Hiện nay hoạt động, ghi hình có âm thanh được sử dụng rất nhiều trong các giai đoạn tố tụng hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và cuối cùng là đưa vụ án ra xét xử. Để tránh trường hợp bị can phản cung, chối tội, thay đổi lời khai trong quá trình điều tra vụ án. Trên thực tế, khi triển khai hoạt động này vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc.
Từ giai đoạn khởi tố ngay khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: “Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật này phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.”
Giai đoạn điều tra để tránh tình trạng bị can không thành khẩn, quanh co, chối tội, phản cung, thay đổi lời khai trong quá trình điều tra cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can. Vì đây là thời điểm người bị tạm giữ khai về hành vi phạm tội của bản thân cũng như các tình tiết có liên quan đến vụ án rất có ý nghĩa cho việc điều tra mở rộng vụ án mà người bị tạm giữ chưa kịp có thời gian để nghĩ ra các tình tiết để chối tội. Qua đó, cơ quan tiến hành hoạt động điều tra cũng có thể đánh giá chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của bị can, pháp nhân thương mại và đồng phạm khác. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội.
Giai đoạn truy tố, kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh được sử dụng để truy tố và làm cơ sở xác định tính khách quan trong hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đánh giá chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm. Kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra. Nhằm củng cố tài liệu, chứng cứ trước khi ban hành Cáo trạng truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn xét xử, việc sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung bị can là một điểm được quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017: “Trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hoặc khi bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình, Hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên tòa.” Hay trong việc sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh cho việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn xét xử…
Mặc dù hiện nay việc sử dụng ghi âm, ghi hình có âm thanh được thực hiện trong tất cả các giai đoạn tố tụng góp phần không nhỏ trong quá trình điều tra vụ án tránh tình trạng bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, việc sử dụng ghi âm, ghi hình có âm thanh vẫn còn tồn tại một số những vướng mắc, bất cập.
Thứ nhất, Quy định về chủ thể ra quyết định lựa chọn việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh
Hiện nay, BLTTHS 2015 chưa có quy định cụ thể trường hợp nào thì áp dụng biện pháp ghi âm, trường hợp nào thì áp dụng biện pháp ghi hình có âm thanh mà hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cán bộ hỏi cung. Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2018 quy định:“Cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội quyết định lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh“.
Cũng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018 cũng chưa đưa ra khái niệm giải thích từ ngữ ghi âm là gì? và ghi hình có âm thanh là gì? mà chỉ nếu một cách chung chung: “Ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại âm thanh hoặc hình ảnh có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”. Thực tiễn áp dụng hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh nhận thấy có những vụ án phức tạp, có nhiều bị can việc cán bộ hỏi cung quyết định ghi âm chứ không ghi hình có âm thanh dẫn đến nhiều trường hợp, Kiểm sát viên hoặc Điều tra viên muốn xem lại file ghi âm đó để đánh giá thái độ, hành vi của từng bị can trong quá trình khai báo để đề ra phương án điều tra tiếp theo trong vụ án gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ hai, hệ thống phòng hỏi cung chưa đáp ứng được yêu cần và chưa có tiêu chuẩn thống nhất. Hiện nay số lượng phòng hỏi cung tại Cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ đủ điều kiện lắp đặt thiết bị cố định ghi âm, ghi hình có âm thanh còn hạn chế, hầu như các phòng hỏi cung này đều chưa đáp ứng được yêu cầu. Kinh phí cho việc lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh còn chưa thực sự được đảm bảo.
Thứ ba, một bộ phận đội ngũ cán bộ Điều tra viên còn hạn chế về năng lực, trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi quá trình hỏi cung bị can. Những cán bộ sử dụng được thành thạo các thiết bị kỹ thuật, phương tiện ghi âm, ghi hình có âm thanh; quản lý thiết bị kỹ thuật; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh còn hạn chế.
Từ những hạn chế và bất cập trên, dưới đây là một số kiến nghị đề xuất:
Thứ nhất, để đảm bảo việc ghi âm, ghi hình có âm thanh đạt hiệu quả, thực sự phát huy được giá trị của nó trong thực tiễn không nên để việc lựa chọn áp dụng ghi âm, ghi hình có âm thanh hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan của cán bộ hỏi cung. Theo đó, cần hoàn thiện, tiến hành bổ sung các văn bản quy định, hướng dẫn thống nhất về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung, lấy lời khai.
Thứ hai, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng để hoàn thiện cơ sở vật chất về ghi âm, ghi hình có âm thanh. Tổ chức cải tạo, sửa chữa các phòng hỏi cung chưa đáp ứng được yêu cầu. Đảo bảo việc thực hiện hoạt động này tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ công tác Điều tra viên. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin của cán bộ Điều tra viên. Trong quá trình tập huấn cần phải thay đổi thói quen, nhận thức của Điều tra viên trong việc áp dụng hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can để sử dụng hoạt động ghi âm, ghi hình này một cách có hiệu quả và thực sự là một biện pháp chống bức cung, nhục hình.
Có thể thấy hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong các giai đoạn tố tụng hình sự là hoạt động mới. Nên việc áp dụng trong thực tiễn khó tránh khỏi có những khó khăn, bất cập. Vì vậy cần phải khắc phục những khó khăn, bất cập đó để hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh mang lại hiệu tốt nhất, thực sự là một biện pháp chống bức cung, nhục hình có hiệu quả./.
Người viết: Thúy Linh (0969116092 – Email: linh38147@gmail.com ), VPLS Đồng Đội.
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền (0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com)
—
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi