Trong xã hội ngày nay, cụm từ “single mom” hay sống theo mô-típ mới “không chồng mà cũng có con” chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều người, khi mà mối quan hệ giữa nam và nữ ngày càng cởi mở hơn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít trường hợp những đứa trẻ ra đời bị người cha “bỏ rơi” do không có pháp lý ràng buộc, và người mẹ buộc phải nhờ đến Luật sư, nhờ đến pháp luật để bảo vệ, đòi quyền lợi cho đứa con ngoài giá thú.
Vậy Luật sư cần làm gì để bảo vệ cho đứa con ngoài giá thú? Kính mời quý độc giả cùng đọc và tìm hiểu về cách thức bảo vệ hiệu quả và thành công của Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội chúng tôi!
Việc đứa trẻ được sinh ra, dù đúng hay sai cũng là lỗi của người cha, người mẹ, chúng không có lỗi lầm gì và được hưởng tất cả những quyền cơ bản của con người. Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu rõ: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình”.
Như vậy, theo pháp luật hiện hành, quan hệ giữa cha mẹ, con phát sinh trên cơ sở huyết thống, nuôi dưỡng, không phụ thuộc vào quan hệ của cha mẹ có hợp pháp hay không, còn tồn tại hay đã chấm dứt. Ngay từ khi sinh ra, con ngoài giá thú được hưởng đầy đủ các quyền lợi như con trong giá thú, như quyền được khai sinh, quyền được mang quốc tịch, được hưởng đầy đủ quyền về nhân thân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự như quyền về cư trú, hộ tịch, giám hộ, các quyền về tài sản, thừa kế…. Những quy định trên nhằm bảo vệ tối đa cho quyền lợi đứa trẻ và đảm bảo nghĩa vụ của cha mẹ đối với chúng.
Song, trên thực tế, mặc dù luật pháp đã quy định rõ, nhưng việc đứa trẻ sinh ra không chính thống vẫn không được thừa nhận trong một bộ phận lớn những gia đình. Việc đứa trẻ sinh ra không có bố đã dẫn đến rất nhiều thiệt thòi, thiệt thòi vì không có cả bố cả mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, nhiều đứa trẻ còn oán hận cha mẹ của mình vì bị bạn bè, những người xung quanh dè bỉu, đàm tiếu. Rõ ràng nhìn từ yếu tố đạo đức, xã hội, đứa trẻ nào được sinh ra cũng đều có cha, có mẹ và phải được cha mẹ chăm sóc, yêu thương, giáo dục. Việc cha mẹ đứa trẻ gây ra lỗi lầm không thể là lí do để chối bỏ đứa con, vì lợi ích cá nhân, sự ích kỷ của bản thân mình mà để con phải chịu thiệt thòi.
Vậy để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho con ngoài giá thú, Luật sư cần phải làm gì?
Đối với những vấn đề mang tính riêng tư, tế nhị như trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng VPLS Đồng Đội chia sẻ rằng, khi được khách hàng nhờ giải quyết luôn phải tôn trọng bí mật đời tư cho khách hàng, đảm bảo lợi ích lâu dài cho họ, bởi nếu mối quan hệ này lộ ra bên ngoài sẽ làm tổn thương rất nhiều người mà khách hàng không thể hình dung và lường trước trong lúc mâu thuẫn còn đang dâng cao và không thể kiểm soát được cảm xúc, hành động của mình.
Vì vậy, Luật sư không thể trực tiếp đứng ra để đòi lại quyền lợi cho cháu bé mà chỉ là người tư vấn, hướng dẫn cho người phụ nữ cách tự bảo vệ, tự đấu tranh. Nếu Luật sư trực tiếp ra mặt đòi quyền lợi, nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, mà cuối cùng đứa trẻ chính là người gánh chịu hậu quả, là người thiệt thòi nhất. Đây là cách tiếp cận đơn giản mà hiệu quả nhất mà LS. Tiền muốn chia sẻ đến cho mọi người.
Ngoài ra, LS. Trần Xuân Tiền lưu ý thêm rằng, vấn đề định hướng tư tưởng, nhận thức cho khách hàng cũng là trách nhiệm của Luật sư trong các vụ việc như trên. Lúc đó khách hàng chỉ có mong muốn duy nhất là Luật sư cố vấn sao cho đứa con được đảm bảo lợi ích tối đa, thậm chí có thể bất chấp làm mọi việc miễn sao đạt được mục đích của mình. Do đó, người tư vấn cần có cái nhìn khách quan, đa chiều để phân tích cho họ hiểu rằng: trách nhiệm trong chuyện này không hoàn toàn thuộc về người đàn ông mà thuộc về cả hai người; hơn nữa, trong cuộc sống việc gây ra lỗi lầm là điều không thể tránh khỏi, nhằm định hướng cho khách hàng biết cách ứng xử, biết đại lượng, vị tha và thông cảm cho đối phương, nhận một phần lỗi về mình để cố gắng, nỗ lực hơn, không ích kỷ mà đổ lỗi lầm thuộc về người đàn ông, để rồi bất chấp, dùng mọi thủ đoạn đòi quyền lợi cho đứa trẻ. Luật sư là người vừa đảm bảo lợi ích cho khách hàng nhưng không hề chạy theo yêu cầu của họ mà cần đánh giá tính đúng, sai của vụ việc để nhắc nhở họ luôn có thái độ tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật, giá trị đạo đức, giá trị con người và sống sao cho lịch sự, tử tế.
Bên cạnh đó, Luật sư trong các vụ việc mâu thuẫn như trên trước hết phải luôn ưu tiên hướng dẫn để hai bên tự giải quyết, xử lý các vướng mắc với nhau; tư vấn cách thức để họ tự bảo vệ mình, động viên và giải thích các bước giải quyết cho khách hàng, phải làm sao để “lạt mềm buộc chặt”, đảm bảo quyền lợi cả về mặt kinh tế, pháp luật; sau đó nếu không thể giải quyết trong phạm vi gia đình thì Luật sư mới thay mặt để nói chuyện, phân tích, khuyên nhủ; nếu đã thực hiện các phương án trên mà không thể hóa giải vấn đề mới tính đến phương án cuối cùng là nhờ Tòa án giải quyết. Do đó, quyền lợi của đứa trẻ có được bảo vệ hay không, nghĩa vụ của người cha có thực hiện hay không đều phụ thuộc rất lớn vào cách giải quyết khéo léo, tài tình, thấu tình đạt lý của người Luật sư.
Qua câu chuyện này, thông điệp mà Luật sư Trần Xuân Tiền muốn gửi gắm đến cho những ai đã, đang và sẽ trở thành Luật sư đó là: “Nghề Luật sư phải là hoạt động sáng tạo, cho con người và vì con người”. Thông điệp này đã truyền tải được những giá trị nhân văn cao quý nhất, đáng tự hào nhất và thành công nhất của nghề Luật sư. Cảm ơn những kiến thức thực tiễn vô cùng quý báu mà Luật sư Trần Xuân Tiền đã chia sẻ cho chúng tôi. Đây sẽ là động lực lớn giúp chúng tôi có thêm niềm tin và vững bước trên con đường phấn đấu để trở thành người Luật sư vừa có kiến thức, vừa có đạo đức như bản thân vẫn luôn mong muốn.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết – CTV pháp lý: Lương Lệ Mai
SĐT: 0362616926
Email: mmaivk22@gmail.com