Sau khi gửi tiền tại ngân hàng, khách hàng phản ánh tiền trong tài khoản tự nhiên “bốc hơi” mặc dù không phải lỗi của mình, vấn đề này không mới, nhưng để lại những bài học đắt giá về công tác quản lý tài sản gửi giữ.
Trên thực tế, trong các vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng, người dân thường rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và khá bị động. Một số vụ việc điển hình dưới đây là minh chứng cho tình trạng trên.
Vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng đã được xét xử tại TAND TP. Từ Sơn (Bắc Ninh), tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Chúc, yêu cầu Vietcombank bồi thường thiệt hại 700tr đồng. Bà Chúc cho biết trong quá mở tài khoản mới, nhân viên Vietcombank không giải thích, hướng dẫn đọc các tài liệu, quy định trên bảng niêm yết thông tin bắt buộc ở sảnh giao dịch, mà chỉ hướng dẫn điền thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại và ký vào ba chỗ trong tờ hợp đồng mở tài khoản. Vì thế, bà nghe theo đối tượng tội phạm cài đặt phần mềm bảo mật, nên khiến bà bị mất 11,9 tỉ đồng trong tài khoản.
Vụ án được xét xử đối với các trường hợp nhân viên của ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt của khách, TAND TP. Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Đức P (trú tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) 12 năm tù về Tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hay vụ việc gần đây, xảy ra tại Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội): Bà N.T.L. và V.T.K.O là 2 trong 8 nạn nhân (trú tại Hà Nội) bị mất 58,65 tỷ đồng, và 27,7 tỷ đồng trong tài khoản tại MSB CN Thanh Xuân. Được biết việc mất số tiền trên do sự can thiệp của bà H.A giám đốc MSB Thanh Xuân.
Căn cứ theo quy định pháp luật và tình hình thực tiễn từ vụ việc khách mất hàng chục tỉ đồng tại MSB, theo luật sư, cần phải làm rõ hành vi, tư cách, thủ đoạn, mục đích và phương thức thực hiện của cán bộ, nhân viên ngân hàng như thế nào, đến đâu thì mới đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm bồi thường thuộc về cá nhân hay ngân hàng. Vấn đề này sẽ được làm rõ bởi Cơ quan Công an đang giải quyết. Trường hợp, nếu chứng minh được hành vi của bà H.A với vai trò, tư cách là Giám đốc MSB, tức là đại diện ngân hàng, có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì xem xét Tội tham ô tài sản. Khi đó ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với khách hàng do hành vi của bà Giám đốc gây ra, theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Trách nhiệm dân sự của pháp nhân” phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện.
Trường hợp, nếu chứng minh được hành vi của bà H.A với tư cách là cá nhân, không đại diện cho ngân hàng, có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để lừa khách hàng ký vào giấy tờ và thực hiện hành vi lừa đảo tiền thì có thể xem xét về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi đó, sẽ xem xét trách nhiệm của cá nhân bà H.A phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 về “Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại”, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường,…”.
Trường hợp, tài sản của khách hàng bị “bốc hơi” do đối tượng ngoài ngân hàng (có thể do hacker) hoặc cán bộ làm việc trong ngân hàng lừa ngân hàng thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàn thì có thể xem xét ngân hàng với vai trò là bị hại. Do đó, ngân hàng có quyền yêu cầu người này hoàn lại số tiền đã lừa đảo. Mặt khác, khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng phát sinh hợp đồng giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng theo quy định tại Điều 554 Bộ luật dân sự 2015, khi khách hàng mất tiền do bị lừa đảo do lỗi của mình thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trả lại số tiền cho khách hàng vì ngân hàng đã hạch toán số tiền mà khách hàng gửi vào tài khoản theo quy định tại điểm g khoản 2 và Điều 6 Thông tư số 15/VBHN-NHNN ngày 28/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán “Tổ chức cung ứng dịch vụ chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình”.
Như đã đề cập, việc xem xét trách nhiệm của cá nhân trên vi phạm về Tội tham ô tài sản (Điều 353 Bộ luật hình sự) hay Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự) thì cần phải căn cứ vào dấu hiệu tội phạm, và đáp ứng đầy đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm.
Do vậy, cần đặt ra trách nhiệm của cả khách hàng và ngân hàng trong việc gửi giữ tài sản. Về phía khách hàng, khi gửi tiền cần đọc kỹ các thông tin trên hợp đồng tại các điều khoản, và yêu cầu ngân hàng giải thích rõ nếu không hiểu. Thường xuyên kiểm tra, bảo mật, nâng cao trách nhiệm của mình đối với tài sản của mình. Và không nên gửi tiền vào một tài khoản, trong cùng ngân hàng, mà hãy gửi tiền ở nhiều tài khoản mở tại nhiều ngân hàng, nhằm hạn chế việc mất “một cục” trong một số tình huống.
Về phía ngân hàng, cần nâng cao kỹ thuật bảo mật thông tin, tài sản của khách hàng trên các ứng dụng online tránh trường hợp kẻ xấu, hacker, hay nhân viên ngân hàng “rút tiền” của khách hàng; thắt chặt quy trình kiểm soát, chấn chỉnh kỷ luật nội bộ, giảm thiểu rủi ro, sai phạm để tránh gây thiệt hại cho khác hàng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngân hàng./.
Người viết: Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi