Kể từ ngày 01/7/2024, một số quy định mới về Luật Căn cước 2023; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Giá 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Luật Phòng thủ dân sự 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Tài nguyên nước 2023… sẽ bắt đầu có hiệu lực.
1. Luật Căn cước 2023
Theo quy định Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) thì thẻ Căn cước công dân được đổi tên thành thẻ căn cước. Khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước năm 2023 quy định thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước năm 2023. Đồng thời nội dung thông tin trong thẻ căn cước so với thẻ Căn cước công dân cũ sẽ bỏ đi những nội dung sau: lược bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhận dạng và bổ sung thông tin về thông tin nơi đăng ký khai sinh, điều chỉnh thông tin trên thẻ từ nơi thường trú thành nơi cư trú.
Về độ tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân cũng đã có sự thay đổi so với luật năm 2014:
Theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014, chỉ có công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên, tại Điều 19 Luật Căn cước năm 2023, thì người được cấp thẻ căn cước được quy định cụ thể:
– Là công dân Việt Nam.
– Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
– Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Từ ngày 01/7/2024 khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành thì công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Theo quy định luật Căn cước công dân 2014 thì thông tin sinh trắc học của công dân chỉ bao gồm ảnh khuôn mặt và vân tay nhưng theo Luật Căn cước 2023 cụ thể là Điều 23 khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 06 tuổi trở lên, quá trình thực hiện người tiếp nhận phải thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho những cán bộ, cơ quan công an làm công tác hành chính có thể tăng cường khả năng nhận diện của cá nhân làm thẻ Căn cước cũng như là trợ thủ đắc lực cho các cơ quan điều tra trong trường hợp phải xác định danh tính. Ngoài ra còn có một quy định mới về: Bổ sung, điều chỉnh các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; Rút ngắn thời gian cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; Cấp Giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử và các quy định về thời hạn sử dụng, khai tử đối với các giấy tờ có giá trị tương đương với thẻ Căn cước.
2. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền; quan hệ công tác với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã; các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tổ chức, hoạt động, xây dựng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương…
Luật mới quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành lực lượng này. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học trở lên… được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng. Trường hợp trên 70 tuổi bảo đảm sức khỏe thì chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã.
Luật cũng quy định người tham gia được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định…Trường hợp bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Việc chi trả cho lực lượng này do ngân sách nhà nước đảm nhiệm. Trong đó, nhiệm vụ chi của Bộ Công an do ngân sách trung ương bảo đảm; nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm theo quyết định của HĐND các cấp.
3. Luật Các tổ chức tín dụng 2024
Thứ nhất, Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị công ty; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Thứ hai, Luật Các tổ chức tín dụng đã sửa đổi một số quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng bên cạnh yêu cầu chặt chẽ về quản trị, điều hành.
Thứ ba, Luật Các tổ chức tín dụng đã hoàn thiện các quy định về hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ tư, Luật các tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung 01 chương về ngân hàng chính sách trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngân hàng này vì mục tiêu thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước.
Thứ năm, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 hoàn thiện quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như đáp ứng các yêu cầu về tài chính, hạch toán, kế toán theo chuẩn mực quốc tế;
Thứ sáu, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Thứ bảy, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước, trong đó tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng quy định sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, nhất là Bộ Tài chính trong công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao tính hiệu quả trong quản lý, giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm;
Thứ tám, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng đã bổ sung một số quy định khác như về hành vi bị cấm; bảo vệ quyền lợi khách hàng; chỉnh lý quy định về giấy phép để giảm thiểu thủ tục hành chính.
Điều này đã hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.
4. Luật Giao dịch điện tử 2023
Theo đó về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Về hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, luật quy định chi tiết cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ luật. Cụ thể, Điều 6 Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về những hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật.
Về thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc, thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai trên thực tế. Thêm một điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 là việc bổ sung thêm quy định về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.
Về chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử cơ bản không thay đổi về nguyên tắc, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài.…
Về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Luật quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Và một số thay đổi khác nữa…
5. Luật Viễn thông 2023
Để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, Luật Viễn thông năm 2023 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: Dịch vụ trung tâm dữ liệu; dịch vụ điện toán đám mây; dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (tại các Điều 3, Điều 28, Điều 29).
Luật cũng bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác (SIM rác), ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật (khoản 2 Điều 13). Bổ sung quy định nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký sử dụng (khoản 4 Điều 15).
Nhằm khuyến khích gia nhập thị trường thuận lợi cũng như thúc đẩy cạnh tranh, Luật Viễn thông năm 2023 bổ sung quy định về các hình thức cấp phép (Điều 35); điều kiện cấp phép viễn thông (Điều 36, Điều 38); bổ sung các hình thức đăng ký, thông báo (Điều 41) để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông (Điều 16, Điều 17); bổ sung quy định về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của các tổ chức nước ngoài theo hình thức qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 21); hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động (Điều 61); bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông (Điều 68).
6. Luật Giá 2023
Luật Giá (sửa đổi) quy định: Bình ổn giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp theo quy định của Luật này nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi giá biến động bất thường về giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Bổ sung quy định về chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.
Luật Giá (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế – xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường,…Luât Giá (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về việc kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Luật Giá chỉ rõ 6 mặt hàng không áp dụng, gồm: Giá đất (được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai); giá nhà ở (thực hiện theo quy định về nhà ở); giá điện và giá các dịch vụ về điện (thực hiện theo quy định về điện lực); giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan, tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được, tiền đền bù đối với quyền sử dụng giống cây trồng.
7. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi năm 2023 đã quy định rõ hơn về quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp. Cũng như là được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, người tiêu dùng được tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Mặt khác, người tiêu dùng được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức và kỹ năng tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng cũng được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững. Đồng thời, được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra thì cũng có 1 số nghị quyết và quyết định có hiệu lực từ 1/7/2024:
Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.
Cụ thể, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển khoản các lần trong một ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.
Một sự thay đổi nữa nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người dân đó là chính thức vào ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7 khóa XV, trong đó đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu/tháng kể từ ngày 1/7.
Cũng từ 1/7 điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024). Đối với những người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Quốc hội cũng đồng ý điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng (tăng 38,9%).
Đỗ Hoàng Trung – 0328661283- TTS Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi