Hoạt động khiếu nại, tố cáo (KNTC) là quyền cơ bản của công dân được hiến định và cụ thể hóa trong Luật khiếu nại 2011 và Luật tố cáo 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân thực hiện quyền dân chủ của mình, tham gia giám sát các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Từ thực tiễn cho thấy, hoạt động khiếu nại, tố cáo hiện nay là vấn đề phổ biến đối với người dân và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC. Vậy người dân có quyền khiếu nại, tố cáo như thế nào, và làm sao để KNTC hợp pháp, văn minh là nội dung của bài viết này.
Theo quy định của pháp luật, khiếu nại được hiểu là công dân, cơ quan, tổ chức đề nghị với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức: trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Còn tố cáo được hiểu là hành vi báo cho cơ quan, người có có thẩm quyền khi biết hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan tổ chức, cá nhân khác gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, hoạt động tố cáo có phạm vi bao hàm rộng hơn hoạt động khiếu nại, tùy thuộc vào sự ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích, hợp pháp của chủ thể, đối tượng để lựa chọn hoạt động khiếu nại, hay tố cáo cho phù hợp.
- Quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo:
Quyền KNTC của công dân được quy định tại Điều 30 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Việc KNTC được thực hiện trọng phạm vi, trình tự, thủ tục, nội dung theo Luật Khiếu nại 2011 và Nghị định 124/2020/NĐ-CP; Luật Tố cáo 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP. Theo đó công dân khi thực hiện quyền khiếu nại cần xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 12 Luật khiếu nại 2011; Điều 9 Luật tố cáo nếu thực hiện quyền và nghĩa vụ tố cáo.
Theo đó, đối với hoạt động khiếu nại, công dân được tự mình khiếu nại; nhờ luật sư tư vấn pháp luật, ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đưa ra các chứng cứ về việc khiếu nại, nhận các văn bản từ các cơ quan có thẩm quyền; khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện vụ án hành chính; rút đơn khiếu nại,…. Còn đối với hoạt động tố cáo, công dân được hưởng các quyền như được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật,….
Về nghĩa vụ, khi thực hiện khiếu nại phải đáp ứng nghĩa vụ sau: khiếu nại đúng thẩm quyền; trình bày trung thực, đưa ra đúng chứng cứ phù hợp; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của tài liệu, thông tin; chấp hành quyết định giải quyết định khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra là nghĩa vụ của người tố cáo theo quy định pháp luật.
Do đó, khi tiến hành hoạt động KNTC công dân cần nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật để tiến hành KNTC một cách hợp pháp, và có hiệu quả.
Trên thực tiễn, có trường hợp công dân vừa thực hiện song song hoạt động khiếu nại, và tố cáo, công dân gửi đơn đến cơ quan, người có thẩm quyền vừa để khiếu nại để đòi lợi ích, vừa tố cáo về hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội, của cơ quan và người có thẩm quyền, cụ thể: tại điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo 2018 quy định:
“Điều 29. Thụ lý tố cáo
- Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây:
…
d) Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.”
Theo đó, công dân có thể thực hiện đồng thời cùng lúc vừa hoạt động khiếu nại và tố cáo.
- Công tác thực tiễn của hoạt động khiếu nại, tố cáo:
Theo số liệu thống kê từ bài viết: “Giám sát việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước” của TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách UBKT của Quốc hội, trong năm 2023, hoạt động xử lý giải quyết đơn KNTC: 307/425 vụ việc, đạt 72,2%; 118 vụ việc còn lại đang tiếp tục xem xét xử lý, giải quyết. Kết quả giám sát cho thấy, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.531 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm (tăng 20,7%) thực hiện pháp luật về KNTC tại 2.408 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã ban hành 1.283 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính đối với 233 tổ chức, 520 cá nhân; đã xử lý 190 tổ chức, 460 cá nhân.
Từ số liệu trên, mô hình chung hoạt động KNTC là vấn đề được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Nhờ có hoạt động KNTC mà quyền và lợi ích chính đáng của công dân cũng như lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức được giữ vững và đảm bảo. Đồng thời, phát hiện kịp thời, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, giữ gìn trật tự, kỷ cương, củng cố niềm tin của công dân vào chính quyền, cơ quan QLHC nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tiễn hoạt động KNTC vẫn bộc lộ một số tồn tại hạn chế, xuất phát từ chính người thực hiện quyền KNTC và cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết KNTC.
Hoạt động KNTC được thực hiện thông qua hình thức đơn thư của công dân nhằm phản ánh sự không đồng ý với quyết định/ hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, và người có thẩm quyền, hoặc tố cáo những sai phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Lợi dụng việc này, một số cá nhân đã lạm dụng quyền KNTC, dẫn đến hiện tượng KNTC một cách tràn lan chẳng biết đúng sai, trái phải, phù hợp hay không, đơn thư gửi đi khắp nơi, sai thẩm quyền, hết thời hiệu, và thậm chí nội dung trong đơn KNTC sai sự thật, có nơi tình hình KNTC diễn biến hết sức phức tạp, trở thành thói quen xấu. Nếu vụ việc KNTC mà được xem xét, giải quyết kịp thời đúng chính sách pháp luật, có lý có tình ngay từ đầu, tại cơ sở thì người dân đồng tình chấp thuận, ngược lại thì vụ việc sẽ trở nên phức tạp, vượt cấp.
Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tiếp nhận, và giải quyết KNTC của cơ quan, người có thẩm quyền, gây phiền hà, bức xúc chính cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết KNTC, mà làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, của các cơ quan, cá nhân. Thậm chí KNTC sai sự thật, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, cá nhân thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, giải quyết KNTC của cơ quan, người có thẩm quyền vẫn còn nhiều bất cập xuất phát do năng lực của người có thẩm quyền giải quyết KNTC còn yếu kém, thiếu chuyên nghiệp; Sự sa sút đạo đức, phẩm chất của một bộ phận người có thẩm quyền thụ lý giải quyết KNTC; Chất lượng giải quyết KNTC tại cơ sở, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức, khi phát sinh KNTC chưa làm hết trách nhiệm của mình; Sự phối hợp giữa các CQNN trong giải quyết KNTC vẫn chưa có hiệu quả, còn có hiện tượng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm; Việc tuyên truyền vận động, thuyết phục, hướng dẫn người KNTC và công tác hòa giải cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng đơn thư chưa được giải quyết triệt để, chưa dứt điểm, kéo dài, sai sót trong quá trình áp dụng pháp luật, vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết, vẫn còn tình trạng cơ chế ngầm “Xin – Cho” tồn tại, hiện hữu khi giải quyết KNTC trong một cơ quan, lĩnh vực.
Mặt khác, sự vướng mắc, chồng chéo trong những quy định của chính sách, pháp luật dẫn đến người thực hiện giải quyết KNTC lúng túng trong việc áp dụng pháp luật làm chậm trễ và ảnh hưởng tới quá trình KNTC.
- Giải pháp, kiến nghị:
Hoạt động KNTC là công tác khó khăn, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, cá nhân nên việc giải quyết KNTC cần phải có những giải pháp phù hợp.
Thứ nhất, đẩy mạnh về số lượng, đảm bảo về chất lượng, chuyên nghiệp trong hoạt động tuyên truyền, giải quyết về KNTC, chỉ ra trường hợp nào cần thiết phải KNTC.
Thứ hai, cần có những quy định chặt chẽ, có cơ chế, chính sách phù hợp, tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết hoạt động KNTC.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đơn thư, trình độ, kiến thức của người thực hiện KNTC thông qua công tác tiếp dân, hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn trình tự, thủ tục KNTC, nhằm đảm bảo KNTC có hiệu quả, phù hợp và văn minh.
Thứ tư, bồi dưỡng nâng cao chất lượng và đảm bảo số lượng của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đơn thư KNTC, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp làm khó dễ, gây cản trở đến hoạt động KNTC và hoạt động KNTC không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác.
Kết quả của hoạt động KNTC đã góp phần ngăn chặn, phòng ngừa xảy ra những “điểm nóng”, giải quyết các vấn đề nổi cộm, đây được xem là một trong những quyền cơ bản của công dân, thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, là công cụ để công dân tham gia hoạt động giám sát, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tuy nhiên, KNTC cũng là một trong những vấn đề nhạy cảm, khó khăn và phức tạp. Do đó, để đảm bảo hoạt động KNTC đi vào thực chất, có chiều sâu cần có sự thay đổi tích cực của các cấp, ngành, trên tinh thần cầu thị nhìn thẳng vào sự thật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh./.
Người viết: Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
(0354492343 – lethanhbinhdhv@gmail.com)
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền (0936.026.559, email: tranxuantien1964@gmail.com)
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi