Gần đây, trên mạng xã hội xôn xao việc một phó giáo sư Đ.C.H – giảng viên của một trường đại học tại TP. HCM – bị tố vi phạm liêm chính khoa học, thực hiện hành vi “bán” nhiều công trình khoa học đứng tên cho các trường đại học khác đang là vấn đề nhận được quan tâm, tranh luận của dư luận.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mục tiêu nâng cao hiểu biết, mở rộng kiến thức, tháo gỡ bất cập, tồn tại của xã hội, và phát huy khả năng sáng tạo của con người. Hoạt động này được thực hiện bởi các nhà khoa học (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ,…) những người có trình độ chuyên môn, có khả năng nghiên cứu độc lập trong các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung và trong môi trường giáo dục nói riêng.
Theo Luật sư, trong các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) hoạt động NCKH được xem là nhiệm vụ đang được đầu tư quan tâm song hành cùng với hoạt động giảng dạy thuần túy. Hoạt động KH&CN nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế – xã hội của đất nước điều này được nêu rõ tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 109/2022/NĐ-CP.
Căn cứ khoản 30 Điều 1 Luật số 34/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, quy định giảng viên phải là người:“Độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học mà mình đang làm việc.”. Theo đó, việc giảng viên của CSGDĐH này, ký kết hợp đồng NCKH với các CSGDĐH khác dựa trên quy định của CSGDĐH mà mình đang công tác, miễn là giảng viên tại CSGDĐH đó phải hoàn thành đủ số giờ NCKH tại nơi mình đang làm việc. Giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ NCKH theo quy định tại Điều 5 Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT, số giờ mà các giảng viên giành để làm nhiệm vụ NCKH tối thiểu tương đương 586 giờ hành chính, con số này được quy định cụ thể tại mỗi CSGDĐH. Mặt khác, các nhà khoa học trong CSGDĐH cần phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về sự liêm chính học thuật trong hoạt động KH&CN, điều này được quy định tại Điều 20 Nghị định 109/2022/NĐ-CP.
Luật sư cho biết thêm, dù đạt học hàm, học vị rất cao nhưng hiện nay nhiều nhà khoa học vẫn đang còn rơi vào cảnh chật vật về kinh tế, đặc biệt là cơ chế tri trả lương cho các nhà khoa học còn chưa tương xứng với công sức đóng góp của họ, khiến họ phải làm thêm các công việc khác để đảm bảo nguồn thu nhập. Điều này làm cho một số nhà khoa học không đầu tư quá nhiều thời gian, và tâm huyết tại nơi mình làm việc mà tìm các tổ chức có chế độ đãi ngộ tốt hơn để đảm bảo mức thu nhập, hoặc “kiếm thêm” bên ngoài khi hoàn thành nhiệm vụ tại nơi mình làm việc.
Trao đổi về vấn đề tiền lương, Luật sư chia sẻ theo quy định tại Điều 10 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT thì tùy thuộc vào các chức danh nghề nghiệp phân loại giảng viên mà có cơ chế mức lương các hạng như sau: Giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00; giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78; giảng viên, trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Từ 01/7/2023 mức lương cơ sở được áp dụng đối với giảng viên là 1.800.000 đồng/tháng (khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 và Nghị định 24/2023/NĐ-CP). Khi đó mức lương giảng viên nhận được dao động tối thiểu từ: 4.212.000 đồng/tháng lên đến 14.400.000 đồng/tháng, chưa tính các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên (nếu có).
“Sự việc trên, có thể thấy rằng ông H đã rất nỗ lực trong việc hoàn thành nhiệm vụ nơi mà mình công tác, mà còn hoạt động NCKH tại CSGD khác, đây là điều đáng ghi nhận về những đóng góp của ông về hoạt động khoa học công nghệ. Chúng ta cần sẻ chia và cảm thông với ông H trong trường hợp này, cũng bởi cực chẳng đã vì hoàn cảnh khó khăn, cơ chế đãi ngộ tại CSGDĐH còn nhiều hạn chế nên ông mới làm như vậy. Nhận thấy được lỗi sai của mình và ông đã có hành động làm đơn xin rút khỏi Hội đồng ngành toán quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) để tránh ảnh hưởng đến quỹ này. Tôi cho rằng, đây là nhà khoa học có tâm, chúng ta cần nhìn nhận tổng quát về vấn đề, sự việc diễn ra ở mức độ nào, đến đâu thì sẽ có các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh và xử lý nếu phát hiện sai phạm. Mong rằng, từ sự việc này chúng ta không đánh đồng và có cái nhìn thiện cảm đối với đội ngũ nhà khoa học”, Luật sư nêu quan điểm.
Luật sư nhận định, trên thực tế nhiều nhà khoa học Việt Nam đi làm cộng tác với nước ngoài hoặc đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, sản phẩm sau đó cũng đề tên trường nước ngoài chứ không đề tên đơn vị mà họ làm việc và điều này là hết sức bình thường. Tham khảo một số quốc gia ví dụ như ở các trường đại học Mỹ, ngày đầu tiên khi đến làm việc ở trường, các giáo sư phải ký bản thỏa thuận trong thời gian việc toàn thời gian ở đại học thì tất các kết quả nghiên cứu hay bài viết đều là tài sản trí tuệ của trường. Tuy nhiên, các trường đại học này chỉ trả lương 9 tháng/năm cho việc giảng dạy và tạo điều kiện cho các giáo sư đi tư vấn cho các công ty, cộng tác với doanh nghiệp hay các đơn vị nghiên cứu khoa học để kiếm thêm thu nhập nhưng tổng thời gian không được quá 03 tháng tính theo giờ làm việc.
Luật sư chỉ rõ, hiện nay, pháp luật chưa có chế tài về xử phạt về hành vi giảng viên của trường đại học này ký hợp đồng NCKH với CSGDĐH khác, hay hành vi không liêm chính trong hoạt động NCKH. Do đó, về sự việc của vị giảng viên trường ĐHCN TP. Hồ Chí Minh về hành vi được cho là “bán” sản phẩm NCKH của mình cho CSGDĐH khác chưa có chế tài để xử lý. Hợp đồng mà ông H ký với trường đại học về hoạt động NCKH là hợp đồng dân sự được thỏa thuận giữa các bên dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng, không ép buộc. Theo đó, các bên chỉ phải chịu nghĩa vụ về các tranh chấp, vi phạm phát sinh liên quan đến nội dung thỏa thuận của hợp đồng đã ký kết.
Đây là vấn đề bấp cập trong công tác quản lý Nhà nước về KH&CN, khiến cho chất lượng của các CSGDĐH không thật chất, gây ra bất bình đẳng trong đào tạo, tuyển sinh, hợp tác quốc tế và phá vỡ những quy chuẩn về đạo đức về hoạt động NKCH. Bên cạnh đó, mức đãi ngộ cho các nhà khoa học chưa tương xứng với sự đóng góp của họ trong hoạt động NCKH, nên khó giữ chân được những người giỏi, người tài. Qua đó, các cơ quan có thẩm quyền cần hoạch định, ban hành các chính sách phù hợp để quản lý chặt chẽ trong hoạt động KH&CN, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) nhằm thúc đẩy môi trường KH&CN trong sạch, phát triển bền vững và hạn chế được tình trạng “chảy máu chất xám”. Luật sư đánh giá./.
Xoay quanh vấn đề trên, Luật sư cũng đã chia sẻ về góc nhìn của mình về vụ việc phó giáo sư “bán” đề tài nghiên cứu khoa học đã được đăng trên Báo Công Thương, link bài viết dưới đây:
https://congthuong.vn/luat-su-noi-gi-ve-vu-pho-giao-su-ban-de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc-de-muu-sinh-283633.html
Người viết: Lê Thanh Bình (0354.492.343 – Email: lethanhbinhdhv@gmail.com)
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền (0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com)
—
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi