Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ công vụ của Chủ tịch UBND cấp xã, người dân có thể tố cáo hành vi này đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Vậy tố cáo được thực hiện như thế nào, ai có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ về vấn đề này.
- Quyền tố cáo của công dân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2018, người dân có quyền báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó hành vi vi phạm bao gồm: hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (là hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người được giao thực hiện nhiệm vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu phát hiện Chủ tịch UBND cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì có quyền tố cáo đến người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
- Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công cụ trong cơ quan hành chính nhà nước
Điều 12 Luật tố cáo năm 2018 đã quy định rất rõ về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo. Theo đó, hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
Cụ thể, trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo, căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 13 Luật tố cáo hiện hành.
Tuy nhiên trong thực tế cũng không thiếu những trường hợp khi còn đương nhiệm vị trí Chủ tịch UBND cấp xã có những hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng nay đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là Chủ tịch UBND cấp xã. Trong trường hợp, người bị tố cáo đã được luân chuyển sang cơ quan, tổ chức khác nhưng vẫn giữ chức vụ tương đương thì khi đó Chủ tịch UBND cấp huyện tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết và cấp trên trực tiếp đang quản lý của người bị tố cáo sẽ cùng phối hợp giải quyết.
Và cũng có cả những trường hợp, người bị tố cáo khi chuyển sang cơ quan, tổ chức khác được giữ chức vụ cao hơn thì khi đó cấp trên trực tiếp quản lý người bị tố cáo sẽ chủ trì giải quyết và Chủ tịch UBND cấp huyện tại điểm người bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật sẽ cùng phối hợp giải quyết
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND cấp xã còn là Đảng viên, do đó nếu phát hiện Chủ tịch UBND cấp xã có hành vi vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước làm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích tổ chức hoặc cá nhân thì người dân còn có thể nộp đơn tố cáo trong Đảng theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Theo đó, Điều 19 Quy định số 22-QĐ/TW quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo với Đảng viên như sau:
“1. Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp; tổ chức đảng có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách; chi bộ có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với đảng viên thuộc phạm vi quản lý.
- Trường hợp đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được thực hiện như đang đương chức.”
Căn cứ quy định trên, đối với hành vi vi phạm của Chủ tịch UBND cấp xã thì người tố cáo có thể gửi đơn đến cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra và cụ thể ở đây là Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban kiểm tra Thành ủy.
Như vậy, đơn tố cáo Chủ tịch UBND cấp xã có thể gửi đến Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc đến cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra có thẩm quyền.
Có thể thấy, mục đích của việc tố cáo là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trước những hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bởi vậy, bên cạnh nội dung tố cáo, người tố cáo cũng cần chú ý đến nơi gửi đơn, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, đảm bảo đơn được gửi đúng nơi, đúng người để được giải quyết theo đúng quy định pháp luật./.
Người viết: Minh Hạnh – VPLS Đồng Đội.
—
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi