Xã hội ngày càng thay đổi và phát triển, điều này khiến cho các bộ phận tạo nên xã hội cũng thay đổi và phát triển không ngừng. Và sự vận động, biến đổi của gia đình là điều tất yếu.
Bên cạnh những truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại những mặt trái của xã hội tạo nên một thực trạng đáng lo ngại: Đó là vấn đề ly hôn ngày càng trở nên phổ biến và trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm. Ly hôn được coi là tất yếu khách quan khi hôn nhân đã đi vào “ngõ cụt”. Nhưng xét theo một góc độ nào đó thì ly hôn giải thoát cho các cặp vợ chồng khỏi xung đột, mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm sống, bạo lực gia đình…
Sau đây, bài viết sẽ đề cập đến một số khía cạnh đến ly hôn và giải quyết vấn đề thông qua một vụ việc cụ thể (minh họa):
Năm 2005 A và B kết hôn, trước đó năm 2003 A (vợ) cùng em trai mua 1 mảnh đất (có giấy tờ). Tuy nhiên khi sang tên sổ đỏ em trai nhờ A, B đứng tên thửa đất (Có giấy nhờ đứng tên). Hiện nay, do cảm thấy không sống được với nhau nữa nên người vợ muốn ly hôn, nhưng B là người có chức vụ, sợ việc ly hôn ảnh hưởng đến danh tiếng nên B không đồng ý và cũng không đồng ý trả đất cho em trai. Vậy A có thể đơn phương ly hôn, dành quyền nuôi con và không chia tài sản là đất đã mua chung với em trai không? Được biết, A và B có 2 con (đều trên 7 tuổi) có mong muốn ở với mẹ. A là giáo viên, B trước đó có hành vi đánh đập nhưng hiện nay chỉ chửi bới, nhục mạ.
1. Khái niệm ly hôn và đơn phương ly hôn
Định nghĩa ly hôn được quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 như sau: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Đơn phương ly hôn – Ly hôn theo yêu cầu của một bên được quy định tại Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014. Có thể hiểu rằng đây là trường hợp chỉ một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn, còn bên người vợ, chồng kia không có mong muốn ly hôn. Đây là quy định hợp lý và cần thiết để đảm bảo quyền tự do của các bên trong quan hệ hôn nhân, trong đó là quyền tự do ly hôn của một bên vợ hoặc chồng.
Các trường hợp đơn phương ly hôn được quy định tại Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014 như sau:
– Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
– Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
– Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
2. A có thể đơn phương ly hôn hay không?
Trong trường hợp này, trước hết A cần nộp đơn ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Về hồ sơ thủ tục ly hôn bao gồm:
– Đơn khởi kiện ly hôn
– Bản gốc giấy đăng ký kết hôn
– Bản sao có chứng thực CCCD của vợ chồng
– Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con
– Các giấy tờ minh chứng tài sản (nếu có)
– Đặc biệt, có thể nộp các tài liệu, chứng cứ chứng minh có bạo lực gia đình
Về thẩm quyền của Tòa án, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, A có thể nộp đơn đơn phương ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi B đang cư trú, làm việc để được giải quyết yêu cầu.
Trong trường hợp Tòa án thụ lý để giải quyết thì bước đầu tiên phải làm là tiến hành hòa giải các bên theo quy định tại Điều 54 Luật HN&GĐ năm 2014: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Khi này, thủ tục hòa giải sẽ được tiến hành theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Theo đó, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trong buổi hòa giải sẽ lắng nghe ý kiến của các đương sự về tình trạng hôn nhân để từ đó đánh giá nguyên nhân dẫn tới tình trạng một bên vợ, chồng muốn ly hôn. Nhờ vậy sẽ đưa ra quan điểm, lập luận cũng như lời khuyên cho các bên đương sự để tháo gỡ vấn đề đang tồn tại. Cuối cùng, sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra:
– Hòa giải thành: nếu các bên đã thống nhất quan điểm là tiếp tục duy trì mối quan hệ hôn nhân và rút đơn yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định đình chỉ vụ án dân sự theo Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
– Hòa giải không thành: hai bên vẫn bất đồng quan điểm và không thể hàn gắn quan hệ thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải không thành và sẽ căn cứ Điều 220 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo.
Như vậy, nếu A vẫn giữ nguyên quan điểm không muốn duy trì quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Khi này, Tòa án sẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án cũng như kết quả tranh luận tại phiên tòa để đưa ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận đơn xin ly hôn của A.
Để Tòa án củng cố thêm thông tin và có căn cứ để Tòa án giải quyết, A có thể gửi kèm các giấy tờ chứng minh hành vi đánh đập cũng như chửi bới, nhục mạ. Đây có thể xem là hành vi bạo lực gia đình, lý do toàn toàn chính đáng và thuyết phục để Tòa án ra quyết định công nhận đơn phương ly hôn của chị A.
Đối với vụ án này, A nên chứng minh mình bị bạo lực gia đình thông qua việc giao nộp các chứng cứ cụ thể đến Tòa án để làm căn cứ cho việc giải quyết đơn phương ly hôn. Trong đó, A có thể sử dụng các nguồn chứng cứ như:
– Kết luận giám định thương tật sau khi bị bạo lực gia đình
– Hồ sơ bệnh án trong giai đoạn bị bạo lực gia đình
– Hình ảnh, video quay chụp trước, trong và sau khi bị bạo lực gia đình
– Nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm xung quanh cung cấp lời khai làm chứng thông qua việc ghi âm hoặc làm đơn xác nhận để mọi người ký…
3. A có thể không chia tài sản là đất đã mua chung với em trai không?
A có quyền đề nghị Tòa án không giải quyết phần đất mà A và em trai đã mua. Căn cứ khoản 1 Điều 62 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn: “Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó”. Trong trường hợp này xác định mà A mua cùng em trai vào năm 2003 là tài sản riêng của A, tức là A có trước khi kết hôn với B vào năm 2005, căn cứ theo khoản 1 Điều 43 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về tài sản riêng của vợ chồng.
Với tình tiết “khi sang tên sổ đỏ em trai nhờ A, B đứng tên thửa đất (Có giấy nhờ đứng tên)”, nếu A vẫn muốn giải quyết tài sản này thì Tòa án sẽ tạm thời giao tài sản cho A và B. Sau đó, nếu ai muốn khởi kiện để giải quyết tranh chấp này thì sẽ được Tòa án sẽ giải quyết trong một vụ án dân sự khác.
4. Về quyền nuôi con
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, A sẽ có khả năng cao giành được quyền nuôi con. Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào các điều kiện về vật chất cũng như điều kiện về tinh thần của A có thể đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con được hay không. Từ đó làm căn cứ để quyết định quyền nuôi con thuộc về A hay B, cụ thể:
– Về điều kiện vật chất:
Thứ nhất, A phải chứng minh được A có chỗ ở ổn định và sau này sẽ là nơi A và 02 con sống chung.
Thứ hai, A đang làm giáo viên, đây là một ngành nghề ổn định và có mức lương tương đối tốt, đủ để duy trì cuộc sống của A và con sau khi ly hôn.
Vì vậy, A nên cung cấp giấy tờ chứng minh như bản sao kê thu nhập, hợp đồng lao động, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
– Về điều kiện tinh thần:
Đối với tư cách một người giáo viên, A sẽ được đánh giá cao về phẩm chất đạo đức cũng như lối sống lành mạnh. Đặc biệt sau khi ly hôn, A vẫn có thể kèm cặp cho con mình nhiều hơn về mặt học tập cũng như kỹ năng sống cần thiết.
Thêm vào đó, khoản 2 Điều 43 cũng quy định rõ về trường hợp con trên 7 tuổi, Tòa án sẽ phải xem xét nguyện vọng của con như thế nào. Việc quy định như vậy là hoàn toàn hợp lý bởi người con đã đạt một độ tuổi nhất định để có thể nhận thức về việc bản thân muốn ở với ba hay mẹ sau khi họ ly hôn.
Ngoài ra, A cũng nên cung cấp các bằng chứng về việc bị chồng mình bạo hành để làm căn cứ chứng minh chồng không đủ điều kiện nuôi con cũng như không thể chăm sóc và nuôi dưỡng tốt hơn A có thể làm được.
Trên đây là một số chia sẻ về vấn đề ly hôn dựa trên quy định của pháp luật cũng như thực tiễn đời sống. Quý bạn đọc nếu còn thắc mắc xin liên hệ tới Văn phòng Luật sư Đồng đội để được giải đáp và tư vấn kịp thời.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết : Nguyễn Xuân Hiệp
SĐT: 0945737836
Gmail: nxhdls1720@gmail.com