Quy định về một số tội phạm trong Bộ luật hình sự (BLHS) căn cứ vào hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm (tiền sự) để xác định yếu tố cấu thành tội phạm. Một số tội phạm khi khởi tố căn cứ vào yếu tố tiền sự được quy định tại các chương về xâm phạm về sở hữu, xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế: Tội đánh bạc, tội gây rối trật tự công cộng, tội cố ý gây thương tích, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…
Hiện nay, pháp luật chưa quy định khái niệm tiền sự, trước đây tại Nghị quyết 01-HĐTP ngày 18/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (đã hết hiệu lực) đã quy định về vấn đề này. Dựa vào đó, có thể hiểu tiền sự được xem là đặc điểm nhân thân chỉ người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu hình sự và đã bị kỷ luật, bị xử phạt vi phạm hành chính mà chưa được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt hành chính.
Theo đó, để xác định một người còn tiền sự hay không, thì dựa vào các quy định tại Điều 2.2, 2.5; Điều 6; Điều 7.1; Điều 63.3; Điều 65.2; Điều 66.1 Luật xử lý VPHC.
Để xác định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 74 Luật xử phạt VPHC 2012 và Điều 1.36 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử phạt VPHC 2020:
“1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
- Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”.
Quy định sau 01 năm kể từ ngày ra quyết định xử phạt VPHC mà không thi hành, trừ trường hợp cố tình trốn tránh, trì hoãn và đây chính là mấu chốt để xác định đối tượng còn tiền sự hay không. Lỗi của người vi phạm để xem xét về có yếu tố tiền sự được hiểu là sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người vi phạm vẫn không chấp hành đúng theo nội dung của đã được nêu trong quyết định. Bởi đây là lỗi của chính người vi phạm, nếu tiếp tục vi phạm đối với hành vi đã bị xử lý hành chính trước đó nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính thì là một trong những căn cứ để xem xét xử lý hình sự. Dưới đây là một số tội phạm tiêu biểu:
- Tội Đánh bạc
Tại khoản 1 Điều 321 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội đánh bạc:
[…“Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”…].
Theo đó, khi cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc mà vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc, mà không xem xét đến việc đánh bạc được thua dưới hình thức nào, và số tiền đánh bạc dưới 5 triệu đồng.
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
[… “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm…”]
Trong trường hợp cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà số tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng.
- Tội gây rối trật tự công cộng
Tại khoản 1 Điều 318 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội gây rối trật tự công cộng:
[… “1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”….]
Cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng mà vẫn còn vi phạm thì có thể xem xét khởi tố hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 5 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất là 02 năm.
Để xác định tiền sự của được chính xác, đảm bảo theo đúng quy định, các cơ quan, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào quyết định xử phạt VPHC được ban hành vào thời điểm nào, ngày thực hiện hành vi phạm tội, chứ không phải căn cứ vào ngày vi phạm hành chính, ngày khởi tố vụ án, bị can để xác định tiền sự. Ngoài ra, còn xem xét việc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích (tiền án) mà còn vi phạm thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đây được xem là hành vi tái phạm; là tình tiết tăng nặng; xác định yếu tố định tội và có thể bị hạn chế một số quyền lợi: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, cấm cư trú,…
Ví dụ về xác định tiền sự yếu tố tiền sự đối với tội cố ý gây thương tích: https://tapchitoaan.vn/bi-cao-co-may-tien-su)
Mặc dù đã bị xử phạt VPHC hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích nhưng vẫn vi phạm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do người vi phạm vẫn chưa nhận thức được hành vi sai phạm của mình, dẫn đến tái phạm.
Do vậy, khi đã bị xử phạt VPHC mà chưa được xóa việc xử phạt VPHC hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì cần nâng cao nhận thức về hành vi sai phạm của mình. Đồng thời cũng hết sức thận trọng, và không thực hiện các hành vi vi phạm đã có quyết định xử phạt VPHC hoặc bản án của tòa án để tránh trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xem xét về yếu tố tiền án, tiền sự./.
___
Một số bài viết tham khảo về xác định yếu tố tiền sự trong vụ án hình sự:
1/ https://tapchitoaan.vn/bi-cao-co-may-tien-su;
2/ https://tapchitoaan.vn/xac-dinh-the-nao-la-da-bi-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh;
4/ https://vksndtc.gov.vn/hoidap/Pages/hoi-dap.aspx?ItemID=118;
5/ https://tapchitoaan.vn/xac-dinh-tien-su-the-nao-cho-dung.
Người viết: Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
(0354492343 – lethanhbinhdhv@gmail.com)
____
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi