Trong 10 đứa trẻ bị xâm hại hay lạm dụng tình dục thì chỉ có duy nhất 1 trẻ lên tiếng. Vậy làm sao để giúp trẻ can đảm dám nói ra? Và những người có liên quan có trách nhiệm gì nếu như nhận được thông tin như vậy?
Tình huống đặt ra: Bé gái A sinh năm 2011 bị chính anh trai ruột hơn 8 tuổi của mình là B hãm hiếp. A đang có tâm lý lo sợ, em mong muốn anh trai B không bị bắt nhưng lại muốn chấm dứt hành vi xâm hại tình dục của B đối với mình. Vậy theo luật sư, trong trường hợp này nên xử lý như thế nào? Xin cảm ơn ý kiến của luật sư.
Tư vấn của luật sư:
Trẻ em thường được dạy rằng phải kính nể và vâng lời người lớn, vì vậy, trẻ sẽ băn khoăn không biết hành vi xâm phạm của người lớn là đúng hay sai. Điều này dẫn đến trẻ lo sợ về việc trình báo hoặc khiến trẻ thay đổi/ rút lại bản trình báo ngay sau đó.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng khi ở trong hoàn cảnh như vậy, việc những đứa trẻ mang tâm lý lo sợ, không dám nói ra hành vi của người đã xâm hại mình là một hiện tượng hết sức bình thường. Đối với trường hợp mà tình huống đặt ra, bé gái hiện tại mới chỉ 13 tuổi, đây là độ tuổi đang trong giai đoạn có nhiều sự thay đổi về các yếu tố tâm sinh lý, do đó, khi phải chịu những cú sốc lớn về tinh thần, các em thường dễ bị hoang mang, mất phương hướng, không biết mình nên làm gì và cần phải nhờ sự trợ giúp từ ai.
Vì vậy, công việc đầu tiên là cần phải tư vấn tâm lý cho A để giúp A bình tĩnh trở lại và dễ dàng chấp nhận mở lời nói ra hành vi xâm hại tình dục của anh trai mình. Đối với hành vi xâm hại tình dục của B, cần phải tư vấn và xác định cho A rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức, lẽ thường của xã hội.
Hành vi của B đã có dấu hiệu của hành vi thuộc Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017). Việc A đã từng bị anh trai B hãm hiếp và em đã thể hiện ý chí muốn chấm dứt hành vi xâm hại tình dục của B đối với mình chứng tỏ rằng em không hề mong muốn và bị ép quan hệ tình dục với anh trai trái với ý muốn của bản thân. Vì vậy, dù không có mô tả cụ thể về hành vi của B nhưng hành vi này đã có dấu hiệu của việc giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ căn cứ theo khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015.
Không chỉ vậy, trong tình huống này, A đã bị chính anh trai ruột của mình hãm hiếp, nên hành vi này còn có thêm dấu hiệu thuộc tình tiết định khung của Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo điểm a khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) – có tính chất loạn luân.
Do đó, B có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) với khung hình phạt rất nặng từ 12 đến 20 năm tù.
Đồng thời, trong trường hợp của A, cần thiết phải tư vấn thêm cho em về việc làm thế nào để có thể phản kháng được anh trai nếu em nhận thấy có nguy cơ tiếp tục rơi vào tình cảnh tương tự. Cụ thể, cần phải tư vấn cho em cách phản kháng từ việc thuyết phục nhẹ nhàng cho đến việc cảnh cáo, răn đe mạnh mẽ, quyết liệt, rõ ràng. Thậm chí, có thể dọa lại B rằng sớm hay muộn hành vi của B cũng sẽ bị phát hiện, và việc thực hiện hành vi đối với em trong độ tuổi này, nếu phát hiện sẽ bị xử lý hình sự tội rất nặng.
Qua tình huống này, cần phải nhận thức và nâng cao cảnh giác để theo dõi sát sao và phòng tránh có hiệu quả hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ nhỏ, bởi hành vi này có thể xuất hiện và diễn biến ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và thậm chí xuất hiện ở cả những người mình tin tưởng nhất.
Đối với những Luật sư được thông tin, cần có trách nhiệm tư vấn pháp lý và xác minh thông tin nếu có điều kiện để kịp thời tố giác tội phạm. Đối với các gia đình có nhiều con khác giới, cần phải chú ý và theo dõi sát sao, tránh để tình trạng anh em, chị em ở chung một nhà mà phải rơi vào hoàn cảnh thương tâm như tình huống. Trong nền kinh tế phát triển hiện nay, không ít trường hợp các gia đình có bố mẹ vì bận rộn với công việc mà bỏ bê việc chăm sóc, giáo dục con cái, dẫn đến thực tế rằng các con có thể đã được tiếp xúc từ rất sớm những hiểu biết liên quan đến quan hệ tình dục và dễ sinh ra lối suy nghĩ, cái nhìn lệch lạc. Do đó, các gia đình, các phụ huynh cần phải cảnh giác và nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc giáo dục con cái về nhận thức đúng đối với những vấn đề này.
Với xã hội, mọi người cần chung tay để đẩy lùi và phòng chống các loại hành vi quấy rối, xâm hại tình dục, nếu phát hiện các đối tượng có hành vi quấy rối hoặc phát hiện trường hợp có nguy cơ bị xâm hại tình dục thì người dân cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Cha mẹ và trẻ cần ghi nhớ số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 – đây là tổng đài tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho trẻ em; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Phạm Hà Thu – 0827122116- phamhathu08102003@gmail.com
TTS tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi