Trong cuộc sống chúng ta bắt gặp rất nhiều trường hợp người lạ nhờ trông hộ đồ, cầm hộ đồ ở nơi công cộng vì một số lý do rất hợp lý mà người được nhờ rất khó từ chối. Cũng phải kể đến trường hợp ban đầu, việc này có thể xuất phát từ từ nhu cầu cá nhân, việc nhờ cầm đồ hộ từ người thân, người quen, bạn bè, sau phát triển thành một loại dịch vụ vận chuyển. Thực chất việc giúp đỡ người khác là tốt, tuy nhiên cần phải cẩn thận bởi việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi có rất nhiều đối tượng lợi dụng lòng tốt của người khác để vận chuyển hàng cấm, rũ bỏ trách nhiệm khi bị phát hiện.
Những sự việc người dân “vô tư” nhận cầm đồ hộ người khác, sau mới tá hoả vì trong đó chứa chất cấm xảy ra không phải là hiếm. Đặc biệt đối với hình thức vận chuyển hàng hoá thông qua đường hàng không thì trường hợp này là rất nghiêm trọng, bởi đây không chỉ đơn thuần là chất cấm mà còn là một loại hàng hoá gây nguy hiểm cho chuyến bay.
Hiện nay, tội phạm có những thủ đoạn rất tinh vi, họ thường ngụy trang chất cấm vào những vật dụng thông thường nhất như kem đánh răng, lon bia,…mà mắt thường không thể nhận ra. Sau đó, họ nhờ hành khách đi cùng chuyến bay cầm giúp một số vật dụng đó vì lý do hàng hóa quá cân nhưng trên thực tế bên trong lại chứa đựng chất cấm. Thông thường, những lý do mà những tội phạm đưa ra rất hợp lý và khiến người ta mủi lòng giúp đỡ. Nhưng hãy thật cẩn thận vì đó không phải đồ của chúng ta, chúng ta không thể kiểm soát được trong đó có gì, nhỡ đâu đó là chất cấm, gây nguy hiểm cho chính mình và mọi người thì sao? Trên thực tế đã có sự việc người lạ ở sân bay nhờ trông hộ đồ để đi vệ sinh nhưng sau đó không quay lại, sau khi qua cổng an ninh thì mới phát hiện gói đồ đó là chất nổ. Trường hợp này may là đã phát hiện kịp thời, nếu gói đồ đó mà nổ trước khi phát hiện thì không biết hậu quả sẽ nặng nề như thế nào. Lúc này, người phải chịu trách nhiệm chính chúng ta – những người có lòng tốt giúp đỡ người khác nhưng lại bị lợi dụng để tội phạm thực hiện mục đích xấu của mình.
Đối với trường hợp cầm hộ đồ khi ở sân bay, theo Cục hàng không Việt Nam thì hành lý đi theo người, người đi theo giấy tờ nên hành lý của ai chứa chất cấm thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm.Chúng ta không thể biết người nhờ cầm hộ là ai, đồ mà người đó nhờ chúng ta cầm hộ là gì, liệu có chất cấm hay không nên việc cầm hộ đồ của người lạ hay người quen có rủi ro rất cao. Trường hợp khi đi qua cổng an ninh phát hiện trong đó có chất cấm thì người đầu tiên phải chịu trách nhiệm chính là người cầm hộ đồ. Nếu may mắn có camera an ninh hay người làm chứng thì không sao, trường hợp không có người làm chứng hay camera an ninh thì việc chứng minh đồ đó là cầm hộ, không phải của mình là vô cùng khó khăn.
Đơn cử như vụ việc 4 tiếp viên một hãng hàng không vừa bị tạm giữ để phục vụ điều tra, làm rõ việc xách “chất cấm” từ nước ngoài về Việt Nam. Qua lời của nữ tiếp viên: “khi ở Pháp đã được một cá nhân nhờ “xách tay một số hàng hoá về nước” và trả công hơn 10 triệu đồng, do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, nên chỉ xem qua loa vài tuýp kem và không thấy có gì bất thường”.
Nếu thông tin này là đúng sự thật, tuy nhiên lại không có căn cứ chứng minh được số chất cấm kia là được nhờ cầm hộ thì những tiếp viên này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy khi có đủ yếu cấu thành căn cứ quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với khối lượng ma túy đặc biệt lớn mà cơ quan chức năng đã thu giữ, hình phạt mà 4 tiếp viên có thể đối diện là tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra theo khoản 5 Điều này, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp thông tin mà những nữ tiếp viên đưa ra là đúng sự thật thì qua vụ việc này cho thấy những tiếp viên hàng không này chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt mà quên đi hậu quả mà việc mình làm. Vốn dĩ việc mang đồ hộ người khác với số lượng nhiều như vậy đã là sai, hơn nữa lại kiểm tra không kỹ càng khiến mình bị vướng vào những rắc rối không đáng có thậm chí có thể đối mặt với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Mỗi tiếp viên hàng không, khi đối mặt với những cám dỗ từ lợi ích vật chất không nên nhìn vào lợi ích trước mắt mà quên đi hậu quả nghiêm trọng có thể đối mặt về sau. Hơn nữa, với đặc thù của nghề, họ có đủ năng lực, nhận thức để biết, để hiểu và dự đoán được những rủi ro nghề và hậu quả pháp lý nếu để xảy ra hành vi vi phạm. Do đó, việc họ chủ động tuân thủ nguyên tắc nghề nghiệp, tôn trọng công việc đang thực hiện và đạo đức nghề mới là biện pháp hữu hiệu nhất để vượt qua những cám dỗ, tránh những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra.
Như vậy, mọi người cần cẩn thận khi nhận cầm hộ đồ cho người lạ, kể cả người quen ở nơi công cộng, nhất là cầm hộ đồ ở sân bay để tránh những rắc rối không đáng có.
Người viết: Hứa Kim Ngân – CVPL tại VPLS Đồng Đội
SĐT: 0375966329; Email: nganhua2911@gmail.com
Người tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi