Bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các bên tham gia. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu sâu hơn về bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng cũng như thực trạng của quá trình này.
-
Khái niệm
Căn cứ khoản 1 Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
-
Đặc điểm
Bảo lãnh theo định nghĩa của Bộ luật Dân sự 2015 là quan hệ giữa 3 bên: bên bảo lãnh; bên nhận bảo lãnh (ngân hàng, công ty tài chính,…); bên được bảo lãnh (bên vay).Về nội dung thỏa thuận, bên bảo lãnh cam kết trả nợ thay cho bên được bảo lãnh nếu đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh chưa trả được nợ. Về phạm vi bảo lãnh (Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015), bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh, gồm: tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả,… Về thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trong vòng 5 ngày làm việc tiếp theo sau ngày bên bảo lãnh nhận được hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hợp lệ (điểm a khoản 3 Điều 22 Thông tư 11/2022/TT-NHNN). Về quyền và nghĩa vụ của các bên, quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh được quy định tại Điều 27 Thông tư 11/2022/TT-NHNN; quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh quy định tại Điều 31 Thông tư 11/2022/TT-NHNN; quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh quy định tại Điều 32 Thông tư 11/2022/TT-NHNN
Tóm lại, bảo lãnh là sự thỏa thuận của các bên (bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh) về việc bên bảo lãnh sẽ sử dụng tài sản của mình (nhà, đất hoặc ô tô…) để thế chấp cho bên được bảo lãnh vay tiền. Nghĩa vụ trả nợ vẫn thuộc về bên được bảo lãnh nhưng nếu bên được bảo lãnh không có khả năng trả nợ thì bên thế chấp tài sản (bên bảo lãnh) sẽ có trách nhiệm phải trả nợ thay.
-
Hiện trạng bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại
Để tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp, chính phủ đã ban hành nhiều quy định pháp luật liên quan đến bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp. Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg (quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại); Nghị định số 91/2018/NĐ-CP (cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ); Nghị định số 34/2018/NĐ-CP (thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa);… Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại nhờ bảo lãnh nhưng sau đó lại không trả nợ cho ngân hàng diễn ra rất phổ biến. Có rất nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến hiện trạng này như: công ty mẹ từ chối nghĩa vụ bảo lãnh cho công ty con, cá nhân dùng tài sản của mình để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn nhưng doanh nghiệp lại không có tiền trả cho ngân hàng, ngân hàng (bên bảo lãnh) từ chối trả nợ cho bên nhận bảo lãnh,…
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên rất đa dạng. Thứ nhất, các bên chưa hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình. Đó có thể là sự nhầm lẫn về phạm vi bảo lãnh, tài sản bảo lãnh dẫn đến khi thực hiện nghĩa vụ xảy ra tranh chấp giữa các bên, bên bảo lãnh không chịu trả nợ thay và bên nhận bảo lãnh không thu lại được tài sản đã đưa cho bên được bảo lãnh. Thứ hai, ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ pháp luật của bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh còn chưa cao nên xảy ra tình trạng “quỵt nợ” hoặc chậm trễ, kéo dài thời gian trả nợ, khiến cho bên nhận bảo lãnh phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Thứ ba, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, dẫn đến không đủ tài sản để trả nợ. Điều 7 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định cho bên nhận bảo lãnh có quyền truy đòi tài sản đối với bên có nghĩa vụ (trừ một số tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 21/2021/NĐ-CP). Căn cứ Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi đến hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ bảo đảm. Ngoài ra, bên có nghĩa vụ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn nếu vi phạm nghĩa vụ hoặc theo quy định pháp luật.
Tóm lại, việc bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn ngân hàng không chỉ giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn cần thiết cho sự phát triển và mở rộng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tài chính cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, để bảo lãnh phát huy được hiệu quả tối đa, cần có sự minh bạch và trách nhiệm từ tất cả các bên liên quan, cùng với các biện pháp quản lý rủi ro hợp lý. Chỉ khi đó, hệ thống tài chính mới có thể hoạt động ổn định và bền vững, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.
Lưu Khánh Vi – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi