Hai vụ việc gần đây liên quan đến Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và YouTuber Quang Linh Vlogs đã gây chấn động dư luận, không chỉ bởi độ nổi tiếng của hai nhân vật mà còn bởi mức độ nghiêm trọng của hành vi: quảng cáo sai sự thật, tiếp tay tiêu thụ sản phẩm không phép, trục lợi bất chính, có dấu hiệu trốn thuế…
Từ hình ảnh truyền cảm hứng, họ đã trượt dài vào vòng lao lý, bị khởi tố, bắt tạm giam. Câu chuyện này gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho giới nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng (KOLs), doanh nhân và cả những người làm truyền thông.
Bài học rút ra ở đây là gì?
- Danh tiếng không phải “lá chắn” trước pháp luật
Sự nổi tiếng là con dao hai lưỡi. Khi tận dụng nó để quảng bá sản phẩm chưa được kiểm định, sai nội dung, thiếu trung thực, thì dù có hàng triệu người theo dõi cũng không thể tránh được hậu quả. Danh tiếng càng lớn thì hậu quả khi vấp ngã càng nặng nề.
Thùy Tiên không chỉ quảng cáo sản phẩm Kera sai sự thật, mà còn được xác định có cổ phần và lợi ích trực tiếp trong công ty phân phối sản phẩm. Đáng nói, cô còn đề nghị “hợp thức hóa” hợp đồng quảng cáo để che giấu vai trò đồng sở hữu, cho thấy ý thức né tránh trách nhiệm.
Quang Linh thì quảng bá các loại thuốc dược liệu không phép do chính mình sản xuất, phát hành các video chứa nội dung sai lệch về tác dụng y học, và bị điều tra thêm về hành vi trốn thuế.
- “Khôn ba năm, dại một giờ” – Một phút bất cẩn, đánh đổi cả sự nghiệp
Cả hai nhân vật đều từng được yêu mến, cống hiến và có đóng góp cho cộng đồng. Nhưng chỉ một sai lầm mang tính pháp lý, hình ảnh đẹp gây dựng nhiều năm sụp đổ chỉ trong khoảnh khắc.
Đáng tiếc, đây không phải trường hợp cá biệt. Rất nhiều người nổi tiếng khác từng phải lao đao vì thiếu hiểu biết pháp luật, chủ quan, hoặc ham lợi ngắn hạn. Điều này cũng cho thấy: không ai đứng ngoài pháp luật. Sai thì phải chịu, dù là ai.
- Người nổi tiếng cần thiết phải có đội ngũ luật sư riêng
Người nổi tiếng, KOLs, doanh nhân… nên hiểu rõ rằng: mỗi phát ngôn, mỗi nội dung đăng tải, mỗi hợp đồng quảng cáo hay cổ phần nắm giữ đều có thể bị quy trách nhiệm pháp lý.
Luật sư không chỉ là người xử lý hậu quả, mà phải là người đồng hành ngay từ đầu để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chỉ cần một hợp đồng sai lệch, một video quảng cáo thiếu kiểm chứng hay một chữ ký đặt sai chỗ cũng có thể khiến một người dù nổi tiếng đến đâu vướng vào lao lý.
- Kiếm tiền sạch – bảo vệ danh dự
Người nổi tiếng không thể lấy thiện chí để bao biện cho sai phạm, cũng không thể nghĩ rằng “không ảnh hưởng ai thì vô can”.
Công chúng giờ đây không chỉ quan tâm bạn làm gì, mà còn quan tâm bạn làm như thế nào, có minh bạch, hợp pháp và đạo đức hay không. Những đồng tiền kiếm từ sai phạm, lách luật, trục lợi từ sự cả tin của người dân sẽ không bao giờ là “tiền sạch” – và hậu quả luôn đến, sớm hay muộn. Minh bạch, trung thực, đúng pháp luật là con đường duy nhất để tồn tại lâu dài.
Lời kết
Thành công bằng nỗ lực thì đáng quý, nhưng duy trì danh dự mới là bản lĩnh thật sự. Đừng để hào quang của danh tiếng che mờ ranh giới pháp luật. Người nổi tiếng không chỉ cần “tỏa sáng”, mà còn phải sáng suốt. Bởi, càng là người có sức ảnh hưởng thì trách nhiệm với xã hội cũng theo đó không ngừng tăng lên.
Hà Vy – Thực tập sinh Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi