Câu hỏi: Chị A là bị can trong vụ án hình sự, trong vụ án này, chị A luôn có hành vi khai báo gian dối, quanh co chối tội khiến thời gian tiến hành tố tụng vụ án bị kéo dài triền miên. Vậy hành vi này của chị A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối theo bộ luật hình sự hay không?
Luật sư tư vấn như sau:
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa về hành vi “khai báo gian dối” tuy nhiên, dựa theo những quy định pháp luật liên quan có thể hiểu khai báo gian dối, được hiểu là hành vi khai thông tin không đúng sự thật những tình tiết liên quan đến vụ án. Còn “cung cấp tài liệu sai sự thật” là hành vi đã giao tài liệu sai sự thật cho cơ quan tiến hành tố tụng mà mình biết rõ tài liệu đó là sai sự thật.
Theo đó, đối với Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối theo Điều 382 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì chỉ những chủ thể là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật thì mới cấu thành tội này.
Còn trong trường hợp theo thông tin tại câu hỏi mà bạn cung cấp, chị A là bị can trong vụ án hình sự, là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự, có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Theo đó, chị A có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 60 Bộ luật này. Do đó, chị A có quyền đưa ra những thông tin có lợi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hơn nữa, trách nhiệm xác định những lời khai của chị A có phải là khai báo gian dối hay không thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Bởi theo Điều 15 BLTTHS quy định “trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.
Do đó, việc chứng minh tội phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xác minh, còn bị can không bắt buộc phải nhận những hành vi vi phạm mà mình thực hiện hoặc đưa ra những lời khai bất lợi cho mình.
Chính vì vậy, thực hiện quyền của bị can theo quy định pháp luật, những người này có quyền đưa ra những thông tin không chống lại họ hoặc chỉ đưa ra những thông tin có lợi cho họ; đồng thời hành vi này cũng không cấu thành Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382 Bộ luật hình sự hiện hành).
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ án hình sự có tính chất phức tạp, đối tượng phạm tội đa dạng, nhiều đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che dấu hành vi phạm tội, đến khi bị bắt, khởi tố liên tục có hành vi khai báo quanh co chối tội với mục đích trốn tránh hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bản thân, hoặc vu khống người khác. Đối với những trường hợp này, việc quanh co chối tội không những khiến bị can khó có thể nhận được sự khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mà còn có thể gây khó khăn cho cơ quan tố tụng từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử vụ án.
Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan, công bằng của vụ án hình sự, những chủ thể tham gia vụ án có trách nhiệm cung cấp những thông tin đúng sự thật để hỗ trợ cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đưa ra những quyết định khách quan, xử đúng người đúng tội, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm và gây ra những án oan sai không đáng có.
Ngoài ra, đối với bị can, bị cáo trong trường hợp khai báo đúng sự thật, không quanh co chối tội còn có thể được hưởng khoan hồng với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Luật sư chia sẻ thêm, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa là những người hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động tố tụng, giúp cơ quan tố tụng tìm ra sự thật và những thông tin họ cung cấp có ảnh hưởng lớn đến vụ án và quyết định của Hội đồng xét xử. Do đó, trong trường hợp những chủ thể này cùng cấp sai sự thật hoặc khai báo gian dối thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 382 Bộ luật hình sự 2013, sửa đổi 2015.
Theo đó, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì có thể bị đối diện mới mức phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, mức phạt cao nhất là 07 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là bài tư vấn của Văn phòng luật sư Đồng Đội, nếu các bạn có vấn đề thắc mắc về các vấn đề liên quan có thể liên hệ với Văn phòng luật sư Đồng Đội (Địa chỉ: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội)
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongd
Người viết: Lê Thị Lan Anh – CVPL tại Văn phòng luật sư Đồng Đội