trường Đại học Luật Hà Nội. Khó khăn có, cản trở có đôi lúc tôi lại nhụt chí muốn từ bỏ, nhưng không tôi đã vượt qua và hiện giờ tôi tốt nghiệp lớp đào tạo nghề Luật sư tại Học Viện Tư Pháp.
Khởi điểm vì sao tôi học nghề Luật sư thì nó đơn giản là mơ ước của tuổi trẻ. Những hiện nay đó là mục tiêu phấn đấu của tôi, dù để được hành nghề Luật sư tôi phải mất 5, 6 năm nữa, chậm thì cũng 7,8 năm khi đó tôi cũng gót ghét 50 tuổi rồi, cái tuổi xế chiều của một đời người. Với công việc hiện tại, cuộc sống của tôi tạm ổn vì có thu nhập ổn định và chính đáng. Nhưng tôi không muốn dừng lại an phận như thế và tôi lại phấn đấu để trở thành một Luật sư, bởi:
Thứ nhất: nghề luật sư là một trong những nghề được xã hội coi trọng: Xã hội càng phát triển thì càng xuất hiện những lệch lạc, bất công. Và trong mỗi chúng ta, ai cũng mong muốn được hưởng một nền công lý công bằng như nhau. Tại trường Luật tôi được dạy rằng Pháp luật là bình đẳng với tất cả mọi người. Bởi vậy bản thân tôi quan niệm dù là người giàu hay người nghèo, là kẻ quyền cao chức trọng hay người yếu hèn, là nam hay nữ và dù là kẻ tốt hay người xấu, trong bất cứ trường hợp nào, họ xứng đáng được hưởng điều đáng được hưởng theo quy định của pháp luật. Ở nước ngoài, đặc biệt là ở những nước phát triển như Anh, Mỹ… một người chỉ được vào trường luật sau khi đã có một bằng đại học. Vì theo họ, nghề luật sư cần có những hiểu biết nhất định, việc học xong một ngành học giúp họ có sự hiểu biết, cùng cái nhìn chín chắn hơn về mọi thứ, hay ít nhất là cũng có thể vận dụng được kiến thức luật vào một lĩnh vực chuyên sâu mà họ đã được đào tạo. Đây là một trong những lý do mà nghề luật sư được xã hội trọng vọng. Và thiết nghĩ tôi đang đi đúng hướng đấy chứ!
Thứ hai: Bảo vệ được bản thân và gia đình: Lúc nhỏ khi xem hoạt hình, chơi đùa cũng bạn về tôi đã từng ước mơ được làm siêu nhân hay người có phép thuật để có thể bảo vệ bản thân và gia đình, bảo vệ được những người mà tôi yêu thương thoát khỏi bất công, khó khăn. Và khi học tại trường Luật tôi nhận ra rằng chỉ có tuân thủ pháp luật và hiểu biết pháp luật thì mới có đủ khả năng bảo vệ bản thân, có thể dùng vốn hiểu biết của mình về pháp luật để bảo vệ và bào chữa cho những người thân của mình. Biết tuân thủ theo những quy định của Pháp luật, biết đánh giá mối quan hệ đúng sai, phù hợp hay chưa phù hợp là một cái nhìn khách quan mà chỉ có những người học luật mới có thể đánh giá được.
Thứ ba: là được rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề: Những người học về Luật không những có thể nhạy bén trong mọi tình huống, đưa ra các chứng cứ, lập luận hợp lý mà còn có năng lực phản bác lại ý kiến của bên đang tranh cãi nếu thấy đó là điều bất hợp lý. Học luật để cãi cho lẽ phải, vì đôi khi trong cuộc sống, thực tế xảy ra hàng ngày, lẽ phải luôn bị nhấn chìm xuống mà thay vào đó là những tranh chấp, cãi vã, những khe hở cho sự luồn lách.
Có nhiều người nói rằng học luật, biết luật là để luồn lách. Đúng là khi đã biết luật một bộ phận người sẽ tìm cách biến hóa nó đi để trục lợi cho bản thân. Nhưng với tâm lý của nghề luật thì học luật là để thực thi pháp luật nên sau khi rời trường Luật tôi đã có cái nhìn khách quan và tích cực hơn rất nhiều khi có nền tảng pháp luật, có thể nhạy bén hơn trong mọi tình huống, đưa ra các chứng cứ, lập luận hợp lý nhằm phản bác lại các ý kiến của bên đang tranh cãi.
Thứ tư: là cơ hội để rèn luyện kỹ năng mền hiệu quả: Nghề Luật đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, và có thể đảm nhiệm được ở tất cả các lĩnh vực. Như thế mới có thể tư vấn cho khách hàng về các thủ tục để giải quyết công việc. Trong quá trình học tại trường Luật và Học Viện Tư Pháp tôi được trau dồi những kỹ năng cần thiết như: Tự tin truyển trình, kỹ năng nghe và đàm phán, khả năng thuyết phục khách hàng, tư vấn, tạo niềm tin đối với khách hàng… Có những kỹ năng mền, tôi có thể đứng trước tòa bảo vệ lợi tích hợp pháp cho thân chủ của mình, có thể tự tin tìm ra những lý lẽ thuyết phục giúp tôi đòi lại quyền lợi hợp pháp cho khách hàng một cách tối đa nhất.
Và cuối cùng, lý do tôi chọn nghề luật sư vì đó là nghề để cống hiến. Hành nghề luật sư, không còn chỉ là mục đích kiếm tiền nữa, mà rộng ra, đó là cơ hội để một người đóng góp sức lực của mình vào công cuộc bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ những con người yếu thế trong xã hội. Chỉ vài năm gần đây thôi, số lượng những vụ án oan sai ngày càng tăng, điển hình có thể kể đến vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Hai con người, hai số phận khác nhau nhưng đều chung nhau một điểm là bị bỏ mất tuổi thanh xuân bên trong song sắt trại giam. Vật chất có thể đền đáp nhưng giá trị tinh thần thì sao? Là một người con, một người chồng, một người cha… họ đã làm được gì cho gia đình? Người thân của họ ra sao khi họ không còn được tự do? Đau thương, mất mát, liệu hai từ này đã đủ để nói về họ và gia đình của họ? Còn một điểm chung nữa giữa hai con người này, đó chính là đều có sự giúp sức từ phía những người luật sư, người bổ trợ tư pháp. Bằng việc sử dụng chọn lọc những chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết, người luật sư xuất hiện, bảo vệ và đòi lại công bằng cho họ. Hiện nay có hai vụ án chưa có hổi kết là vụ án của Hồ Duy Hải ở Long An và vụ án của Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng, bản thân tôi rất mong mỏi các Luật sư và cơ quan tố tụng sẽ xét xử công tâm, đúng người đúng tội để vụ án sớm được khép lại.
Các yếu tố chủ quan xuất phát từ bản thân thể hiện mong muốn trở thành Luật sư là thế, nhưng nghề luật sư có chọn tôi hay không thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Người ta thường nói “đời không như là mơ”, nên thực tế cuộc sống và thực tế hành nghề luật sư nó khắc nghiệt hơn rất nhiều và không ít người đã từ bỏ hoặc rẽ sang hướng khác. Trên ghế nhà trường tôi thường được thầy cô chia sẻ những câu chuyện khi hành nghề, vui có, buồn có, trăn trở nhiều và hối tiếc cũng có. Tôi nghe các thầy cô truyền động lực cũng rất hứng khởi, chỉ muốn ngày mai mình có thể đi bào chữa luôn, nhưng rồi thực tế đưa tôi về thực tại, mình mới đi học thôi, muốn được như thầy cô là cả một quá trình gian khó, thấy thật ngưỡng mộ. Tự nhủ thôi thì nghe để biết như thế, sau này rồi cũng sẽ có cơ hội được trải nghiệm nó, được sống trong những hoàn cảnh đó, thế nên mới nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” là như thế, phải thực tiễn mới biết được, mới thấu được.
Tôi hiện đã học xong lớp đào tạo Luật sư tại Học viện Tư pháp và đang trên đường đi tầm sư học đạo, đi tìm một người Thầy dẫn dắt mình trên con đường hành nghề Luật sư. Và nghề Luật sư có chọn tôi hay không thì cần xem xét tới các yếu tố:
Thứ nhất là bản thân tôi có tố chất để trở thành Luật sư hay không, thích là một chuyện còn có làm được hay không lại là việc khác bởi người hành nghề luật sư cần hội tụ nhiều yếu tố, và quan trọng đó chính là sự nhạy bén, cảm thụ sự vật hiện tượng qua đó đánh giá khách quan để có cái nhìn tổng quan về vụ việc. Đằng sau những tự hào, vinh dự của một Luật sư là những nỗi vất vả và áp lực không nhỏ, đôi khi là những rủi ro và hiểm nguy, những trăn trở và suy tư về các vụ việc, số phận pháp lý, quyền lợi hợp pháp của người dân. Liệu tôi có đủ lòng yêu nghề, say nghề và sự kiên trì, dũng cảm, bản lĩnh để có thể vượt qua những khắc nhiệt, chông gai vốn có của nghề Luật sư???
Thứ hai là người Thầy dẫn dắt mình, người có đủ đức đủ tài, có tâm với nghề, có tầm nhìn bao quát sẽ là người Thầy có những học trò giỏi. Người ta đã nói “không thầy đó mày làm nên” là như thế, xưa có bao anh hùng hào kiệt nhờ có những người Thầy giỏi dạy dỗ họ trở thành những người có tên tuổi trong xã hội, tất nhiên không loại trừ tố chất là điểm cộng cho họ bứt phá thành công.
Tôi vẫn đang từng bước thực hiện ước mơ của mình, cố gắng phấn đấu cho con đường mà tôi đã chọn. Tôi không biết mình có tố chất hay không, nhưng “cần cù bù khả năng” thì vẫn sẽ có những ngoại lệ, những kỳ tích, và hơn hết Tôi có niềm tin người Thầy của tôi sẽ mài dũa tôi trở thành Luật sư chân chính như những gì mà Thầy đã và đang làm để bảo vệ công lý, lẽ phải và sự công bằng cho các tầng lớp trong xã hội ngày nay.
“Thầy” là Luật sư Trần Xuân Tiền, một người con của xứ Thanh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ những trí tuệ, bản lãnh. Một người Luật sư có tâm và có tầm, một người đi trước đã dẫn dắt nhiều thế hệ Luật sư trẻ từng bước thành công trên con đường vận dụng pháp luật để bảo vệ quyền là lợi ích hợp pháp cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội hiện nay với bề dày kinh nghiệm thực tế. Thầy gắn bó gần 30 trong Nhà nước, nhiều người sẽ “an phận” chờ về hưu vui thú điền viên với con cháu, nhưng Thầy đã không, Thầy tạo ngã rẽ mới, một quyết định táo bạo là rời bỏ Nhà nước như một đứa con rời xa vòng tay bao cấp của cha mẹ đi tới chân trời mới, thực hiện ước mơ hoài bão đã ấp ủ bao năm. Đó là bản lĩnh mà không phải ai cũng làm được, mà có làm thì chưa chắc đã thành công bởi con đường không trải hoa hồng và là trải đầy đinh nhọn. Những có lẽ đến thời điểm này Thầy vẫn chưa hề thấy hối tiếc về quyết định đó, bởi sau 13 năm gắn bó với nghề Luật sư, Thầy hiện tại đã là một người Luật sư có tầm ảnh hưởng lớn được nhiều người biết đến, là Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội có trụ sở tại Hà Nội và hai chi nhánh tại Ninh Bình và Hải Dương, hướng đến sẽ mở rộng chi nhánh ra các tỉnh miền Trung và miền Nam…
Biết đến Thầy qua các nguồn thông tin trên mạng xã hội, khâm phục ý chí của Thầy, ngưỡng mộ các bài viết, các bài chia sẻ của Thầy … và tôi đã tìm đến Thầy. Tôi xin Thầy nhận tôi vào tập sự tại Văn phòng Luật sư của Thầy để được học hỏi, được rèn luyện các kỹ năng hành nghề. Một người không quen không biết tự dưng nhắn tin xin đến học việc, nếu không phải là người có cái nhìn rộng rãi, một con người tâm huyết với nghề muốn truyền kiến thức cho lớp luật sư trẻ thì chắc sẽ không dễ dàng chấp nhận. Nhưng thật may mắn Thầy đã cho tôi cơ hội đến gặp và chia sẽ với tôi những điều cần và đủ để trước mắt là thành một Luật sư, chứ chưa nói đến là một luật sư thành công. Nhưng như thế cũng đã là một điều thật quý giá, và tôi rất mong muốn Thầy sẽ chính thức nhận tôi vào tập sự, truyền lửa nghề, truyền kỹ năng hành nghề cho một đứa với một mớ kiền thức hỗn độn không đâu vào đâu như tôi bây giờ.
Nói về người Thầy của mình thì chắc không có học trò nào có đủ vốn từ để bày tỏ hết được, nhưng trên những chặng đường đời phía trước, trên con đường hành nghề sắp tới sẽ không thể thiếu hình bóng người Thầy đã dẫn dắt mình từ thủa hàn vi. Trong thực tế cuộc sống “nghề chọn người” tôi thấy có, tôi không hi vọng nó ứng nghiệm vào tôi, nhưng đâu đó tôi tin “có công mài sắt có ngày nên kim” lại cộng thêm sự dậy dỗ của Thầy thì ít nhiều không thành tài thì cũng thành người có ích cho xã hội. Tôi không hứa hẹn trước điều gì bởi có thể “nói trước bước không qua”. Nhưng tôi đã, đang và sẽ từng bước đi thực hiện ước mơ của cuộc đời mình, dù muộn vẫn còn hơn không. Thực hiện ước mơ sẽ mở ra cho tôi một con đường mới, mục đích sống mới hơn là chỉ biết an phận với cuộc sống hiện tại. Và các bạn cũng đang có dự định thì hãy thực hiện luôn nhé, thời gian không chờ đợi một ai, và không ai biết ngày mai mình sẽ ra sao, nhưng tôi biết ngày hôm nay tôi đã đi tập sự Luật sư để trở thành người hành nghề Luật sư.
Trân trọng cảm ơn!
Người viết: Trần Thanh Diệp – Luật sư tập sự tại Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi