Cưỡng chế giao tài sản bán đầu giá thành cho người mua được tài sản
Tình huống: Theo Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự thì Công ty A có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng B số tiền 165.618.000 đồng và tiền lãi là 150.000.000 đồng. Qua xác minh được biết, Công ty A có tài sản nên Chi cục THADS đã ra thông báo về việc kê biên tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng gồm: Quyền sử dụng đất, nhà xưởng là tài sản trên đất và đưa ra bán đấu giá. Sau nhiều lần, tài sản đã được đấu giá thành công với giá 290.000.000 đồng, người mua là ông Nguyễn Văn A.
Sau đó, Công ty A đã nhận được thông báo về việc giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá là ông Nguyễn Văn A. Tuy nhiên, Công ty không đồng ý với kết quả đấu giá cũng như không giao tài sản đấu giá cho người mua trúng đấu giá vì Công ty cho rằng Chi Cục THADS đã kê khai sai những tài sản phải thi hành án, không thông báo cho Công ty về việc xử lý tài sản thu hồi nợ cho Ngân Hàng, hơn nữa Quyết định thỏa thuận của đương sự nêu trên đang được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó, Chi cục THADS đã ra Thông báo về việc cưỡng chế giao tài sản cho ông Nguyễn Văn A.
Luật sư cho biết:
1/ Công ty không tự nguyện giao tài sản đấu giá cho người người mua trúng đấu giá thì có bị cưỡng chế giao tài sản không? Pháp luật có quy định như thế nào về trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án?
2/ Việc Chi cục THADS ra Thông báo về việc cưỡng chế giao tài sản là đúng hay sai?
Luật sư trả lời:
Luật thi hành án dân sự 2014 không có định nghĩa về người trúng đấu giá hay người mua trúng tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự, tuy nhiên, theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định: “Người mua được tài sản đấu giá là người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản.”
Do đó, anh Nguyễn Văn A trong trường hợp của bạn là người mua được tài sản đấu giá và anh A có thể ký kết hợp đồng mua bán đấu giá hoặc được Chi cục THADS phê duyệt kết quả đấu giá tài sản.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 103 Luật thi hành án dân sự 2014 đã quy định rõ về việc đảm bảo quyền nhận tài sản của người mua được tài sản bán đấu giá như sau: “Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó.”
Hơn nữa, người mua được tài sản bán đấu giá còn được đảm bảo quyền nhận tài sản trong trường hợp đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác, căn cứ tại khoản 2 Điều 103 Luật thi hành án hiện hành.
Bên cạnh đó, tại khoản 2, 3 Điều 7 Luật đấu giá tài sản năm 2016 cũng quy định về việc đảm bảo quyền nhận của người mua được tài sản đấu giá ngay tình, khi đó, trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá hoặc trong trường hợp có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định đến tài sản đấu giá trước khi đưa ra đấu giá […] thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua tài sản đấu giá ngay tình, trừ trường hợp hủy kết quả đấu giá theo quy định Điều 72 Luật đấu giá hiện hành.
Từ phân tích trên có thể thấy, pháp luật đã có quy định cụ thể về việc bảo đảm quyền nhận tài sản của người mua được tài sản bán đấu giá. Do đó, trong trường hợp nêu trên, Công ty không thực hiện việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá là anh Nguyễn Văn A thì Chi cục thi hành án dân sự có thể thực hiện biện pháp cưỡng chế theo khoản 2 Điều 103 Luật thi hành án dân sự hiện hành.
Theo đó, Chi cục thi hành án dân sự cần thực hiện trình tự, thủ tục thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho ông Nguyễn Văn A theo đúng quy định pháp luật, cụ thể:
Bước 1: Chi cục thi hành án ra Quyết định cưỡng chế thi hành án.
Căn cứ tại Điều 45, Điều 46 Luật thi hành án 2014, hết thời hạn 10 ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người thi hành án không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Bước 2: Lập kế hoạch cưỡng chế
Trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án, chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế theo quy định tại Điều 72 Luật thi hành án dân sự hiện hành.
Bước 3: Gửi quyết định cưỡng chế thi hành án
Trước thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án, cứ tại Điều 38 Luật thi hành án dân sự.
Bước 4: Thông báo về việc cưỡng chế thi hành án
Bước 5: Thực hiện thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án
Bước 6: Tiến hành cưỡng chế thi hành án
Từ trình tự, thủ tục nêu trên có thể thấy, khi thực hiện biện pháp cưỡng chế yêu cầu Công ty giao tài sản bán đấu giá cho người mua thì bước đầu tiên Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra Quyết định cưỡng chế theo quy định tại Điều 46 Luật thi hành án dân sự. Và Công ty A phải nhận được Quyết định cưỡng chế theo đúng quy định tại Điều 38 Luật thi hành án dân sự (tại bước 3). Sau đó, Chi cục THADS mới thực hiện thông báo về việc cưỡng chế thi hành án thông qua 03 hình thức được quy định tại Điều 39 Luật thi hành án dân sự gồm:
+ Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
+ Niêm yết công khai;
+ Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Do đó, trong trường hợp thủ trưởng cơ quan THADS không ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với Công ty A về việc giao tài sản cho người mua được tài sản là ông Nguyễn Văn A thì Chi cục THADS đang thực hiện sai trình tự thủ tục về cưỡng chế thi hành án và có thể bị khiếu nại hoặc bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án (nếu có) theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp cơ quan thi hành án vẫn ra Thông báo về việc cưỡng chế trước nhằm thuyết phục người phải thi hành án thỏa thuận với người mua tài sản hoặc người được thi hành án để quá trình thi hành án không gay gắt cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự. Bên cạnh đó, thông báo về việc cưỡng chế qua thông tin đại chúng, niêm yết công khai,.. cũng là biện pháp thuyết phục, giáo dục, vận động người thi hành án tự nguyện giao tài sản. Hơn nữa, tinh thần xuyên suốt quá trình thi hành án chính là đề cao tinh thần tự nguyện thi hành án và biện pháp cưỡng chế là biện pháp cuối cùng khi người phải thi hành án vẫn kiên quyết không giao tài sản./.
Người viết: Lan Anh – VPLS Đồng Đội
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền (0936.026.559, email: tranxuantien1964@gmail.com)
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi