Việc được gặp gỡ, thăm hỏi bị can, bị cáo phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thông thường người dân thường ít có kinh nghiệm làm việc với các cơ quan nhà nước chính vì vậy, thường dễ bị hoang mang, lúng túng và không biết cần phải làm những thủ tục gì cũng như là cơ quan có thẩm đã làm đúng với quy định hay chưa. Do đó, để hiểu rõ hơn về các vấn đề trên, Văn phòng Luật sư Đồng Đội có những chia sẻ sau đây.
Thứ nhất, Quyền được gặp nhân thân của người bị tạm giam
Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bao gồm: bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án, người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
Theo đó, bị can, bị cáo có quyền được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự, căn cứ theo quy định tại điểm d, Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Trong đó, thân nhân của bị can, bị cáo được hiểu là:
- Người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại;
- Bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng;
- Vợ, chồng;
- Anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, tạm giam;
- Cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.
Như vậy, chỉ có những người thân của bị can, bị cáo thuộc các trường hợp nêu trên thì mới được phép thăm gặp.
Thứ hai, Thủ tục thăm gặp bị can, bị cáo
Thủ tục thăm gặp bị can, bị cáo được quy định cụ thể tại Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA. Theo đó:
Thân nhân khi đến gặp thì phải xuất trình, một trong các giấy tờ tùy thân, đó là: Căn cước công dân, hộ chiếu, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh; giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Bên cạnh đó, bị can, bị cáo được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc và mỗi lần gặp không quá một giờ.
Ngoài ra, bị can, bị cáo được thăm gặp không quá ba thân nhân trong mỗi lần gặp; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
Thứ ba, Chế độ nhận quà của bị can, bị cáo
Theo qui định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước sinh hoạt. Người bị tạm giữ, tạm giam có thể nhận các vật phẩm trên do nhân thân của họ gửi đến trại giam. Việc giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận quà được quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Điều 9 Thông tư 34/2017/TT-BCA, cụ thể:
- Bị can, bị cáo được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 01 tháng. Định lượng quà là đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận tiền của thân nhân gửi là tiền Việt Nam và phải gửi lưu ký tại cơ sở giam giữ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận và kiểm tra chặt chẽ quà do thân nhân gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
- Ngoài việc nhận quà khi gặp thân nhân, người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn được nhận quà của thân nhân gửi tại cơ sở giam giữ, trọng lượng quà mỗi lần gửi không quá 03 kg; được nhận tiền của thân nhân gửi qua đường bưu điện.
Có thể thấy rằng, việc người thân gửi quà cho bị can, bị cáo được quy định vô cùng chặt chẽ, tránh trường hợp gửi đồ tràn lan, không kiểm soát được. Đặc biệt có những trường hợp lợi dụng việc gửi quà cho bị can, bị cáo lén cài cắm những vật bị cấm vào trong quà gửi. Do đó, trên thực tế, bị can, bị cáo bị hạn chế nhận quà gửi là hiện vật mà thay vào đó cơ quan có thẩm quyền khuyến khích người thân đi thăm nom gửi tiền cho bị can, bị cáo.
Thứ tư, Việc giữ bí mật điều tra vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 177 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì người tham gia tố tụng không được tiết lộ bí mật điều tra trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra và điều này được ghi vào biên bản. Theo đó, bị can, bị cáo trong quá trình điều tra vụ án hình sự có trách nhiệm không tiết lộ bí mật điều tra. Vì nếu sẽ gây khó khăn cho việc điều tra vụ án, tạo điều kiện cho kẻ phạm tội lẩn trốn, đối phó lại công tác điều tra hoặc sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước cũng cần giữ bí mật.
Trong trường hợp nhận thấy có những thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật điều tra khác, thì Điều tra viên và Kiểm sát viên phải báo trước cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người bào chữa, người giám định, người phiên dịch và người chứng kiến về những bí mật điều tra đó và thông báo trách nhiệm không được tiết lộ bí mật điều tra.
Như vậy, tạm giam là biện pháp ngăn chặn vô cùng khắt khe và được áp dụng đối với các bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng tuy nhiên trong một số trường hợp thì biện pháp này được áp dụng đối với các bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng. Do đó, ngay khi có người thân là bị can, bị cáo, ngoài việc tự mình tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người thân, người dân nên liên hệ với những đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, người có kiến thức pháp luật liên quan, cũng như có kinh nghiệm làm việc với cơ quan tố tụng như: Luật sư, Bào chữa viên nhân dân, Chuyên viên pháp lý,… để được tư vấn hỗ trợ để họ có thể nắm rõ được quyền và lợi ích hợp pháp cùng mình. Đồng thời sẽ có tác dụng trong việc chứng minh sự thật khách quan của vụ án, hạn chế oan, sai, giúp cho thân chủ tránh tối đa lãng phí thời gian, công sức, đạt được hiệu quả khi giải quyết công việc. Từ đó, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ không đáng có cho bị can, bị cáo và những người thân của họ./.
Người viết: Hương Ly – VPLS Đồng Đội.
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền (0936.026.559, tranxuantien1964@gmail.com)
—-
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi