Khi nào người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng
Một vụ án dân sự không chỉ đơn thuần chỉ có hai bên nguyên đơn và bị đơn mà còn có chủ thể khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án gọi là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Việc đưa những người này vào quá trình giải quyết vụ án sẽ góp phần bảo đảm được tính khách quan cũng như quyền lợi của chính họ và các đương sự khác.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Như vậy theo quy định trên thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng khi có đề nghị của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác hoặc do chính người đó có yêu cầu; hoặc trường hợp Tòa án đưa họ tham gia khi xét thấy việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ. Do đó, nếu từ ban đầu chỉ xác định người tham gia tố tụng bao gồm nguyên đơn và bị đơn, đến giai đoạn xét xử mới phát hiện cần đưa thêm người khác tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì HĐXX sẽ ra quyết định bổ sung người tham gia tố tụng, cụ thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Có phải bắt buộc thông báo cho những người tham gia tố tụng khác khi bổ sung người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành và các văn bản pháp lý liên quan không có quy định bắt buộc về việc thông báo việc bổ sung người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết vụ án dân sự, khi bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Tòa án vẫn ra Thông báo gửi đến các đương sự khác bởi việc bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của nguyên đơn, bị đơn… Ví dụ trong trường hợp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập với bị đơn, thì thông báo việc bổ sung để nguyên đơn, bị đơn có bác hay chấp thuận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… Có thể tham khảo Thông báo về việc bổ sung người tham gia tố tụng của TAND tỉnh Tuyên Quang dưới đây.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung phiên họp. Thành phần tham gia phiên họp bắt buộc phải có đương sự theo quy định tại Điều 209 Bộ luật tố tung dân sự. Do đó, thông qua phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự, những người tham gia tố tụng sẽ biết được thành phần tham gia phiên họp.
Khi bổ sung, thay đổi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tiến trình giải quyết vụ án dân sự như thế nào?
Trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn yêu cầu độc lập
Để đảm bảo quyền lợi cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn hoặc bị đơn của vụ án (Điều 73 và Điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự). Theo đó, nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện sau: Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn thì yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ được Tòa án chấp nhận.
Theo Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự, thủ tục yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giống với thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Do đó, Tòa án phải thụ lý bổ sung đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nếu chấp nhận yêu cầu này và tiến trình giải quyết vụ án sẽ quay lại giai đoạn chuẩn bị xét xử: mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Mục đích của việc mở một phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải với sự có mặt của các đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là nhằm mục đích bảo đảm mọi chứng cứ đều được công khai (trừ trường hợp không được phép công khai) trong quá trình tố tụng và để các bên thương lượng, thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp.
Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập
Trong trường hợp này, sự tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia cùng nguyên đơn hoặc bị đơn. Do đó, Tòa án không phải thụ lý bổ sung. Tuy nhiên, tiến trình giải quyết vụ án dân sự cũng phải quay lại giai đoạn chuẩn bị xét xử: từ việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải để người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia, biết được về các tài liệu chứng cứ, cũng như nêu ý kiến của mình về các tài liệu chứng cứ, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Điều 70, Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Như vậy, dù có yêu cầu độc lập hay không, thì Thẩm phán phải gửi Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nếu đã được thông báo mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, các đương sự khác đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp và thông báo việc hoãn phiên họp, việc mở lại phiên họp cho đương sự theo quy định tại khoản 3 Điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự.
Thay đổi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi nào?
Cá nhân tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể bị thay đổi trong trường hợp họ chết. Căn cứ Khoản 1 điều 74, Bộ luật Tố tụng dân sự, trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng. Theo đó, để xác định người thừa kế cần căn cứ khoản 1 điều 651 Bộ luật dân sự năm.
Nếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang tham gia tố tụng chết mà chưa có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo điểm a khoản 1 điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trường hợp xác định được người thừa kế tham gia tố tụng thì Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 216 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trường hợp quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng không thừa kế được thì Tòa vẫn tiếp tục giải quyết vụ án dân sự mà không có sự tham gia của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bởi theo quy định tại Điều 217, chỉ trong trường hợp đương sự là nguyên đơn hoặc bị đơn chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế thì vụ án mới bị đình chỉ giải quyết. Nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà chết không có người thừa kế thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Tham khảo hướng dẫn của TANDTC tại Công văn 02/TANDTC năm 2021 giải đáp vướng mắc trong xét xử về trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với phần yêu cầu độc lập đã rút.)
Tuy nhiên, việc bổ sung, thay đổi người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như thế nào cũng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, đúng sự thật khách quan. Trong thực tế, có không ít vụ án dân sự, Tòa án xác định sai, xác định thừa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án. Nếu xác định sai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bản án đã xét xử có thể bị hủy để xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Còn nếu xác định thừa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì sẽ gây mất thời gian, công sức đối với họ, do đó Tòa cần ra thông báo xác định lại thành phần đương sự. Do vậy, Tòa án cần phải hết sức thận trọng khi xác định người tham gia tố tụng nói chung, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nói riêng.
Ví dụ một vụ án dân sự mà Tòa cần phải ra quyết định bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đây là vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa nguyên đơn là Ngân hàng B và bị đơn là bà Phạm Thanh H. Nội dung vụ án như sau:
Cuối tháng 6/2019, do cần tiền cho con trai đi xuất khẩu lao động, bà Nông Thị L. đã vay bà Phạm Thanh H. số tiền 496.000.000 đồng thành nhiều lần, lãi suất 2.500 đồng/1.000.000 đồng/ngày. Thỏa thuận vay tiền là thỏa thuận miệng. Bà H. đề nghị không cần lập hợp đồng vay tiền mà chỉ cần ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Do tin tưởng nên bà L. đã thực hiện theo đề nghị này của bà H.
Ngày 01/7/2019, bà H. và bà L. đến văn phòng công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với thửa đất số 55, tờ bản đồ số 27, diện tích 87 m2, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ bà Nông Thị L. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bà H. hứa sẽ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà L. khi bà L. trả hết nợ. Sau đó, bà H. và bà L. còn ký hợp đồng thuê nhà để bà L. tiếp tục sinh sống tại căn nhà trên đất đã được chuyển nhượng cho bà H. theo hợp đồng chuyển nhượng.
Tuy nhiên, bà H. tự ý sang tên thửa đất và đến ngày 31/7/2019, bà L tiếp tục ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng B chi nhánh Cao Bằng để vay số tiền 1.200.000.000 đồng. Do không thực hiện được nghĩa vụ trả khoản vay, bà H. bị Ngân hàng B khởi kiện, yêu cầu thanh toán toàn bộ tiền gốc và lãi, nếu không trả được thì yêu cầu Tòa án xử lý tài sản thế chấp, và buộc bên đang sử dụng tài sản là bà L di dời để bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý thu hồi nợ.
Trong quá trình giải quyết vụ án, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà L., Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội nhận thấy Hội đồng xét xử đã có sai phạm trong tố tụng khi đưa thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vào vụ án. Cụ thể, tài sản tranh chấp trong vụ án là quyền sử dụng đất thửa đất số 55, tờ bản đồ số 27, diện tích 87 m2, được Sở tài nguyên và môi trường Cao Bằng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Nông Thị L. Tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ bà L. bao gồm bà L. và ông Nông Văn M. – con trai bà L. Như vậy, Tòa phải xác định bà L. và anh M. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Việc xác định người tham gia tố tụng của Tòa án như ban đầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của anh M. bởi anh M. – đồng sở hữu quyền sử dụng đất thửa đất trên. Việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; hợp đồng thế chấp, hay việc xử lý tài sản thế chấp đều ảnh hưởng đến quyền lợi của anh M. Hơn nữa, việc bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh M. còn có ý nghĩa để Tòa án xem xét hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng thế chấp là vô hiệu do tài sản chuyển nhượng, thế chấp thuộc sở hữu chung. Do đó, luật sư đã hướng dẫn bà L. làm đơn yêu cầu bổ sung người tham gia tố tụng là anh Nông Văn M. tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư cũng đề nghị Tòa bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến vấn đề bổ sung, thay đổi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho mọi người.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdo
Người viết: Nguyễn Thị Như Thùy – 0367658315 – Gmail: Thuyhlu1308@gmail.com
Trần Thị Minh Hạnh – 0942237216 – Gmail: minhhanh2911@gmail.com