Trong vụ án hình sự, điều quan trọng nhất chính là tìm ra sự thật khách quan, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Do đó, Cơ quan tố tụng sẽ tiến hành các hoạt động điều tra để có cơ sở khách quan đưa ra kết luận cuối cùng một cách chính xác, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm. Trong đó, hoạt động thực nghiệm điều tra, hoạt động điều tra này là biện pháp điều tra tội phạm được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận hành vi, sự kiện, hiện tượng đó, từ đó có thể phán đoán ra tính chất, hành vi, diễn biến của tội phạm.
- Thực nghiệm điều tra được tiến hành khi nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS), việc thực hiện điều tra được tiến hành“để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.”
Khi đó Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách “dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.”
- Nguyên tắc thực nghiệm điều tra
Tại khoản 1 Điều 204 BLTTHS đã quy định rõ: Khi tiến hành thực nghiệm điều tra không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
- Chủ thể có thẩm quyền tiến hành thực nghiệm điều tra
Căn cứ theo quy định tại Điều 204 BLTTHS 2015, Người tiến hành thực nghiệm điều tra có thể là Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên. Trong giai đoạn điều tra, khi cần kiểm tra, xác minh các tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra; Kiểm sát viên chủ yếu kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Điều tra viên khi tiến hành biện pháp này. Trong quá trình giám sát điều tra, nếu thấy những tài liệu chứng cứ điều tra vụ án mà Cơ quan điều tra thu thập được chưa đầy đủ, có những mâu thuẫn, Kiểm sát viên có thể trực tiếp tiến hành biện pháp này theo trình tự, thủ tục tại Điều này.
Bên cạnh đó, BLTTHS hiện hành cũng quy định về quyền tiến hành thực nghiệm của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Theo đó, căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 45 BLTTHS 2015 Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền:
“đ) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;”
Tuy nhiên, BLTTHS hiện hành vẫn chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành thực nghiệm điều tra của Tòa án, Thẩm phán.
- Người tham gia thực nghiệm điều tra
Theo quy định tại Điều 204 BLTTHS 2015, “2. Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.3. Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.”
Do đó, Điều tra viên có vai trò chủ trì việc tiến hành thực nghiệm điều tra, Kiểm sát viên kiểm sát việc thực nghiệm điều tra và khi tiến hành hoạt động này phải có người chứng kiến và phải lập thành văn bản theo quy định.
Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia, người có chuyên môn tham gia thực nghiệm điều tra thì tùy từng hiện trường cần thực nghiệm, tùy từng lĩnh vực mà mời người có chuyên môn tham gia cho phù hợp.
Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia. Ví dụ: Bị can khai chỉ một mình vào phá khóa lấy trộm các kiện hàng trong kho, nhưng thực tế các kiện hàng bị mất đều nặng tới 90kg. Trong trường hợp này cần phải thực nghiệm để xem một mình bị can có thể mang vác được kiện hàng nặng như vậy không, hay còn đối tượng khác tham gia.
- Các hoạt động của thực nghiệm điều tra bao gồm?
Thực nghiệm điều tra bao gồm bao gồm dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết như đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ và phải ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
+ Dựng lại hiện trường là tạo lại hiện trường như khi phát hiện vụ án xảy ra. Việc dựng lại hiện trường có thể trong trường hợp hiện sau khi xảy ra vụ án đã được tiến hành khám nghiệm và sau đó cho giải phóng hiện trường hoặc vụ án đã xảy ra mặc dù chưa được khám nghiệm những đã bị quét dọn, giải phóng không còn hiện trường, cần phải dựng lại để nghiên cứu, phát hiện các thông tin dấu vết.
+ Diễn lại hành vi, tình huống là yêu cầu bị can, bị cáo thực hiện lại quá trình phạm tội của mình để Cơ quan điều tra xác định có phù hợp với thực tế khách quan cũng như có phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác hay không. Ví dụ: Thực nghiệm để xác định có thể xảy ra tự cháy hay vụ cháy do bị đối tượng đốt; thực nghiệm vết phanh của xe ô tô để xác định tốc độ của xe khi gây tai nạn…
Tuy nhiên, đối với tình tiết quy định “diễn lại hành vi, tình huống” hiện nay có một số vấn đề chưa thống nhất. Liệu rằng việc “diễn lại hành vi, tình huống” có cần tiến hành tại hiện trường xảy ra vụ án?
Có ý kiến cho rằng, đối với trường hợp tình tiết điều luật quy định “diễn lại hành vi, tình huống” thì không nhất thiết phải thực nghiệm tại nơi xảy ra vụ án, mà chỉ cần tại một địa điểm nhất định như trụ sở làm việc hoặc tại nơi giam, giữ bị can là đúng quy định. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cho bị can, bị hại, người làm chứng diễn lại hành vi mà bị can khai nhận để kiểm tra, xác minh lại tình tiết đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự không nhất thiết phải diễn tả tại nơi hiện trường xảy ra vụ án. Bởi vì, nếu thực nghiệm tại nơi xảy ra vụ án, thì công tác bảo vệ hiện trường phức tạp, tốn công sức cũng như chi phí cho công tác thực nghiệm điều tra.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự. Do vậy, trong mọi trường hợp khi thực nghiệm điều tra cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực nghiệm tại hiện trường nơi xảy ra vụ án. Điều này không chỉ giúp Cơ quan điều tra có cái nhìn khách quan về không gian diễn ra hành vi phạm tội, kịp thời phát hiện ra các tình tiết chưa được phát hiện tại hiện trường xảy ra vụ án.
Như vụ án Văn phòng luật sư Đồng Đội đang tham gia bảo vệ cho bị can trong vụ án hình sự. Theo đó, bị can đã gây thương tích cho nạn nhân trong tình trạng nạn nhân mới thực hiện phẫu thuật xong, do đó, khi tỷ lệ thương tích sau khi giám định thương tích rất cao. Do đó, việc “diễn lại hành vi, tình huống” tại hiện trường vụ án sẽ giúp cơ quan tố tụng có cái nhìn khách quan, toàn diện về hành vi của bị can gây ra trong môi trường đó, xác định vị trí tấn công, lực đánh, tư thế đánh của bị can có thể gây tổn thương bao nhiêu phần trăm…
Có thể nói biện pháp thực nghiệm điều tra tại hiện trường nơi xảy ra vụ án phải trong các trường hợp nhằm mục đích kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án như: Kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không? Người làm chứng, bị hại có thể trông thấy việc làm, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không? Theo đó, trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường nơi xảy ra vụ án. Do đó, việc có tiến hành thực nghiệm điều tra tại hiện trường xảy ra vụ án hay không cần phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, cần được làm rõ để đảm bảo đúng sự thật khách quan, công bằng. Như đối với trường hợp lời khai của bị hại, bị can mâu thuẫn nhau, ví dụ: Bị hại khai bị chém bốn nhát dao vào đầu, vai, lưng, tay gây thương tích, nhưng bị can cho rằng không có chém mà chỉ dùng dao quơ qua, quơ lại không biết trúng vào đâu. Trường hợp này, chỉ cần cho bị can, bị hại diễn tả lại hành vi chứ không nhất thiết phải dựng lại hiện trường nơi xảy ra vụ án.
- Luật sư có tham gia quá trình thực nghiệm điều tra
Theo quy định tại Điều 74 BLTTHS 2015: “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.”
Do đó, trường hợp bị can bị bắt, tạm giữ người thì luật sư có thể tham gia từ giai đoạn người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Hơn nữa, xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, luật sư có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Việc luật sư tham gia vào quá trình thực nghiệm điều tra là điều kiện để luật sư sớm tiếp xúc với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các bị can, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Qua đây, luật sư sẽ nhìn nhận diễn biến sự việc, cảm xúc của bị can, bị hại từ đó đánh giá một cách khách quan, toàn diện về vụ án để đưa ra phương hướng bào chữa, bảo vệ phù hợp.
Vì vậy việc luật sư tham gia vào quá trình thực nghiệm điều tra là cần thiết để có thêm cơ sở pháp lý, tài liệu chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ mình./.
Người viết: Lan Anh – VPLS Đồng Đội.
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội