Trộm cắp tài sản là tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu được quy định khá sớm trong pháp luật hình sự ở nước ta. Trong Bộ luật Hồng Đức hay còn gọi là Quốc Triều Hình Luật – bộ luật chính thống và quan trọng nhất của triều đại nhà Lê nước ta, đã quy định 29 Điều về tội trộm cắp tài sản, và tùy vào mức độ phạm tội mà các hình phạt áp dụng có thể là xử chém, xử tội đồ (khổ sai), xử tội biếm (hạ tư cách), phải bồi thường,… và không chỉ ng thực hiện hành vi trộm cắp và có thể người thân, người chứa chấp kẻ phạm tội cũng bị xử tội, đồng thời hình phạt đối với kẻ trộm cắp lần đầu có sự khác biệt với kẻ trộm có tiếng, tái phạm. Hiện nay, tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều luật đã mô tả cụ thể hành vi, thủ đoạn phạm tội và hình phạt đối với người phạm tội. Quy định này cũng nằm trong chương về các tội xâm phạm sở hữu, được xếp ngay sau chương các tội về xâm phạm an ninh quốc gia và các tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh sự, nhân phẩm, quyền sự do con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Từ đó, thấy được đây là tội phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại to lớn đến quan hệ sở hữu tài sản của các cá nhân và tổ chức.
Hành vi trộm cắp tài sản của người khác đã xuất hiện từ lâu đời và việc người dân bắt quả tang kẻ trộm cắp đã không còn xa lạ trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, bắt trộm như thế nào cho đúng, tuân thủ các quy định pháp luật lại không phải là việc dễ dàng. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp vì bắt trộm mà lại đi tù gây xôn xao dư luận. Có thể điểm qua một số vụ việc như sau:
Vụ việc đầu tiên diễn ra tại tỉnh Bến Tre. Khoảng 2 giờ 30 sáng 21-1-2014, cha con anh Nguyễn Văn Trình (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre) phát hiện Phạm Văn K. (sinh năm 1999) đột nhập vào tiệm tạp hóa của gia đình. Do không biết số điện thoại của công an nên ngay sau khi bắt em K., Trình có gọi điện thoại cho ông Lê Nguyên Luyến (Trưởng ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình) để báo vụ việc. Trình gọi đến ba lần nhưng ông Luyến không nghe máy. Thế là cha con anh Trình bèn neo giữ em K. lại và tra hỏi: “Mày con ai?”. Do K. không nói nên Trình nắm hai tay của K. ra sau, dẫn ra ngoài cửa tiệm và trói K. vào gốc cây. Tiếp tục hỏi K. là con ai nhưng K. vẫn không trả lời nên Trình lấy dây trói hai chân K. rồi lấy dây cột vào sợi dây trói hai tay K., đầu dây kia vắt qua nhánh cây rồi kéo lên hạ xuống nhiều lần. Đến khi K. khai mình là con của ai, từng vào tiệm lấy trộm bốn lần thì Trình không kéo lên hạ xuống nữa. Đến 4 giờ 40 sáng, Trình tiếp tục gọi điện thoại báo cho ông Luyến trưởng ấp, lần này thì ông đến đưa tên trộm về trụ sở ấp làm việc. Nhưng rồi sau đó, thay vì xử lý, giáo huấn tên trộm (vì tên trộm này chưa thành niên), người ta lại đi khởi tố, truy tố anh Trình tội bắt giữ người trái pháp luật, cha anh cũng bị xem là đồng phạm, tuy nhiên quá trình điều tra ông đã uất ức treo cổ tự tử. Xử sơ thẩm ngày 10-9, dù khẳng định việc bắt người phạm tội quả tang là đúng, TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre) vẫn tuyên phạt bị cáo Trình sáu tháng cải tạo không giam giữ về tội giữ người trái pháp luật. Anh Trình kháng cáo vì cho rằng mình vô tội. Sáng 4-1-2016, TAND tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm lưu động đối với vụ án này đã bác kháng cáo của anh Trình. HĐXX nhận định, xét kháng cáo, dù bị cáo không thừa nhận hành vi, nhưng lời khai tại cơ quan điều tra phù hợp với tình tiết vụ án. Bị cáo đã cố ý giữ bị hại để đánh trói, tra hỏi. Hành vi của bị cáo là trái quy định pháp luật. Kháng cáo của bị cáo là không có cơ sở, cần giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 6 tháng cải tạo không giam giữ.
(Hình ảnh mang tính chất sưu tầm, minh họa)
Ở vụ việc trên, cha con anh Trình đã bắt giữ tên trộm, nhưng sau đó, đã thực hiện hành vi đánh trói, tra hỏi. Vì vậy, đã xâm phạm đến quyền con người của tên trộm nên đây được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cả anh Trình và cha của mình đều không nhận thức được điều đó, dẫn đến cha anh Trình cảm thấy uất ức mà treo cổ tự tử.
Vụ việc thứ hai là việc kẻ trộm chỉ bị phạt hành chính còn người bắt trộm bị phạt tù. Theo đó, lúc 0 giờ ngày 13-9-2019, anh Nguyễn Văn Kiếm ở ấp Tân Tạo (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) đi kiểm tra thì phát hiện có trộm đặt rập cua (bẫy cua – PV) trong vuông tôm của mình. Do bị mất cua nhiều lần nên anh Kiếm huy động người dân gần nhà tổ chức canh bắt trộm, trong đó có em ruột là bị cáo Đấu. Đấu núp trong một bụi rậm, cách nơi có rập cua lạ 16 m, những người khác núp bên kia bờ vuông, cũng trong những bụi rậm, lùm cây. Khoảng 1 tiếng sau, bà Hồ Thị Thạch là hàng xóm sống gần đó xuất hiện, đi đến đúng chỗ rập cua lạ, kéo rập cua lên. Đấu phóng ra từ bụi rậm, đánh bà Thạch một cây vào lưng. Bà Thạch bỏ chạy khoảng 6 m thì vấp té vào đám dừa nước. Đấu bỏ cây, khóa tay, đè bà Thạch xuống đất khống chế. Bà Thạch kêu lớn để chồng chạy ra. Những người bên kia bờ vuông cùng canh bắt trộm với Đấu cũng lội kênh qua. Bà Thạch được thả ngay khi mọi người đến, không có đánh đập thêm. Phía anh Kiếm báo công an đến xử lý vụ trộm. Bà Thạch bị xử phạt hành chính về tội trộm. Tuy nhiên, bà Thạch cũng tố giác việc Đấu đánh bà. Sau đó, Đấu bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Tháng 3-2021, TAND huyện Cái Nước xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo một năm tù. Bản án sau đó bị tòa phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại. Xử sơ thẩm lần hai vào tháng 6-2022, TAND huyện Cái Nước giữ nguyên mức án một năm tù đối với bị cáo Đấu. Bị cáo kháng cáo, yêu cầu giám định lại thương tích của bị hại và xin cho bị cáo được hưởng án treo. Bị cáo cho rằng chỉ dùng cây tre đánh bị hại một cái vào lưng nên không gây ra thương tích 21%. Bị hại Thạch không kháng cáo nhưng có đơn thể hiện ý kiến đối với kháng cáo, yêu cầu tăng án đối với bị cáo, làm rõ hành vi phạm tội của người liên quan là anh Kiếm và minh oan hành vi trộm của bị hại.
Vụ việc thứ ba có thể kể đến là vụ việc xảy ra tại Thành phố Hà Nội. khoảng 1h sáng 30/12/2021, Hải đang ở nhà thì thấy Nguyễn Văn Q (SN 1970, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đến trước cổng nhà Cường bắt trộm chó. Do nhà Cường ở đối diện nhà Hải nên khi nhìn thấy chó nhà hàng xóm bị chết do ăn phải bả, Hải đã gọi điện thoại báo cho Cường biết. Thấy vậy, Cường sang nhà Hải để hỏi chuyện thì phát hiện thêm một con chó khác của nhà mình cũng đã chết. Sau khi biết Q trộm chó, Cường và Hải bàn nhau chờ Q quay lại lấy chó sẽ đóng cửa cổng để bắt trộm. Trong lúc chờ Q quay lại lấy hai con chó đã chết, Hải đưa cho Cường thanh gậy gỗ dài. 20 phút sau, Q đi xe máy quay lại và vào thẳng cổng nhà Cường nhặt chó đặt lên khung xe phía trước. Lúc này, Cường cầm thanh gậy gỗ đứng chặn cổng, Hải chạy theo sau đóng cửa lại, không cho Q đi ra. Cùng với tiếng hô “trộm, trộm”, Cường dùng gậy gỗ vụt liên tiếp vào đầu Q khiến anh này ngã xuống đường. Thấy Q nằm gục dưới đất, Hải lấy dây trói lại rồi báo Công an.
(Ảnh mang tính chất sưu tầm và minh họa)
Khoảng thời gian đó, Cường vào nhà lấy dây xích chó ra để tiếp tục trói Q thì thấy nạn nhân nằm bất tỉnh, không thở nữa. Thấy vậy, Cường kéo Q dựa vào hàng rào tôn bên đường, xoa ngực Q, đồng thời điện thoại báo Công an và gọi cấp cứu. Khi cơ quan Công an đến nơi thì Q đã tử vong. Ngày 30/12/2021, Cường và Hải bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ. Tại phiên tòa, hai bị cáo Cường và Hải thừa nhận hành vi phạm tội như trên.
Qua những vụ việc trên có thể thấy, những người bắt trộm vì quá bức xúc về thiệt hại tài sản của mình mà đã có những hành động vượt quá việc chỉ bắt trộm như trói, đánh đập, tra hỏi kẻ phạm tội. Những hành vi đó đã xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người phạm tội, xâm phạm quyền tự do, quyền công dân mà pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng, sau khi bắt trộm xong, những người bắt trộm lại bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về những tội như cố ý gây thương tích, giết người, giữ người trái pháp luật… và có thể bị xử phạt tù. Trong khi, người trộm cắp thì lại chỉ bị xử phạt hành chính, phạt tiền hoặc có phạt tù nhưng mức phạt nhẹ bởi giá trị trộm cắp không quá lớn. Từ đó, gây ra cảm giác bất bình, oan ức cho người người bắt trộm mặc dù những người này hoàn toàn không bị oan khi đứng trước các quy định pháp luật.
Gần đây, Văn phòng luật sư Đồng Đội đã tham gia giải quyết một vụ án có tình tiết khá tương tự như các vụ việc được nêu ở trên. Tuy nhiên trong vụ việc này, các bị can, bị cáo không bắt quả tang người thực hiện hành vi trộm cắp như những vụ việc trên. Cụ thể vụ việc như sau:
Khoảng 23 giờ 00 phút ngày 16/12/2023, Nguyễn Văn L điều khiển xe mô tô hiệu Yamaha Exciter, từ nhà mình tại thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đến thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam để đặt bẫy mèo. Khoảng 00 giờ 10 phút, ngày 17/12/2023, L đến thành phố Hội An và đặt bẫy mèo tại nhiều khu vực khác nhau, trong đó L có đặt 02 bẫy mèo gần nhà anh Nguyễn Văn H1 thuộc tổ 4, khối Tu Lễ, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Khi đang đặt bẫy mèo tại đây, L gặp H1 dọn dẹp nhà phía trước thì Luận điều khiển xe bỏ đi đến chợ cá Thanh Hà tiếp tục đặt bẫy mèo tại đây.
(Ảnh mang tính chất sưu tầm và minh họa)
Đến khoảng 01 giờ 00 phút ngày 17/12/2023, sau khi cùng vợ là Đỗ Thị H2 đi dạo về nhà thì H1 phát hiện con chó đang nuôi từ bên ngoài về nhà trên miệng dính 01 vòng nhựa (bẫy mèo), sau khi đi quanh nhà khoảng 5 phút thì con chó bị chết, miệng nôn ra máu và thức ăn. Lúc này, Nguyễn Văn H3 đang nằm trong nhà, thì Hợi vào nói con chó bị bả chết nên đã từ trong nhà ra đến sân nơi con chó nằm chết. Cho rằng L là người đánh bả làm chết chó của mình, H1 đi kiểm tra nơi L đã đứng trước đó thì thấy còn 01 bẫy mèo L còn đặt tại đây, biết L sẽ quay lại lấy bẫy mèo H1 có nói với H3: “Còn một cải bẫy ở ngoài kia, đằng gì nó cũng quay lại”; nghe H1 nói vậy nên H3 cùng H1 ở trong sân nhà chờ L quay lại. Đến 01 giờ 40 phút cùng ngày, Nguyễn Văn L điều khiển xe mô tô theo đường bê tông từ hướng bên phải quay lại trước nhà H1 để gỡ bẫy mèo. Khi L đến gần cổng nhà Hòa thì Hòa cầm lấy 01 cây sắt hình hộp vuông chạy ra đường bê tông chặn xe L lại. Lúc này L đang ngồi trên xe, cả hai cách nhau 1,25m, H1 đứng phía trước đầu xe hơi chếch về phía bên trái xe mô tô, rồi dùng cây sắt mang theo đánh L khiến L và xe mô tô ngã xuống; L bỏ chạy về hướng bên trái cổng nhà H1. Ngay lúc này, H3 từ sân nhà chạy ra cầm theo 01 cây sắt hình chạy ra vị trí L và H1. H1 và H3 mỗi người cầm một cây sắt cùng nhau truy đuổi L từ trước cổng nhà Hòa theo đường bê tông về phía bên trái cổng nhà, khi đến cách cổng trái 16,1m thì L bất ngờ dừng lại làm H1 khụy xuống tư thế quỳ. H1 dùng tay phải cầm thanh sắt đánh ngang từ phải qua trái, trúng vào đầu gối chân phải của L làm L khụy xuống không chạy được nữa; H3 cũng xông đến dùng cây sắt mang theo đánh nhiều nhát vào người L. Lúc này, chị Đỗ Thị H2 chạy đến can ngăn nên tất cả quay lại sân nhà Hòa vào báo Công an phường Cẩm Phô, thành phố Hội An đến giải quyết.
(Ảnh mang tính chất sưu tầm và minh họa)
H1 và H3 đã bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội cố ý gây thương tích quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 48/2024/HS-ST ngày 26/9/2024, Tòa án nhân dân thành phố Hội An đã tuyên xử H1 18 tháng tù giam, H3 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Như vậy, H1 và H3 không bắt tận tay L bỏ bẫy làm chết chó của H1, nhưng vì đã thấy L bỏ bẫy trước đó và con chó chết bất bình thường nên H1 và H3 đã suy đoán là do L đặt bẫy làm chết. Và chính vì vậy, H1 và H3 đã có ý định rình bắt L đồng thời cũng có những hành vi vượt quá mức cần thiết, đánh vào chân, tay, đầu của L, gây ra thương tích 13% cho L. Để rồi, phải chịu bản án về tội cố ý gây thương tích, phải chấp hành bản án, mất đi một số quyền công dân quan trọng. Còn về phần L, tại phiên tòa sơ thẩm, L cũng khai nhận hành vi của mình, L có đặt bẫy, đặt bẫy nhiều lần và có kế hoạch. Vì vậy, hành vi của L là có dấu hiệu và cấu thành tội trộm cắp tài sản. Nhưng tại thời điểm H1 và H3 đánh L thì không có bằng chứng chứng minh cụ thể hành vi đó, nên việc H1 và H3 ra tay đánh L là vi phạm pháp luật và thậm chí, kể cả trong trường hợp bắt quả tang L đang trộm mèo, chó thì H1 và H3 cũng không được phép đánh đập L.
Qua những vụ việc trên, có thể rút ra bài học về việc bắt quả tang những người phạm tội trộm cắp nói riêng và các tội phạm về quả tang nói chung. Khi thực hiện việc bắt quả tang, người dân nên tỉnh táo, bình tĩnh xử lý mọi vấn đề, không vì quá bức xúc bởi những thiệt hại về tài sản mà có những hành vi như trói, đánh đập, tra hỏi,… Mỗi chủ thể tồn tại đều có quyền con người, quyền công dân, và những hành vi trên đã xâm phạm đến các quyền đó mà pháp luật bảo vệ. Vì vậy, bắt trộm cũng cần hành động đúng mực, phù hợp với pháp luật, không quá kích động gây ra những hậu quả xấu, để bản thân không bị vướng vào vòng lao lý một cách “oan ức”, không vì bắt trộm “giả” mà đi tù “thật”.
Nguyễn Thị Thu Vân – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Sdt: 0388302856; Email: nguyenthithuvantb03@gmail.com
Người hướng dẫn: Luật sư Trần Xuân Tiền
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội