Bản án, quyết định của Tòa án là kết quả của quá trình áp dụng pháp luật được thực hiện bởi các chủ thể có thẩm quyền. Điều này có nghĩa là chất lượng của bản án, quyết định nói chung, tính chính xác của bản án, quyết định nói riêng chỉ được đảm bảo khi được áp dụng đầy đủ và chính xác pháp luật hình thức và pháp luật nội dung. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện công tác xét xử, nhiều Tòa án đã có những vi phạm trong việc áp dụng pháp luật hình thức và cả pháp luật nội dung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, dẫn tới bản án, quyết định đã tuyên bị hủy.
- Các vi phạm điển hình về tố tụng trong bản án, quyết định của tòa án nhân dân còn tồn tại cần được rút kinh nghiệm có thể kể tới như sau:
Thứ nhất, xác định không đầy đủ, chính xác người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.
Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định về người tham gia tố tụng, trong đó quy định rõ về nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… và các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Việc xác định đúng, đủ tư cách tham gia tố tụng của người người tham gia tố tụng có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án, bởi mỗi người tham gia tố tụng có một tư cách tố tụng riêng biệt và tương ứng với đó là các quyền và nghĩa vụ mà Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định cho họ. Trường hợp xác định sai tư cách tham gia tố tụng hoặc đưa thiếu người tham gia tố tụng trong vụ án sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của họ, làm họ không có điều kiện để thực hiện các quyền nghĩa vụ tụng của mình, dẫn đến việc làm sai lệch bản chất vụ việc. Đây được coi là một vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng, khi Tòa án cấp phúc thẩm hoặc Giám đốc thẩm xem xét có thể hủy án đối với vi phạm trên.
Trong nhiều trường hợp, khi Tòa án xác định không đầy đủ người tham gia tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường là đối tượng Tòa án xác định thiếu và không đưa họ vào tham gia tố tụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Ví dụ như tại Bản án dân sự phúc thẩm số 12/2023/DS-PT ngày 02/3/2023 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2022/DSST ngày 12/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa về “Tranh chấp di sản thừa kế” và giao Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa xét xử sơ thẩm lại. Tại cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã nhận định “Theo biên bản thẩm định ngày 23/3/2020 của TAND tỉnh Quảng Bình và biên bản thẩm định ngày 16/12/2021 của TAND huyện Tuyên Hóa thể hiện: Trên mảnh đất thứ 3 hiện đang có công trình xây dựng của bà Phạm Thị H. Theo lời trình bày của bà Phạm Thị H thì ông S cho bà H thuê đất từ năm 2019 và bà H đã xây dựng trên đó một ngôi nhà ống, mái xuôi diện tích khoảng 7x20m để kinh doanh và hiện nay bà H vẫn sử dụng để kinh doanh. Lời khai này của bà H cũng được ông S xác định là đúng sự thực. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà Phạm Thị H vào tham gia tố tụng với tư cách “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ án, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.
Trong vụ án trên, Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết thửa đất đang tranh chấp đã không đưa bà Phạm Thị H tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong khi bà H là người đang thuê thửa đất trên và đã xây dựng nhà kiên cố trên đất để kinh doanh. Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định vi phạm trên của Tòa án cấp sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã dựa trên những vi phạm trên để xem xét và tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm.
Thứ hai, vi phạm trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp
Bộ luật Dân sự vẫn được coi là luật gốc của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, tùy từng loại vụ việc tranh chấp thì sẽ có luật chuyên ngành điều chỉnh. Do đó, xác định đúng tên quan hệ tranh chấp không chỉ giúp áp dụng đúng quy định pháp luật, mà còn giúp giải quyết triệt để, toàn diện vụ việc.
Xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp là một yêu cầu quan trọng để áp dụng pháp luật nội dung (quyền và nghĩa vụ của các bên) chính xác và đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật khi giải quyết yêu cầu của đương sự. Lựa chọn và xác định sai quan hệ tranh chấp dẫn đến hệ quả là áp dụng pháp luật không đúng. Vụ việc có thể phải xét xử lại từ đầu, gây mất thời gian, công sức và chi phí cho các đương sự.
Đơn cử như vụ việc sau: Trong vụ án về “Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh” giữa Nguyên đơn là Công ty C.P. Việt Nam và Bị đơn là Ngân hàng TMCP Xăng dầu P, Bản án dân sự phúc thẩm số 128/2023/DS-PT ngày 06/06/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2023/DS-ST ngày 28/02/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Với lý do, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng, nên dẫn đến việc xét xử ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Cụ thể:
Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp về hợp đồng dân sự theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự là không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp vì: khoản 12 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: Nhận tiền gửi; Cấp tín dụng; Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”; Khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”. Do đó, Thư bảo lãnh thanh toán là hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, nên tranh chấp của các đương sự là tranh chấp kinh doanh thương mại (giữa hai tổ chức đều có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận) quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự, nên kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang về việc Tòa án xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp là có cơ sở.
Về lãi suất, nguyên đơn không đồng ý việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Bộ luật Dân sự để tính lãi chậm thanh toán vì đây là vụ án kinh doanh thương mại, phải áp dụng Luật thương mại để tính lãi suất. Nhận thấy theo Điều 306 Luật thương mại quy định “… yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó, kháng cáo của nguyên đơn về lãi suất chậm thanh toán là có cơ sở để xem xét.
Thứ ba, vi phạm trong việc nhận định, đánh giá chứng cứ không đầy đủ, không khách quan.
Điều 108 BLTTDS năm 2015 quy định “1. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; 2. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”. Đây là các yêu cầu đặt ra đối với hoạt động đánh giá chứng cứ, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật về đánh giá chứng cứ trong các vụ việc dân sự còn đặt ra nhiều vấn đề và có nhiều vi phạm, như: Vi phạm trong việc thu thập chứng cứ là bản photo không có công chứng, chứng thực; Thu thập không đầy đủ, không đúng trình tự do pháp luật quy định; Tòa đánh giá chứng chủ yếu dựa vào lời khai của một bên đương sự, đánh giá chứng cứ không khách quan, không xem xét toàn diện chứng cứ trong vụ án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Như tại Bản án dân sự sơ thẩm số 462/2020/DS-ST ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân quận T nay là thành phố T, Thành phố H xét xử vụ án “tranh chấp thừa kế”. Tại đó Nguyên đơn đã yêu cầu khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào 02 bản di chúc mà Bị đơn cung cấp để bác toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn. Sau đó các đương sự đã có kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và Viện kiểm sát nhân dân thành phố H đã ra Quyết định kháng nghị số 1294/QĐKNPT-VKS-DS đối với bản án sơ thẩm trên.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 601/2021/DS-PT ngày 17/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố H, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 462/2020/DS-ST ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân quận T nay là thành phố T, Thành phố H do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã nhận định:
“[1] Khi đánh giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm chỉ chủ yếu căn cứ vào 02 Bản di chúc để đánh giá mà không thu thập các chứng cứ khác dẫn đến việc đánh giá thu thập chứng cứ không khách quan toàn diện tất cả các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật không thừa nhận bản di chúc do bị đơn cung cấp là di chúc hợp pháp.
[2] Tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ xác định có hay không việc ông N cho ông H đất năm 2005 và nếu có thì diện tích cụ thể là bao nhiêu? để làm căn cứ xác định di sản thừa kế thực tế còn lại của ông N là bao nhiêu sau khi trừ đi các phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng riêng của ông H, bà H, các phần công sức đóng góp, quản lý, xây dựng nhà và các công trình khác trên đất và công sức chăm sóc, phụng dưỡng ông N.
[3] Bà H không có yêu cầu xem xét về công sức đóng góp trong việc việc quản lý tôn tạo di sản thừa kế nhưng Tòa vẫn phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức nhưng Tòa cấp sơ thẩm lại chưa thu thập chứng cứ về phần này thể hiện trong Biên bản định giá ngày 29/5/2020 (Bút lục số 340, 341) chỉ thể hiện định giá giá trị quyền sử dụng đất mà không định giá giá trị xây dựng và tài sản trên đất là vi phạm trong việc thu thập chứng cứ, dẫn đến việc nếu trong trường hợp chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật mà không xem xét công sức cho ông H, bà H là chưa giải quyết triệt để yêu cầu của đương sự (theo Án lệ số 05/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 06/4/2016).
[4] Khi đánh giá tính hợp pháp của các bản di chúc Tòa cấp sơ chỉ căn cứ vào Kết luận giám định dấu vân tay (BL 412) và căn cứ vào bản di chúc có 02 người làm chứng và đưa ra nhận định cho rằng “việc ông N không biết chữ chỉ là suy đoán mà không có căn cứ;”. Trong khi tất cả những người thừa kế hợp pháp là con ruột của ông N trong đó có ông H là bị đơn đều thừa nhận ông N là người không biết chữ Quốc ngữ. Việc Tòa sơ thẩm nhận định như trên nhưng lại không đưa ra được chứng cứ gì chứng minh ông N là người biết chữ. Trong trường hợp này lẽ ra Tòa cấp sơ thẩm phải căn cứ điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định ông N là người không biết chữ. Tòa cấp sơ thẩm không triệu tập người viết hộ bản di chúc của ông N vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng để làm rõ thời điểm ông N lập di chúc và kết thúc việc lập di chúc cũng như ông H và ông D có thực sự là người chứng kiến việc ông N lập bản di chúc ngày 28/7/2008 hay không.”
Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm thẩm số 462/2020/DS-ST ngày 10/12/2020 để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Thứ tư, giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự hoặc giải quyết không đầy đủ yêu cầu của đương sự; không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quyền lợi của đương sự.
Theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Có một số vụ án Tòa án thực hiện không đúng quy định này, không thụ lý hết yêu cầu của đương sự; giải quyết không hết, không đúng hoặc giải quyết ngoài phạm vi khởi kiện của đương sự, vượt quá thẩm quyền của Tòa án; không đình chỉ giải quyết yêu cầu đương sự đã rút dẫn đến việc Tòa phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm hoặc hủy một phần bản án, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa sơ thẩm giải quyết lại vụ án hoặc phải sửa bản án sơ thẩm.
Ví dụ như trong vụ án về “Tranh chấp QSDĐ, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”, Bản án dân sự phúc thẩm số 87/2023/DS-PT ngày 14 /6/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 187/2022/DS-ST ngày 21/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh Hậu Giang do có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, ông M không đồng ý với các yêu cầu của nguyên đơn và ông M yêu cầu công nhận phần đất tranh chấp cho ông. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ông M thừa nhận ông không có làm đơn yêu cầu phản tố, chưa nộp tiền tạm ứng án phí. Điều này cho thấy ông M chưa thực hiện quyền tố tụng theo quy định, nhưng cấp sơ thẩm đã công nhận tại vị trí số (1), số (4) và số (5) cho ông M là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu của nguyên đơn; không thuộc phạm vi phản tố của bị đơn, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng tại Điều 5 và khoản 1 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Thứ năm, vi phạm về thẩm quyền giải quyết.
Tại Chương III Phần thứ nhất Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã quy định về những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, thẩm quyền của Tòa án các cấp.
Tuy nhiên, một số Tòa án cấp huyện đã thực hiện không đúng các quy định nêu trên. Có vụ việc đương sự khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nhưng Tòa án lại đình chỉ giải quyết vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hoặc ngược lại việc đương sự khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng Tòa án lại thụ lý giải quyết. Có vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh nhưng Tòa án cấp huyện lại thụ lý giải quyết dẫn đến bản án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy để giải quyết lại hoặc hủy và đình chỉ giải quyết.
Ví dụ như tại Quyết định Giám đốc thẩm số 144/2023/DS-GĐT ngày 07/8/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại phiên giám đốc thẩm, Ủy ban thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hồ Chí Minh đã quyết định hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm số 185/2022/DS-PT ngày 24/5/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh T và Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2022/DS-ST ngày 20/01/2022 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh T về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Phùng Văn N, ông Phùng Văn N1, ông Phùng Văn N2, ông Phùng Văn N3, ông Phùng Văn N4 với bị đơn là bà Võ Thị S, ông Võ Văn V, ông Võ Văn Đ.
Theo Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm, hai bản án trên bị hủy vì lý do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về thẩm quyền giải quyết vụ án cũng như trong việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; nhiều chứng cứ chưa được chứng minh làm rõ.
Cụ thể, về vấn đề thẩm quyền giải quyết, Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm nhận định:
“Tại khoản 4, Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”. Tại khoản 4, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.”
Trong vụ án, các nguyên đơn tranh chấp với bị đơn quyền sử dụng đất và có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cụ Võ Văn S1 và bà Võ Thị S đứng tên. Căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính như đã viện dẫn trên thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tòa án nhân dân thành phố H giải quyết là không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền giải quyết vụ án.”
Ngoài những vi phạm tố tụng kể trên, trong công tác xét xử của Tòa án còn có một số dạng vi phạm như:
– Vi phạm trong việc xét xử vắng mặt đương sự.
Đương sự không được tống đạt hợp lệ các văn bản, quyết định tố tụng. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho bị đơn qua dịch vụ bưu chính nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía đương sự, tuy nhiên, Tòa án không tiến hành xác minh và cũng không thực hiện việc niêm yết công khai nhưng vẫn xử vắng mặt bị đơn là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.
– Vi phạm trong việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, thường phổ biến các dạng sau:
+ Vi phạm trong việc Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, gây thiệt hại cho đương sự. Về nguyên tắc, Tòa án chỉ giải quyết khi có yêu cầu của đương sự, đồng thời khi đương sự có yêu cầu thì Tòa án phải giải quyết. Tuy nhiên, đối với yêu cầu tuyên bố hợp đồng hoặc giao dịch dân sự vô hiệu, nếu một hoặc các bên đương sự có yêu cầu giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu thì Tòa án phải giải quyết. Trường hợp Tòa án không xem xét, giải quyết là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
+ Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu chưa đúng quy định pháp luật, như xác định lỗi của các bên làm cho hợp đồng vô hiệu, xác định thiệt hại của hợp đồng vô hiệu không chính xác… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ví dụ: vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn Đường Phương Th và bị đơn Mai Văn M. Bản án sơ thẩm tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất xác lập ngày 04/5/2016 và ngày 25/10/2016 giữa ông Th với ông M vô hiệu, buộc ông M hoàn trả cho ông Th diện tích đất 668,6m2, buộc ông Th có nghĩa vụ trả cho ông M 591.450.000 đ (lỗi 50%). Tuy nhiên, ông M mới thực hiện 60% giá trị hợp đồng, do vậy thiệt hại xác định trên 60% giá trị hợp đồng là 421.740.000đ, mỗi bên lỗi 50% nên mỗi bên chịu 50% thiệt hại là 210.870.000đ. Vì giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu không chính xác nên Tòa án phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.
– Vi phạm trong việc tuyên án không cụ thể, không rõ ràng, không có sơ đồ kèm theo bản án, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Khi giải quyết các vụ án tranh chấp QSDĐ, phân chia tài sản là QSDĐ một số Tòa án không xác định cụ thể vị trí, kích thước các cạnh tiếp giáp, diện tích đất, ban hành bản án không có sơ đồ kèm theo hoặc sơ đồ không phù hợp với quyết định của bản án là tuyên án không cụ thể, không rõ ràng, sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án sau này, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án hoặc sửa bản án.
- Ngoài những vi phạm về áp dụng pháp luật hình thức, trong công tác xét xử nhiều Tòa án còn có những vi phạm trong việc áp dụng pháp luật nội dung, dẫn đến Bản án, quyết định thiếu tính thuyết phục hoặc sai lầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đơn cử như tại một số vụ việc sau:
Thứ nhất, hủy án vì Tòa áp dụng quy định về lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản không đúng luật.
Quyết định Giám đốc thẩm số 13/2022/DS-GĐT ngày 15/02/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 12/2021/DS-PT ngày 14/9/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum về vụ án dân sự “Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Trương Thị H và ông Nguyễn Bá B với bị đơn là bà Phạm Thị Nh.
Tại phiên tòa Giám đốc thẩm, hội đồng xét xử nhận định “Các hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn và bị đơn được xác lập trước ngày 01/01/2017 và đang thực hiện. Vì vậy, theo hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 2 và điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp này phải áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết. Cần áp dụng Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, là 9%/năm từ ngày vay đến khi kết thúc thời hạn vay đối với số tiền gốc mà bị đơn vay nguyên đơn là 3.130.000.000 đồng. Tuy nhiên, Toà án cấp phúc thẩm lại áp dụng Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 9 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để tính lãi suất 20%, là không đúng quy định”.
Thứ hai, Tòa án chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế khi giải quyết vụ án có tài sản tranh chấp là di sản thừa kế.
Bản án số 01/2021 ngày 25/5/2021 của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh xét xử vụ “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp” giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Vân và bị đơn Nguyễn Mạnh Hồng, Đinh Thị Liên. Thửa đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng chung của vợ chồng bà Vân, nay chồng bà Vân đã chết nhưng có hàng thừa kế thứ nhất là bà Vân và anh Vũ Trọng Hinh, anh Vũ Thanh Tân Bản án tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, nhưng buộc bị đơn trả lại quyền sử dụng đất cho riêng bà Vân là chưa đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế, vi phạm điểm a, khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015.
Không chỉ vậy, phần cuối bản án quy định về quyền kháng cáo cho đương sự nhưng không đề cập đến quyền kháng cáo của anh Hinh, anh Tân là vi phạm điểm c, khoản 2 Điều 266 và Điều 271 BLTTDS.
Thứ ba, Tòa án chia tài sản sau ly hôn không đúng vì áp dụng không đúng Án lệ số 03 và nhận định mâu thuẫn.
Tại Bản án hôn nhân gia đình số 06/2020/HNGĐ-ST ngày 25/3/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử vụ án “Tranh chấp tài sản sau ly hôn” giữa nguyên đơn là ông Hoàng Văn Tr và bị đơn là bà Đỗ Thị Mai O. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định như sau: “Theo Án lệ số 03/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nội dung “Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất mà vợ chồng người con đã xây nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”. Do đó, có căn cứ xác định đất trên là tài sản chung của ông Tr và bà O…”. Sau đó nguyên đơn là ông Nguyễn Hoàng Tr đã có đơn kháng cáo.
Tại Bản án số 05/2022/HNGĐ-PT Ngày 15/3/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của ông Tr, hủy toàn bộ Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm.
Cụ thể, Tòa án phúc thẩm đã nhận định: Xét thấy, việc áp dụng Án lệ số 03/2016/AL của Tòa án cấp sơ thẩm là không phù hợp. Bởi lẽ, quyền sử dụng đất tranh chấp bà L được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2000; vợ chồng bà O sống cùng bà L trên đất từ năm 1991; từ năm 1991 đến năm 2005 bà L vẫn là người thực hiện quản lý quyền sử dụng đất; năm 2005 bà L lập thủ tục tặng cho cá nhân ông Tr mặc dù thời điểm này ông Tr, bà O đã kết hôn với nhau và có thời gian chung sống lâu dài. Như vậy, không thể cho rằng bà L đã tặng cho vợ chồng ông Tr, bà O quyền sử dụng đất và xác định quyền sử dụng đất này là tài sản chung của vợ chồng ông Tr, bà O trong thời kỳ hôn nhân như trường hợp Án lệ số 03/2016/AL được.
Cấp sơ thẩm mâu thuẫn trong chính nhận định của mình, đối với 01 tài sản nhưng vừa áp dụng Án lệ số 03/2016/AL cho rằng ông Tr, bà O đã được bà L tặng cho; vừa cho rằng ông Tr được tặng cho riêng nhưng về ý chí ông Tr đã nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng; mặt khác cũng xác định tài sản này ông Tr, bà O tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, trong đó có mua lại của bà H với giá 100 lượng vàng, hiện còn nợ lại 68 lượng. Do cấp sơ thẩm nhận định mâu thuẫn nhau nên dẫn đến quyết định của bản án thiếu tính thuyết phục.
Người viết: Nông Minh Đạt – TTS Văn phòng luật sư Đồng Đội
SĐT: 0399964351 – Email: nongminhdatlaw@gmail.com