Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, ngành xây dựng cũng đang có những bước tiến không ngừng, nhưng bên cạnh sự phát triển, lại tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Nhiều sự cố, tai nạn diễn ra liên quan đến sập đổ công trình ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, thậm chí, nhiều vụ sập đổ công trình gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người dân đã bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tế trong quá trình hoạt động, Văn phòng luật sư Đồng Đội cũng tiếp nhận, hỗ trợ nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực lao động nói chung, tai nạn lao động nói riêng. Trong đó có một vụ việc, người thi công công trình đã bị khởi tố hình sự do những bất cẩn khi thi công móng nhà làm sập nhà hàng xóm, gây thiệt hại về tài sản và thương vong về người. Cái giá phải trả cho sự bất cẩn là bản án 5 năm tù và số tiền bồi thường thiệt hại lên đến hơn 1 tỷ đồng. Nhưng éo le hơn, hoàn cảnh gia đình của người này vô cùng khó khăn và không có tài sản để thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
Nội dung vụ việc như sau:
Bà H (Quốc tịch Mỹ) là chủ sở hữu thửa đất tại số nhà 298 đường THĐ, đã làm thủ tục ủy quyền cho chồng – ông C thay mặt bà H ký hợp đồng quản lý, xây dựng ngôi nhà và thực hiện các nghĩa vụ đóng thuế, đóng góp các khoản tiền khác liên quan đến bất động sản này.
Ngày 29/11/2016, ông C ký hợp đồng tư vấn thiết kế với công ty TNHH Tư vấn và xây dựng PLT để lập hồ sơ thiết kế xây dựng công trình và làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng. Sau khi hoàn thành các thủ tục, ông C đã thỏa thuận miệng thống nhất với ông A (không có giấy phép xây dựng) thi công xây dựng nhà tại số 298 đường THĐ, với giá thực hiện hợp đồng là 830.000 đồng/m2 (giá trị nhân công).
Sau đó, ông A đã chỉ đạo xây khung sắt, đào hố móng và đổ bê tông được 04 trụ móng ở phần giáp đường MXT. Trong quá trình xây móng, ông A nhận thấy kết cấu nhà 296 không được giằng móng, nền đất yếu và đã thảo luận lại với ông C về việc đào hố móng cạn hơn thiết kế là 20cm. Tuy nhiên, ông A lại không áp dụng các biện pháp thi công chống vách hố đào, thi công tường chắn đất, chống sạt lở, lún, biến dạng công trình ngầm liền kề theo quy định tại mục 4.2.23 TCVN 4447:2012: “Khi đào hố móng công trình, đào hào ngay bên cạnh hoặc đào sâu hơn mặt móng của những công trình đang sử dụng (nhà ở, xí nghiệp, công trình, hệ thống kỹ thuật ngầm…) đều phải tiến hành theo đúng quy trình công nghệ trong thiết kế thi công, phải có biện pháp chống sụt lở, lún và làm biến dạng những công trình lân cận và lập bảng vẽ thi công cho từng trường hợp cụ thể.”
Và hậu quả của việc thi công thiếu trách nhiệm trên là vào ngày 20/04/2017 nhà số 296 bị sụp đổ hoàn toàn, chủ nhà là ông D chết trên đường đi cấp cứu, hai công nhân xây nhà là anh E và chị F bị thương nhẹ, nhà số 294 và hệ thống lưới điện tại hiện trường bị hư hỏng nặng.
Vụ án đã được đưa ra xét xử, theo đó bị cáo A phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại điểm c khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt 05 năm tù. Bên cạnh đó, bị cáo A cùng vợ chồng ông C bà H phải liên đới bồi thường thiệt hại cho các bị hại theo quy định tổng số tiền là 2.889.049.843 đồng (chia phần mỗi bên là 1.444.525.000 đồng). Vợ chồng ông C, bà H đã thực hiện xong phần nghĩa vụ của mình, tuy nhiên ông A, bởi hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên không có điều kiện thi hành án (có tài sản nhưng không đủ để thi hành nghĩa vụ bồi thường liên đới). Do vậy, Cục thi hành án tỉnh K đã yêu cầu kê biên tài sản là quyền sử dụng đất được Nhà nước giao đất đối với thửa đất 257, tờ bản đồ số 12, diện tích 90,76m2 cùng với tài sản trên đất của bà H tọa lạc tại 298 đường THĐ để thi hành án.
Đối với yêu cầu của Cục thi hành án tỉnh K, ông C – bà H đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm với lý do ông bà không đồng ý về việc Cục thi hành án dân sự tỉnh K yêu cầu ông bà thực hiện nghĩa vụ bồi thường phần liên đới của ông A khi ông A không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Bà H còn vô cùng bức xúc khi cho rằng các cơ quan nhà nước, trong đó có cả Cục thi hành án dân sự đang có sự phân biệt đối xử với người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh K yêu cầu ông C, bà H buộc phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thay phần của ông A khi chưa xác định rõ tổng giá trị tài sản của ông A là bao nhiêu và khả năng thực thi ra sao là hết sức vô lý, chưa đánh giá khách quan toàn bộ vụ việc và tình hình, hoàn cảnh thực tế của các bên.
Trong quá trình Văn phòng luật sư Đồng Đội (được ủy quyền bởi bà H đang sinh sống tại Mỹ) nghiên cứu hồ sơ, hỗ trợ bà H giải quyết vụ việc, ngày 12/5, giữa các bên đã có buổi hoà giải tại Cục THADS tỉnh K. Tại buổi hoà giải, qua trao đổi với gia đình bị cáo, chúng tôi được biết, ông A đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn: vì trình độ văn hoá không cao (6/12) nên hiện nay mặc dù đã 54 tuổi nhưng ông A vẫn phải chật vật mưu sinh với nghề thợ xây để kiếm thu nhập trang trải sinh hoạt cho gia đình. Gia đình ông có bốn người con (lớn nhất sinh năm 1989, nhỏ nhất sinh năm 1997), nhưng cả bốn người và một người con dâu đều bị khuyết tật. Bởi vậy, rất khó để ông A có thể thi hành nghĩa vụ bồi thường 1.444.525.000 đồng cho các bị hại theo bản án phúc thẩm.
Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, cũng như cảm nhận được thiện chí của vợ chồng ông A trong vấn đề bồi thường, Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội nhận sự ủy quyền từ bà H) nhận thấy việc làm đơn đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm mà Toà án đã tuyên là không cần thiết, chỉ làm phức tạp thêm vấn đề và tốn thời gian cho các bên. Thay vào đó, cần giải quyết nhanh chóng nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại bằng cách đề nghị ông C – bà H cùng thực hiện nghĩa vụ bồi thường với gia đình bị cáo. Điều này không chỉ giúp nhanh chóng kết thúc việc thi hành bản án, đảm bảo quyền lợi cho các bị hại, kịp thời chia sẻ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình của họ cũng như đối với hoàn cảnh hiện tại của gia đình ông A. Đồng thời, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cũng là một căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm án tù cho ông A.
Do đó, trong biên bản làm việc ngày 12/5/2022, ông C và bà H, thông qua người đại diện là Luật sư Trần Xuân Tiền, đã đề nghị chấp hành viên Cục thi hành án dân sự tỉnh K làm việc, trao đổi trực tiếp để ông A và gia đình có trách nhiệm thực hiện phần bồi thường liên đới còn lại trong khả năng của mình. Số tiền còn lại sẽ do ông C, bà H nộp thay ông A và vợ chồng ông bà cũng không yêu cầu ông A phải trả lại số tiền ông bà trả thay.
Từ vụ việc thực tiễn nêu trên, Luật sư cho rằng, đối với những vụ việc đáng tiếc xảy ra do sự bất cẩn, thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật kéo theo hậu quả nghiêm trọng là làm chết người, điều quan trọng nhất là cần có sự thông cảm, thấu hiểu cho nhau, tạo điều kiện để các bên thương lượng, tránh gia tăng xung đột lợi ích và làm xấu đi tình hình hiện tại. Bởi, vụ việc đã xảy ra cũng không thể cứu vãn, người mất cũng không thể sống lại, có làm khó nhau cũng không giải quyết được vấn đề gì. Thay vào đó, các bên cần có biện pháp giải tỏa được tư tưởng, thông qua hòa giải để chia sẻ về sự không may mắn, giúp họ vơi đi nỗi đau của người đã mất để “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Trong đó, Luật sư là người có vai trò quan trọng nhất trong việc hoá giải xung đột lợi ích giữa các bên, hướng tới giải quyết vụ việc một cách nhân văn, hài hoà, hợp tình hợp lý.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, nhất là đối với vấn đề thi công công trình xây dựng liền kề với bất động sản khác. Việc lựa chọn nhà thầu thiếu chuyên môn, kinh nghiệm cũng như không tuân thủ các yêu cầu đảm bảo an toàn trong quá trình thi công có thể để lại hậu quả khôn lường, thậm chí là trả giá quá đắt bằng việc đánh đổi bằng bản án tù giam và số tiền bồi thường khổng lồ.
Vì vậy, bài học từ vụ việc nêu trên đó là, đối với việc thi công công trình xây dựng nói chung, nhà ở nói riêng cần lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng cũng như có uy tín, tinh thần trách nhiệm để tiến hành thi công an toàn. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu cần phối hợp giám sát quá trình xây dựng, nghiệm thu từng giai đoạn để đảm bảo an toàn cũng như đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của từng bên trên phương diện pháp lý, các bên nên ký kết hợp đồng thi công xây dựng nhà ở. Bên cạnh những điều khoản về thiết kế, tiến độ thi công, các bên cần chủ động thỏa thuận về các điều khoản an toàn lao động, vệ sinh lao động và trách nhiệm cụ thể của từng bên khi có vấn đề xảy ra đối với công trình xây dựng và công trình liền kề.
Ngoài ra, trước khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư cùng với nhà thầu nên tiến hành khảo sát địa chất và các công trình liền kề trong phạm vi thi công một cách kỹ càng, lập bản thiết kế để đảm bảo sự an toàn cho các công trình liền kề, hạn chế vấn đề sụt lún, sạt lở đất, tránh gây thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Khi xuất hiện nguy cơ xảy ra sự cố bất thường ảnh hưởng đến chính công trình đang xây dựng cũng như các công trình liền kề, chủ đầu tư phải tạm ngừng thi công và đánh giá hiện trạng tác động để đưa ra kết luận về việc tiếp tục tiến hành thi công có đảm bảo an toàn không. Nếu kết quả đánh giá là không an toàn cho công trình xây dựng và các công trình liền kề, thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải dừng việc xây dựng, khắc phục những vấn đề gây nguy hiểm hoặc gỡ bỏ công trình đang xây dựng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của những chủ sở hữu bất động sản liền kề.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi