Thi hành án dân sự (THADS) luôn là giai đoạn quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, là hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, những vấn đề liên quan đến thi hành án dân sự vẫn còn chưa được nhiều người chú trọng, chưa có đủ sự quan tâm đúng mức dành cho giai đoạn này. Do đó, cần thiết phải nâng cao hiểu biết pháp luật về thi hành án dân sự.
Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng trong hoạt động tố tụng nhằm đưa bản án, quyết định ra thi hành, do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục mà pháp luật thi hành án dân sự quy định nhằm góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế XHCN, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước .
Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức theo chiều dọc, từ Trung ương xuống cấp tỉnh và cấp huyện. Theo quy định tại Điều 13 Luật THADS 2008 (sửa đổi năm 2014), hệ thống tổ chức thi hành án dân sự bao gồm hai loại cơ quan: cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan quản lý thi hành án dân sự bao gồm Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Các cơ quan thi hành án dân sự được tổ chức theo địa giới hành chính lãnh thổ. Cụ thể, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Cục Thi hành án dân sự; tại các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có Chi cục Thi hành án dân sự, cuối cùng là Phòng Thi hành án cấp quân khu và tương đương.
Cơ quan thi hành án dân sự được tổ chức theo cơ cấu gồm có Chấp hành viên và các công chức làm công tác thi hành án dân sự. Trong đó, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên. Về chủ thể tham gia giai đoạn thi hành án dân sự, ngoài cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm đảm bảo thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, còn có các chủ thể khác như Viện Kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình THADS và các đương sự (bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án) cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.
Về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định, giai đoạn thi hành án dân sự sẽ bắt đầu kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án hoặc cơ quan THADS tiếp nhận bản án, quyết định. Căn cứ Điều 1, 2 Luật THADS 2008 (sửa đổi 2014), các bản án, quyết định được thi hành án dân sự bao gồm: bản án, quyết định về dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại hoặc những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành án ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị.
Đối với thủ tục yêu cầu THADS, người có quyền yêu cầu thi hành án bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án có thể tự mình yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành án hoặc ủy quyền cho người đại diện thực hiện việc yêu cầu thi hành án. Việc yêu cầu thi hành án có thể được thực hiện bằng việc nộp đơn yêu cầu, gửi đơn cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án qua bưu điện, hoặc trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành án. Ngoài ra, khi yêu cầu THADS, người có yêu cầu thi hành án phải gửi kèm theo đơn yêu cầu thi hành án cho cơ quan thi hành bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có. Người yêu cầu thi hành án cũng có quyền yêu cầu cơ quan THADS áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án tại Điều 66 Luật THADS ngay khi yêu cầu thi hành án dân sự.
Về thời hiệu yêu cầu thi hành án, căn cứ Điều 30 Luật THADS, thời hiệu yêu cầu được tính là 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 5 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 5 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Luật THADS, khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS phải kiểm tra nội dung đơn và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu. Cơ quan thi hành án dân sự có quyền từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
- Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này;
- Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;
- Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Sau khi đã tiếp nhận bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc đơn yêu cầu thi hành án, căn cứ Điều 36, 38, 39 Luật THADS 2008 sửa đổi, trong thời hạn từ 3 – 5 ngày làm việc, cơ quan THADS có trách nhiệm ra quyết định thi hành án, đồng thời phải gửi quyết định và thông báo về THADS trong 3 ngày làm việc tiếp theo cho các bên liên quan, bao gồm Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Theo khoản 3 Điều 39 Luật THADS, việc thông báo về thi hành án cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có thể được thực hiện bằng 3 hình thức: thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; niêm yết công khai và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước khi chuyển sang quá trình xác minh điều kiện thi hành án, căn cứ Điều 45 Luật THADS, người phải thi hành án sẽ có thời hạn 10 ngày làm việc để tự nguyện thi hành án, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trong trường hợp cần thiết ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm thi hành án như phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. Khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.
Đối với quá trình xác minh điều kiện thi hành án, Điều 44 LTHADS quy định chấp hành viên có nghĩa vụ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay. Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án được quy định rõ tại Điều 44 LTHADS 2008, sửa đổi năm 2014.
Trường hợp hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án được xác minh là có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành án thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Về nguyên tắc, không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác. Điều 70 Luật THADS quy định, căn cứ cưỡng chế thi hành án bao gồm: bản án, quyết định; quyết định thi hành án; quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành đã được quy định rõ tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi năm 2014, cụ thể có 6 biện pháp: (1) Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án, (2) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án, (3) Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ, (4) Khai thác tài sản của người phải thi hành án, (5) Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ, (6) Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Sau khi đã thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, giai đoạn thi hành án dân sự chuyển sang bước cuối cùng là thanh toán tiền thi hành án, xác nhận kết quả thi hành án và kết thúc thi hành án dân sự. Chấp hành viên có trách nhiệm thực hiện thanh toán cho người được thi hành án số tiền thi hành án thu được. Việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi năm 2014. Đối với việc xác nhận kết quả THADS, Điều 53 THADS và Điều 37 Nghị định 62/2015/NĐ – CP có quy định, đương sự hoặc thân nhân của họ có quyền yêu cầu cơ quan THADS xác nhận kết quả thi hành án nhằm đảm bảo các đương sự đã thực hiện xong toàn bộ hay một phần quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình, tiến tới kết thúc thi hành án dân sự. Khi đã kết thúc thi hành án dân sự thì việc thi hành án dân sự đã chấm dứt, không bên đương sự nào có quyền, nghĩa vụ thi hành án với nhau nữa.
Thi hành án dân sự là một giai đoạn rất quan trọng của quá trình tố tụng, cần phải được quan tâm và sát sao hơn nữa, tuy nhiên trên thực tế, việc tổ thức hoạt động thi hành án dân sự hiện nay vẫn còn có nhiều sai phạm. Các sai phạm chủ yếu trong công tác thi hành án dân sự làm phát sinh hoặc gây nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự có thể kể tới như sai phạm trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án, sai phạm trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, sai phạm trong việc thanh toán tiền thi hành án và một số các sai phạm khác.
(Xem thêm phân tích và thực tiễn sai phạm tại: https://dongdoilaw.vn/mot-so-sai-pham-trong-qua-trinh-to-chuc-thi-hanh-an-dan-su/)
Mới đây nhất, Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội đã có chia sẻ về một vụ việc thi hành án đến từ vị khách hàng mà Luật sư đã giúp đỡ cách đây hơn 10 năm trước, mà mới đây lại có cơ hội giúp đỡ vị khách hàng này. Luật sư chia sẻ, đây là vụ án rất hy hữu, đáng nhớ mà Luật sư Tiền dù đã có đến 15 năm kinh nghiệm làm Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện nhưng cũng phải trăn trở, suy ngẫm mới có thể nhìn ra điểm mấu chốt đơn giản. Vụ việc cụ thể như sau:
Vợ chồng anh P và chị N bị cơ quan THADS huyện DMC cưỡng chế thi hành án, kê biên tài sản nhà đất của gia đình để buộc thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho 6 bản án của TAND huyện. Luật sư Tiền đã tìm hiểu và nhận thấy có sự tắc trách, vi phạm của chấp hành viên H phụ trách thi hành án tài sản của vợ chồng anh P và chị N. Cụ thể, chấp hành viên H đã có sai phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án và người phải thi hành án là chị N đang bị ốm nặng, không có năng lực hành vi dân sự nhưng H vẫn tiếp tục cưỡng chế kê biên nhà đất với lý do bản án đã có hiệu lực pháp luật, và cho rằng việc nại lý do ốm đau của chị N chỉ là cái cớ để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu và xác minh của Luật sư Tiền, chị N quả thật đang bị ốm nặng, không có năng lực hành vi dân sự, và đến thời gian gần đây khi Luật sư trở lại thăm gia đình chị N, tình trạng vẫn không có tiến triển gì thêm. Trớ trêu thay, dù thực tế là chị N đã bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng vẫn chưa được giám định tâm thần để công nhận tình trạng của chị.
Mặc dù đã có sai phạm và bản thân người phải thi hành án cũng không có khả năng thi hành án, nhưng chấp hành viên H vẫn tiếp tục cưỡng chế kê biên tài sản, thậm chí đã thẩm định, tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án. Kết quả là tài sản bị cưỡng chế kê biên khi đưa ra bán đấu giá thì không có ai mua, nên chính người phải thi hành án phải mua lại chính tài sản của mình. Số tiền sau khi bán đấu giá tài sản đã vượt quá số tiền mà chị N có nghĩa vụ phải thi hành án, thế nhưng trong thời gian trở lại đây, Chấp hành viên H vẫn tiếp tục yêu cầu vợ chồng anh P và chị H phải thi hành án.
Theo chia sẻ của Luật sư Trần Xuân Tiền, khi chấp hành viên muốn ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản thì phải xác minh kỹ nguồn gốc, tính hợp pháp tài sản của người phải thi hành án. Nếu là tài sản chung thì phải làm việc và yêu cầu phân chia tài sản rõ ràng, sau đó mới được kê biên, và kê biên phải theo thứ tự ưu tiên. Việc kê biên phải tương xứng với nghĩa vụ phải thi hành án, và phải tuân thủ theo trình tự, quy định pháp luật, không được kê biên tùy tiện về thời gian, thời điểm kê biên. Tiêu biểu như việc phải chừa ra các ngày nghỉ lễ, tết, hoặc người phải thi hành án bị ốm nặng, bị mất năng lực hành vi dân sự…
Vậy nhưng, theo kết quả trả lời của Công văn yêu cầu xác minh nguồn gốc đất nhà anh P và chị N, Phòng Tài Nguyên và Môi trường của huyện đã cho biết, về mặt pháp lý, thửa đất này là do bố anh P đứng tên, bố anh P chỉ cho vợ chồng anh chị ở và canh tác chứ chưa cho sang tên hai vợ chồng anh chị, dù rằng anh chị đã xây nhà nhiều năm trên thửa đất. Do đó, về nguyên tắc, đây không phải là tài sản của hai vợ chồng anh chị, nên không được thi hành án. Văn phòng luật sư Đồng Đội đã kiến nghị đề nghị hủy bỏ kết quả kê biên, bán đấu giá nhưng tình trạng cho đến hiện nay vẫn vậy, thậm chí tài sản bán đấu giá là nhà đất đã bị cưỡng chế giao cho người trúng đấu giá là vợ chồng anh P, chị N. Mặc dù vậy, về nguyên tắc thửa đất vẫn đang đứng tên bố anh P, nên không có ai dám làm thủ tục hoàn tất sang tên cho vợ chồng anh chị.
Bên cạnh đó, Luật sư Tiền cũng chia sẻ rằng, số tiền sau khi bán đấu giá tài sản đã vượt quá số tiền người phải thi hành án có nghĩa vụ phải thi hành án, đã đủ điều kiện để thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án. Vậy nên, chấp hành viên thi hành án phải ghi thu ghi chi và xác nhận kết quả thi hành án. Do đó, việc hiện nay Chi cục Thi hành án huyện DMC triệu tập, tiếp tục yêu cầu vợ chồng anh P, chị N phải thi hành án là không có cơ sở, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng anh chị. Luật sư Tiền cũng chia sẻ, với phương châm “Khách hàng là người thân”, bằng tất cả tấm lòng và sự nhiệt huyết của mình, luật sư sẽ giúp đỡ anh chị để mang lại công bằng, bảo vệ tốt nhất cho anh chị.
Qua tình huống này, có thể thấy THADS tưởng như đơn giản mà lại rất phức tạp. Thực tế, hiểu biết của người dân về thi hành án dân sự còn nhiều hạn chế, trong khi đó hoạt động thi hành án dân sự gặp rất nhiều vấn đề bất cập và phức tạp. Nếu như không có vốn hiểu biết về pháp luật THADS thì chắc chắn sẽ còn nhiều người dân, còn nhiều hoàn cảnh khác phải chịu thiệt thòi, oan ức. Vì lẽ đó, cần phải tiếp tục nâng cao hiểu biết, học hỏi và nghiên cứu sâu hơn nữa. Ngay cả đối với những người làm trong nghề thi hành án nhiều năm, không phải lúc nào cũng dễ dàng nhìn ra điểm mấu chốt, khúc mắc cần tháo gỡ, giải quyết mà phải suy ngẫm, trăn trở, đắn đo để tìm ra căn cứ, giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do đó, trong cả hiện tại và tương lai, cần phải tiếp tục học hỏi, nâng cao hiểu biết hơn nữa pháp luật về lĩnh vực thi hành án dân sự. Thi hành án dân sự – việc khó mà hay!
Phạm Hà Thu – 0827122116
TTS tại Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi