Đấu giá tài sản là hình thức bán giá tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục nhất định, trừ trường hợp đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá. Vậy pháp luật quy định như thế nào về tài sản được đem ra để bán đấu giá và quy trình, thủ tục bán đấu giá tài sản như thế nào? và cơ chế hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá.
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015, tài sản là vật tiền, giấy tờ, và quyền tài sản. Tài sản bao gồm động sản và bất động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Bất động sản gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; Tài sản khác theo quy định của pháp luật, còn động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
- Loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá?
Khi tiến hành bán tài sản, không phải tất cả tài sản đều được mang ra bán đấu giá, mà chỉ những loại tài sản nhất định thì khi bán mới phải qua trình tự, thủ tục đấu giá, khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá gồm:
(1) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
(2) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật.
(3) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
(4) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
(5) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
(6) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(7) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
(8) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
(9) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
(10) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
(11) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
(12) Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
(13) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
(14) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
(15) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
Mặt khác, tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016.
Như vậy, có 15 nhóm tài sản khi bán phải thông qua đấu giá. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có thể tự nguyện lựa chọn bán tài sản thuộc sở hữu thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Tùy thuộc vào sự thỏa thuận của tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá có thể lựa chọn một trong các hình thức đấu giá tài sản sau đây: Đấu giá tài sản trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; Đấu giá tài sản bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; Đấu giá tài sản bằng bỏ phiếu gián tiếp; Đấu giá tài sản trực tuyến (quy định Điều 41 đến Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016 và Điều 9 Nghị định 62/2017/NĐ-CP).
- Đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản để đảm bảo thi hành án:
Đấu giá tài sản thông thường hiện nay theo quy định của Luật đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với các tài sản có yếu tố đặc thù là quyền sử dụng đất, tài sản đểm đảm bảo thi hành án thì thực hiện theo trịnh tự, thủ tục nhất định. Bán đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất áp dụng theo quy định tại Điều 117, 118, 119 Luật đấu đai 2013 và Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/04/2015; Bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014); Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ).
- Tồn tại vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về đấu giá tài sản:
Thực tiễn, sau khi Luật đấu giá tài sản có hiệu lực trên thực tế tồn tại bất cập, hạn chế xuất phát từ:
Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan; Quy định về trình tự, thủ tục đấu giá thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn khi đấu giá một số loại tài sản đặc thù;
Vai trò và trách nhiệm, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Và xuất hiện tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi; việc giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”.
Mặt khác về vấn đề nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và phạm vi quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản; công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương còn hạn chế nên việc phát hiện, chấn chỉnh sai phạm có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, hiệu quả.
- Giải pháp, kiến nghị:
Để hạn chế tồn tại, vướng mắc trên cần quy định chặt chẽ và sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đấu giá tài sản như sau:
– Hoàn thiện quy định về trình tự thủ tục đấu giá tài sản, nhằm đảm bảo thống nhất khi tiến hành đấu giá cho các loại tài sản đấu giá.
– Tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá.
– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần thực hiện việc chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản theo lộ trình phù hợp.
– Quy định hoạt động đấu giá tài sản theo hướng người có tài sản bán đấu giá có quyền tự đấu giá hoặc lựa chọn hình thức thuê tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất. Bên cạnh đó, bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động đấu giá; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đấu giá, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Đồng thời, cần quy định tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm được phải bảo đảm được thông tin đến Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Trường hợp thiếu sót bất cứ thông tin, thì xem là căn cứ để hủy bỏ kết quả đấu giá. Quy định vấn đề này cực kỳ quan trọng để tăng cường quản lý Nhà nước về đấu giá, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bị đấu giá.
Ngoài ra, cần quy định về giờ làm việc tại tổ chức hành nghề đấu giá và tại cuộc đấu giá. Điều này giúp cho giờ làm việc cụ thể, góp phần hạn chế tiêu cực trong việc nộp hồ sơ, trong quá trình bắt đầu và kết thúc cuộc đấu giá.
Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm của đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá khi xảy ra sai phạm trong hoạt động đấu giá tài sản, và nếu gây ảnh hưởng cho người có tài sản đấu giá thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trường hợp cần thiết thì có thể xem xét xử lý hình sự./.
Người viết: Thanh Bình – VPLS Đồng Đội.
(0354492343, lethanhbinhdhv@gmail.com)
____
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi