Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền được bảo vệ bí mật riêng tư và danh dự là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật liên quan:
Tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn;
- Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”.
Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít người vì thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm mà có các hành vi phát tán thông tin cá nhân trái phép , đưa tin sai lệch nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự người khác.
Ví dụ: Một người dùng trên nền tảng tiktok thường xuyên đăng tải những thông tin sai sự thật về một người dùng có sức ảnh hưởng lớn trên tảng này. Đối tượng đã sử dụng công nghệ chỉnh ảnh ghép mặt của nạn nhân, viết kịch bản dàn dựng để mọi người nhầm hiểu lầm hai người có mối quan hệ yêu đương. Hành vi trên đã làm ảnh hưởng đến tâm lý và công việc của nạn nhân.
Trong bối cảnh này, việc nhận diện và áp dụng các biện pháp pháp lý phù hợp để bảo vệ quyền lợi, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này, là điều hết sức cần thiết. Việc bị xâm phạm bí mật đời tư hoặc bị bôi nhọ danh dự không chỉ gây tổn hại về tinh thần mà còn có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và quyền lợi cá nhân. Vì vậy, nếu không may trở thành đối tượng bị làm nhục trên mạng xã hội, bạn cần phải bình tĩnh để tự bảo vệ mình bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
- Thu thập và bảo lưu chứng cứ về hành vi vi phạm
Bạn nên ghi nhận các thông tin, hình ảnh, bài viết, video hoặc nội dung liên quan đến hành vi vi phạm. Nếu hành vi xảy ra trên mạng xã hội hoặc các nền tảng kỹ thuật số, cần chụp màn hình hoặc lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số kèm thời gian cụ thể. Đây được coi là chứng cứ có yếu tố quyết định để chứng minh hành vi xâm phạm, làm cơ sở khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện, giúp bạn chứng minh rõ ràng hành vi vi phạm và mức độ tổn hại. Bạn nên tới cơ quan công an gần nhất để báo cáo sự việc và đưa ra các bằng chứng để công an có thể nhanh chóng điều tra, xác minh và xử lý sự việc.
- Yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm
Thông qua các biện pháp hòa giải hoặc gửi yêu cầu trực tiếp bằng văn bản đến bên vi phạm, đề nghị chấm dứt hành vi xâm phạm và gỡ bỏ nội dung vi phạm. Đây là bước đầu tiên để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh mâu thuẫn leo thang, đồng thời thể hiện thiện chí trước khi sử dụng các biện pháp pháp lý. Nếu đối phương không dừng hành vi vi phạm, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của Luật sư, gửi cảnh báo pháp lý cho người có hành vi bôi nhọ, trong nhiều trường hợp họ sẽ dừng hành vi vi phạm khi nhận được cảnh báo pháp lý. Thực hiện lưu giữ bằng chứng về việc yêu cầu này (ví dụ: biên bản gửi yêu cầu, email, tin nhắn)
- Báo cáo vi phạm đến nền tảng trực tuyến
Nếu hành vi vi phạm xảy ra trên mạng xã hội, hầu hết các nền tảng này (như Facebook, YouTube, TikTok) đều có cơ chế báo cáo nội dung vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ nội dung đó khỏi nền tảng . Đồng thời, gửi đơn trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền như công an, thanh tra thông tin truyền thông hoặc các cơ quan quản lý mạng. Hành động này đảm bảo hành vi vi phạm được ghi nhận chính thức và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu hậu quả lan rộng.
- Khởi kiện hoặc tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền
Để bảo đảm sự can thiệp của pháp luật, giúp chấm dứt hành vi vi phạm và xử lý kịp thời người có hành vi vi phạm. Bạn có thể làm đơn khiếu nại/tố cáo gửi đến các cơ quan như:
- Làm đơn tố cáo tới cơ quan công an nếu hành vi vi phạm mang tính chất nghiêm trọng (đe dọa tính mạng, phát tán thông tin cá nhân trái pháp luật) theo Điều 155, 159, 288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
- Làm đơn khởi kiện dân sự tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi cư trú của bị đơn (người vi phạm) nếu bạn muốn yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất ( ảnh hưởng tới thu nhập, công việc,…) và tinh thần (theo quy định pháp luật) theo Điều 584, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Đây là biện pháp mạnh mẽ nhằm buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù thiệt hại cho người bị hại, đồng thời tạo sự răn đe với xã hội.
- Công khai minh oan hoặc khôi phục danh dự
Yêu cầu bên vi phạm công khai xin lỗi, cải chính thông tin hoặc có hành động khôi phục danh dự thông qua các kênh truyền thông tương ứng với phạm vi lan truyền của hành vi xâm phạm. Bạn có thể yêu cầu thông qua thỏa thuận hòa giải hoặc tại tòa án nếu không đạt được sự đồng thuận. Biện pháp này không chỉ khôi phục danh dự mà còn góp phần lấy lại uy tín, niềm tin từ cộng đồng, xã hội đối với bạn và ngăn chặn việc tiếp tục lan truyền thông tin sai lệch.
Trong các trường hợp bị xâm phạm bí mật riêng tư và bôi nhọ danh dự, các chủ thể cần hành động nhanh chóng và sử dụng đúng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, người bị hại cần lựa chọn phương pháp phù hợp, kết hợp nhiều biện pháp để đảm bảo quyền lợi của mình được bảo vệ một cách tối ưu. Đối với những người sử dụng mạng xã hội, khi tiếp nhận thông tin cần kiểm tra tính xác thực của nguồn tin bằng cách ưu tiên những thông tin đến từ các cơ quan báo chí chính thống, tổ chức uy tín hoặc chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, tránh tin tưởng các nội dung được đăng tải bởi tài khoản ẩn danh hoặc không rõ danh tính. Đồng thời, không nên vội vàng chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt là các thông tin gây sốc hoặc có khả năng gây hoang mang. Người dùng nên đọc kỹ nội dung, cân nhắc tính hợp lý và kiểm tra thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trước khi chia sẻ để tránh vô tình lan truyền tin giả, gây hại đến người khác và cộng đồng.
Thực hiện: Nguyễn Huyền
SDT: 0396914604
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi