Tình huống: Vừa qua đã xảy ra một vụ việc trên địa bàn tỉnh H, chị B đang nằm trong nhà xem tivi thì anh H vào nhà yêu cầu chị B phải đưa tiền cho mình, vì chồng chị B đang nợ H số tiền 10.000.000 đồng nếu không anh H sẽ rút dao và đâm chị B. Do quá hoảng sợ nên chị B đã đưa cho anh H tiền và chiếc điện thoại trên người mình. Sau đó, chị B ra công an và tố giác anh H về hành vi cướp tài sản. Theo luật sư, trong trường hợp này hành vi của anh H được xác định là tội cướp tài sản hay cưỡng đoạt tài sản?
Đối với trường hợp này chúng tôi xin trả lời như sau:
Cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản là hai tội rất dễ gây nhầm lẫn với nhau vì chúng đều thuộc nhóm tội về xâm phạm sở hữu với lỗi cố ý trực tiếp nhằm chiếm đoạt tài sản. Thông qua tình huống trên, chúng tôi sẽ đưa ra những phân tích nhằm giúp người đọc có thể phân biệt được hai tội danh là cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản.
Thứ nhất, hành vi khách quan
Tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản đều có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhưng ở mức độ khác nhau.
Đối với tội cướp tài sản, hành vi đe dọa dùng vũ lực có yếu tố “ngay tức khắc” khiến người bị đe dọa ở trong thế không thể phản kháng, hoàn toàn có thể bị dùng vũ lực nếu không làm theo yêu cầu của người phạm tội.
Còn đối với hành vi của tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi sử dụng vũ lực ở đây chưa xảy ra, người phạm tội có hành vi đe dọa dùng vũ lực trong tương lai hoặc có những thủ đoạn khác uy hiếp về tinh thần nạn nhân nhằm mục đích lấy tài sản.
Thứ hai, tình trạng ý chí của nạn nhân
Đối với tội cướp tài sản, nạn nhân không có sự lựa chọn, không thể phản kháng và buộc phải thỏa mãn yêu cầu của người phạm tội nhằm tránh bị người phạm tội tấn công tức khắc.
Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, nạn nhân chưa bị tê liệt ý chí, người bị đe dọa cảm nhận được giữa hành vi đe dọa và việc dùng vũ lực có khoảng cách về thời gian, nạn nhân vẫn có khả năng kháng cự.
Trong tình huống trên, anh H đã có hành đe dọa “sẽ rút dao và đâm” chị B nếu chị B không đưa tiền. Có thể thấy, trên thực tế, hành vi rút dao và đâm chưa xảy ra, anh H chỉ đe dọa “sẽ” sử dụng vũ khí gây tổn hại đến chị B trong tương lai nếu chị B không thực hiện theo mong muốn của anh H. Hành vi đe dọa của anh H ảnh hưởng đến tinh thần của chị B, khiến chị B hoảng sợ và phải đưa tài sản cho anh H. Như vậy, hành vi của anh H đã đủ cấu thành của Tội cưỡng đoạt tài sản và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 tùy theo tính chất và mức độ của hành vi.
Do có sự khác nhau về tính chất giữa hai tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản nên dẫn đến hình phạt cho người phạm tội cũng khác nhau. Theo đó, đối với tội cướp tài sản, người phạm tội phải chịu ít nhất là 03 năm tù và chung thân là mức án cao nhất cho tội này. Còn đối với tội cưỡng đoạt tài sản, do hành vi khách quan là nhằm đe dọa về mặt tinh thần, nhẹ hơn so với tội cướp tài sản nên hình phạt đối với tội này là hình phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.
Như vậy, đối với trường cụ thể trên thì tùy vào mức độ, giá trị tài sản mà anh H chiếm đoạt thì anh H có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản với mức phạt tù.
Người viết: Nguyễn Hương Ly – Ngô Ngọc Hiếu
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi