Các vụ án hình sự hiện nay đang có xu hướng tăng nặng cả về mặt thiệt hại tài sản cũng như tổn thương tâm lý cho các bị hại. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự vẫn đang chưa được quan tâm đúng mức, nhiều vụ việc gây ra tổn thất nghiêm trọng cho nạn nhân nhưng không có cách thức đền bù thoả đáng. Đặc biệt, đối với những tội danh xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, việc xác định thiệt hại để tính toán mức bồi thường tương đối khó khăn so với các tội xâm phạm về vật chất.
Bài viết dưới đây sẽ giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về các quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là người bị hại, đồng thời đưa ra phương hướng giải quyết và kêu gọi đền bù thiệt hại trong trường hợp bị xâm phạm danh dự và lợi ích cá nhân.
1, Thực trạng pháp luật về đền bù thiệt hại trong vụ án hình sự
Người bị hại hoàn toàn có quyền và khả năng yêu cầu được đền bù thiệt hại trong một vụ án hình sự. Căn cứ Điều 584 BLDS 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Người bị hại có quyền yêu cầu đền bù thiệt hại (ảnh minh họa)
Đối với thiệt hại về tài sản, căn cứ Điều 589 BLDS 2015 thì thiệt hại được bồi thường bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, danh sách bồi thường còn bao gồm các thiệt hại về tinh thần và sức khoẻ, cụ thể: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng; Thu nhập thực tế bị mất; Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; Tiền cấp dưỡng; …
Tuy nhiên, trong quy trình tố tụng hình sự, phần dân sự chưa được quan tâm đúng mực, tổn thương tinh thần và sức khỏe của nạn nhân thường không được chú trọng. Thực tế, người bị hại thường không nhận được sự bù đắp thích đáng cho nỗi đau mà họ phải chịu đựng.
Vụ việc điển hình cho vấn đề trên là mới đây VPLS Đồng Đội mới đây đã tiếp nhận một vụ việc đau lòng: Một bé gái 15 tuổi bị hàng xóm xâm hại dẫn đến mang thai. Mặc dù bị cáo đã nhận được hình phạt thích đáng và phải chịu án tù, nhưng thiệt hại hắn gây ra cho nạn nhân là vô cùng lớn. Không những phải chịu áp lực tài chính nuôi con khi chưa đủ tuổi lao động, em còn phải chịu những tổn thương tâm lý không thể chữa lành, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hiện tại và tương lai sau này.
Nếu không nhận được bồi thường thích đáng, nạn nhân sẽ chịu nhiều thiệt thòi ngay cả khi vụ án đã được giải quyết với phần thắng nghiêng về phía họ. Vậy kẻ xâm hại sẽ phải bồi thường như thế nào và cách thức yêu cầu bồi thường của bị hại sẽ ra sao?
2, Cách thức yêu cầu đền bù thiệt hại trong vụ án hình sự
Bước 1: Xác định thiệt hại của bản thân trong vụ án hình sự
Bị hại có quyền tự thu thập chứng cứ về thiệt hại của bản thân bao gồm tự mình giám định thương tật, tổn thất tinh thần hoặc giám định thiệt hại về tài sản thông qua hai cách: Kết luận giám định thiệt hại của cơ quan điều tra; Kết luận giám định độc lập của cơ quan, tổ chức khác hoặc tự mình xác định thiệt hại.
Giám định thiệt hại là cơ sở để xác định mức bồi thường (ảnh minh họa)
Bước 2: Bị hại làm đơn yêu cầu bồi thường dân sự trong vụ án hình sự
Đơn yêu cầu bồi thường dân sự được gửi đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố vụ việc hoặc được gửi đến Toà án trong giao đoạn xét xử của vụ án.
Nội dung đơn yêu cầu bồi thường dân sự bao gồm:
- Thông tin người yêu cầu bồi thường
- Thông tin vụ án
- Nội dung yêu cầu bồi thường
- Tài liệu kèm theo đơn
Lưu ý: Nếu người bị hại không yêu cầu, Tòa án sẽ không tự động giải quyết phần bồi thường dân sự.
Bước 3: Nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bị hại có quyền nộp đơn yêu cầu bồi thường tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Hồ sơ bao gồm: Đơn yêu cầu thi hành án dân sự (theo mẫu); Bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật; Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu (CMND/CCCD); Giấy tờ xác nhận thiệt hại (nếu cần bổ sung chi tiết hơn).
Nếu vụ án hình sự tương đối phức tạp, chủ toạ phiên toà tách vụ án và không giải quyết vụ việc dân sự trong vụ án hình sự thì bị hại có thể giải quyết trường hợp theo cách sau:
- Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Toà án nhân dân có thẩm quyền xét xử
- Thu thập đâỳ đủ chứng cứ chứng minh thiệt hại mà bản thân phải gánh chịu
- Tuân theo Bộ luật Tố tụng dân sự về trình tự tố tụng.
KẾT LUẬN
Bồi thường thiệt hại dân sự trong vụ án hình sự là một chế định quan trọng nhằm bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đồng thời góp phần giáo dục, răn đe người phạm tội. Tuy nhiên, để chế định này được thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, sự hoàn thiện về mặt pháp luật và ý thức pháp lý của người dân.
Bản thân mỗi chúng ta cũng cần nâng cao năng lực pháp luật bản thân nhằm hiểu rõ hơn về các quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm về danh dự, tính mạng, sức khoẻ và tài sản từ đó có khả năng yêu cầu giải quyết khi chúng ta bị đặt trong hoàn cảnh éo le như vậy.
Thế Hoàng – Thực tập sinh VPLS Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi