Câu hỏi: Nhờ Luật sư tư vấn giúp e ạ. Em và chồng cũ đã li hôn. Con em ở với bố và ông bà nội. Trước giờ em vẫn lo lắng chu cấp cho con em đầy đủ. Em vẫn thi thoảng đón con đi lại. Giờ ông bà nội bé biết em sắp đi bước nữa thì gây hấn với em, không cho em đón con nữa. Vậy giờ em phải làm sao ạ.
Trả lời vấn đề của bạn, Luật sư tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 83 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ chăm nom còn mà không ai được cản trở.
Hơn thế nữa, tại Khoản 2 Điều 83 Luật này cũng chỉ rõ Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc chăm nom, chăm sóc, nuôi dướng giáo dục con.
Vì vậy, bạn hoàn toàn có quyền chăm nom con mà bố bé hay ông bà nội bé không được cản trở việc này.
Hành vi ngăn cản, cản trở việc chăm nom này còn thuộc trong các hành vi bạo lực gia đình khi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa mẹ và con theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007.
Nếu bạn không thuộc trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án mà ông bà nội bé có hành vi ngăn cản, cản trở việc thực hiện quyền chăm nom, chăm sóc bé của bạn thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Để đảm bảo quyền của mình, bạn có thể thỏa thuận, bàn bạc lại với bố của bé về hành vi cản trở của ông bà nội để hai bên có biện pháp khắc phục. Nếu bố bé không đồng ý và cũng có hành vi ngăn cản thì bạn có thể tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con với cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân để cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
Bên cạnh đó, sau khi đã bàn bọc, thảo luận với bố của bé và ông bà nội bé nhưng họ vẫn cản trở việc bạn thăm nom con, bạn có thể làm đơn khởi kiện đòi thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Nếu con của bạn đã đủ 7 tuổi thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con Tòa sẽ xem xét nguyện vọng của bé theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Từ những quy định trên, trong trường hợp ông bà nội bé vẫn tiếp tục có hành vi cản trở bạn thăm con thì bạn có thể báo với cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hoặc có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Nếu bạn muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con thì hãy chắc chắn rằng điều đó có lợi cho sự phát triển toàn diện của bé. Theo bạn trình bày, bạn sắp đi bước nữa nên nếu muốn nuôi con hãy đảm bảo rằng bạn có đủ điều kiện để bé có môi trường phát triển tốt về tâm sinh lý vì đối với những đứa trẻ sống trong gia đinh ly hôn tồn tại những tổn thương nhất định. Vì vậy, nếu bạn có thể mạng lại cho bé cuộc sống đầy đủ tình yêu thương của cả bố và có lợi cho sự phát triển của bé thì hãy thực hiện yêu cầu thay đổi người nuôi con.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Bài viết trên thuộc bản quyền của Văn phòng Luật sư Đồng Đội, đề nghị cá nhân, tổ chức khi sử dụng cần trích rõ nguồn. Xin cảm ơn!
Người viết: Lê Thị Lan Anh