Trong hoạt động tố tụng dân sự, các quy định pháp luật về thay đổi thẩm phán được xem là “chiếc chìa khóa” đảm bảo tính khách quan và công bằng bảo vệ quyền lợi của các bên đương sự. Tuy nhiên trong thực tế, không ít trường hợp đương sự phải đối mặt với tình trạng thẩm phán thiếu khách quan, gây khó dễ, khiến quá trình tố tụng bị kéo dài hàng năm mà chưa được xét xử. Và một điều đáng lo ngại hơn là khi đương sự yêu cầu thay đổi thẩm phán, họ lại gặp phải sự từ chối không có căn cứ, khiến vụ việc lâm vào bế tắc. Tình trạng này không chỉ làm giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp mà còn gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc và tinh thần của người dân.
Pháp luật Việt Nam quy định về việc thay đổi thẩm phán trong tố tụng dân sự
Quyền yêu cầu thay đổi thẩm phán
Trong một vụ án dân sự không phải ai cũng có quyền yêu cầu thay đổi thẩm phán xét xử vụ việc chỉ những cá nhân theo quy định pháp luật có quyền đề nghị thay đổi thẩm phán. Vậy ai là người có quyền yêu cầu thay đổi thẩm phán theo?
Căn cứ theo Khoản 14 Điều 70 Bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015 thì đương sự có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này. Đương sự trong vụ án dân sự theo Khoản 1 Điều 68 BLTTDS 2015 là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bên cạnh đó thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng có quyền yêu cầu thay đổi thẩm phán căn cứ theo Khoản 4 Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Các trường hợp thẩm phán bị thay đổi hoặc từ chối tham gia tố tụng
Theo Điều 52 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS), thẩm phán phải bị thay đổi hoặc phải từ chối tham gia tố tụng trong các trường hợp sau:
“Điều 52. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng
- Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
- Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
- Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”
Theo Điều 53 bổ sung cụ thể thêm các trường hợp thay đổi đối với thẩm phán:
“Điều 53. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
- Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của Bộ luật này.
- Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.
- Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.”
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định lường trước các trường hợp trên. Để những người có quyền yêu cầu thay đổi thẩm phán để bảo đảm tính công bằng, minh bạch bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tránh các mâu thuẫn lợi ích có thể ảnh hưởng đến kết quả xét xử của họ.
Thẩm quyền quyết định thay đổi thẩm phán
“Điều 56. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án
1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án quyết định. Trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định việc thay đổi như sau:
a) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định;
b) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh đó quyết định;
c) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao thì do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.
2. Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi. Nếu người bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Việc thay đổi Thẩm phán, Thư ký Tòa án khi giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 368 của Bộ luật này.
4.Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoãn phiên tòa, phiên họp, Chánh án Tòa án phải cử người khác thay thế.”
Như vậy, trước khi mở phiên tòa việc thay đổi thẩm phán do Chánh án Tòa án quản lý thẩm phán quyết định, nếu thẩm phán là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định thuộc về Chánh án Tòa cấp trên một cấp quyết định. Tại phiên Tòa, việc thay đổi thẩm phán sẽ do Hội đồng xét xử họp và quyết định ngay tại phiên tòa nếu cần thay đổi thẩm phán Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án có trách nhiệm xem xét yêu cầu thay đổi thẩm phán của đương sự hoặc quyết định thay đổi khi nhận thấy vi phạm nguyên tắc tố tụng.
Thực tiễn việc thay đổi thẩm phán trong tố tụng dân sự
Quy định pháp luật rõ ràng, nhưng thời hạn giải quyết yêu cầu thay đổi lại bị kéo dài
Theo Điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS), thẩm phán phải được thay đổi khi có căn cứ cho thấy họ thiếu khách quan hoặc có mối quan hệ lợi ích ảnh hưởng đến vụ án. Nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền yêu cầu thay đổi thẩm phán. Chánh án Tòa án hoặc Hội đồng xét xử có trách nhiệm xem xét yêu cầu này trong vòng 3 ngày làm việc. Trên lý thuyết, quy định đã tạo ra một cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên trong tố tụng. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại nhiều Tòa án cho thấy quy định này thường không được tuân thủ nghiêm ngặt. Một số Tòa án không giải quyết đúng thời hạn mà còn kéo dài vô lý, làm trì hoãn quá trình tố tụng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên liên quan. Nguyên nhân của việc kéo dài thời hạn giải quyết có thể do:
- Né tránh trách nhiệm từ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền: Nhiều trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền không muốn đối diện với các vấn đề nhạy cảm liên quan đến thay đổi nhân sự, đặc biệt khi thẩm phán bị yêu cầu thay đổi có mối quan hệ nội bộ hoặc áp lực từ lợi ích nhóm.
- Không có cơ chế giám sát thời gian đưa ra quyết định: Quy trình hành chính nội bộ tại Tòa án chưa cụ thể, không có cơ chế giám sát thời gian, dẫn đến tình trạng hồ sơ có thể bị trì hoãn trong thời gian dài.
- Thiếu chế tài xử lý vi phạm: Không có cơ chế, chế tài cụ thể đối với các trường hợp kéo dài thời hạn giải quyết hoặc cố tình trì hoãn. Điều này dẫn đến tâm lý xem nhẹ trách nhiệm và quy định.
Việc luật chỉ quy định yêu cầu thay đổi thẩm phán khi có “căn cứ rõ ràng” mang đến nhiều khó khăn đối với đương sự.
Mặc dù quy định yêu cầu “căn cứ rõ ràng” để thay đổi thẩm phán được đặt ra nhằm ngăn chặn việc lạm dụng quyền, nhưng trong thực tế nó lại trở thành một bất cập không nhỏ cho các bên đương sự có quyền thu thập chứng cứ. Những hành vi thiếu khách quan như thái độ thiên vị, cố tình kéo dài thời gian xét xử, hoặc hành động gây khó khăn thường khó ghi nhận và chứng minh rõ ràng. Đặc biệt, các hành vi này chủ yếu diễn ra trong phòng xử án, nơi mà không phải lúc nào cũng có đầy đủ nhân chứng hoặc phương tiện ghi âm, ghi hình hợp pháp. Hơn nữa luật không quy định chi tiết về loại chứng cứ nào được coi là hợp lệ, khiến đương sự gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ yêu cầu. Một số Tòa án còn đặt ra yêu cầu chứng cứ cao hơn so với quy định, như phải có văn bản xác nhận từ bên thứ ba hoặc tài liệu chính thức, điều mà đương sự khó có khả năng cung cấp.
Văn phòng hiện đang tiếp nhận, giải quyết: vụ kiện dân sự kéo dài hơn ba năm tại một Tòa án nhân dân cấp huyện là một trong những điển hình trong vấn đề này. Thẩm phán liên tục trì hoãn đưa vụ án ra xét xử với nhiều lý do như “chờ bổ sung chứng cứ” hoặc “lịch công tác bận rộn”. Dù nguyên đơn đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán với lý do thẩm phán gây khó dễ, Tòa án lại từ chối với lý do rằng các bằng chứng mà nguyên đơn cung cấp là “không có căn cứ rõ ràng”. Vụ kiện kéo dài khiến nguyên đơn mệt mỏi về tinh thần và tốn kém về chi phí, trong khi quyền lợi chính đáng thì không được giải quyết. Theo chia sẻ của khách hàng: “họ chia sẻ rằng tôi không có đủ căn cứ để yêu cầu thay đổi thẩm phán, nhưng chính thẩm phán đó lại không thực hiện đúng tiến độ xét xử. Ba năm trời, vụ án của tôi vẫn chưa được đem ra xét xử, tôi vẫn chưa thấy được công lý”. Trường hợp này không chỉ vi phạm nguyên tắc “xét xử kịp thời, đúng pháp luật” mà còn đặt ra nghi vấn về sự minh bạch và trách nhiệm của cơ quan tư pháp. Việc yêu cầu căn cứ rõ ràng khiến không ít đương sự rơi vào tình trạng “bế tắc pháp lý”. Họ bị mắc kẹt trong quy trình tố tụng mà không biết làm gì, đặc biệt khi phải đối mặt với một thẩm phán thiếu công bằng mà không đủ khả năng chứng minh sự thiên vị đó.
Thiếu minh bạch trong thông báo kết quả yêu cầu
Một vấn đề phổ biến khác là việc nhiều Tòa án không thực hiện trách nhiệm thông báo kết quả yêu cầu thay đổi thẩm phán hoặc cung cấp lý do từ chối một cách minh bạch. Nhiều đương sự không nhận được phản hồi từ Tòa án trong thời hạn quy định hoặc chỉ nhận thông báo sau khi đã trễ hàng tháng, thậm chí hàng năm. Còn một số Tòa án chỉ thông báo “không có căn cứ rõ ràng” mà không kèm theo bất kỳ giải thích chi tiết nào, khiến đương sự không biết mình thiếu sót ở đâu hoặc cần bổ sung gì thêm. Việc thiếu minh bạch này làm đương sự mất phương hướng trong việc thực hiện các quyền kháng cáo hoặc khiếu nại tiếp theo. Tình trạng này không chỉ làm tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của đương sự mà còn khiến hệ thống tư pháp mất đi sự tin tưởng từ công chúng. Trong một số trường hợp, đương sự phải tìm đến các cơ quan truyền thông hoặc dư luận để gây áp lực, thay vì được bảo vệ quyền lợi chính đáng thông qua quy trình tố tụng minh bạch. Điều này không chỉ làm mất thời gian, công sức của người dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín và sự minh bạch của hệ thống tư pháp. Đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh mẽ để siết chặt kỷ luật, minh bạch hóa quy trình và đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Vậy đương sự có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi rơi vào tình trạng trên?
Khi gặp phải tình trạng thẩm phán gây khó dễ, người dân cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình thông qua các bước:
Yêu cầu giải trình bằng văn bản từ Tòa án
Một trong những bước đầu tiên khi gặp tình trạng thẩm phán gây khó dễ là yêu cầu Tòa án trả lời bằng văn bản về lý do từ chối thay đổi thẩm phán. Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về thủ tục từ chối đề nghị thay đổi thẩm phán, Tòa án phải đưa ra thông báo rõ ràng, nêu lý do cụ thể và căn cứ pháp luật cho quyết định của mình. Văn bản giải trình từ Tòa án này là căn cứ quan trọng để đương sự thực hiện các biện pháp tiếp theo, như khiếu nại hoặc tố cáo.
Khiếu nại lên cấp trên để xem xét và xử lý
Nếu Tòa án sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án không giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán một cách minh bạch, người dân có quyền khiếu nại lên Tòa án cấp trên, hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền, yêu cầu xem xét lại quyết định từ chối thay đổi thẩm phán. Đây cũng là một biện pháp để buộc các cơ quan tư pháp cấp dưới tuân thủ quy định pháp luật và xử lý vụ việc nhanh chóng hơn.
Tố cáo hành vi vi phạm của thẩm phán trong thực thi nhiệm vụ
Trong trường hợp thẩm phán có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Người dân có quyền tố cáo theo Luật Tố cáo 2018 thực hiện gửi đơn tố cáo tới được gửi đến cơ quan thanh tra tư pháp, Tòa án cấp trên hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu xử lý. Đương sự có thể tố cáo các hành vi sau: Vi phạm hành chính, không khách quan trong quá trình tố tụng, thiếu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ.
Sử dụng truyền thông và dư luận để tạo áp lực
Khi các biện pháp pháp lý không đạt hiệu quả mong muốn, đương sự có thể tận dụng sức mạnh của truyền thông và dư luận cũng là một cách hiệu quả để tạo áp lực lên cơ quan chức năng. Thực hiện liên hệ và phản ánh với các cơ quan báo chí uy tin để công khai tình trạng này trên báo chí đem đến sự bàn luận trong xã hội. Hoặc có thể sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin một cách trung thực, tránh vi phạm các quy định của pháp luật. Việc công khai tình trạng này trên truyền thông, báo chí giúp thúc đẩy cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng hơn và áp lực từ dư luận còn giúp ngăn ngừa những hành vi tương tự trong tương lai.
Tình trạng từ chối thay đổi thẩm phán không chỉ là dấu hiệu của sự thiếu trách nhiệm mà còn phản ánh những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống tư pháp hiện nay. Nếu không có sự cải cách mạnh mẽ, những bất công tương tự sẽ tiếp tục diễn ra, gây tổn hại lớn đến quyền lợi của người dân và sự minh bạch của hệ thống pháp luật. Các cơ quan chức năng cần nhận thức rõ ràng rằng, thẩm phán không chỉ là người “cầm cân nảy mực” mà còn là đại diện cho uy tín của cả hệ thống tư pháp. Một hệ thống minh bạch, công bằng chỉ có thể tồn tại khi những hành vi thiếu khách quan được loại bỏ và quyền lợi của người dân được đặt lên hàng đầu.
Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, Văn phòng luật sư Đồng sư Đồng Đội luôn sẵn lòng hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết và thực hiện các vấn đề liên quan đến tố tụng. Mang lại sự công bằng, bảo đảm được quyền lợi của mỗi khách hàng trong mối quan hệ pháp luật. Đồng thời đóng góp vào công cuộc tạo nên một nền tư pháp công bằng, dân chủ, văn minh.
Nguyễn Huyền – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Số điện thoại: 0396914604
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi