* Tình huống đặt ra: Chị M – Vợ anh H có vay của các đối tượng xã hội đen một khoản tiền là 180 triệu từ năm 2018. Đến nay 2 anh chị đã trả được 305 triệu . Giờ các đối tượng lại đang yêu cầu vợ chồng anh chị phải trả thêm số tiền là 1 tỉ đồng nữa . Các đối tượng có đến nhà anh chị và viết giấy bán nhà anh chị nhằm cho bọn khác gán nợ. Trong quá trình tạo sức ép cho vợ chồng chị M anh H thì các đối tượng đã có hành động viết sơn lên nhà riêng của anh chị. Vậy theo luật sư, trong trường hợp này chúng tôi cần làm gì? Xin cảm ơn ý kiến của luật sư.
* Tư vấn của luật sư:
Hiện nay, dịch vụ cho vay nặng lại đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, các đối tượng cho vay nặng lãi có những biến tướng, chiêu trò hết sức tinh vi, mưu mô khiến cho những người không may vì nhiều lí do tìm đến dịch vụ đen này luôn phải sống trong lo sợ, “ Ăn không ngon, ngủ không yên” thậm chí là bị đe doạ, khủng bố cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế khiến nhiều người tìm đến tín dụng đen. Đến khi không có khả năng chi trả vì “lãi mẹ đẻ lãi con”, nhiều gia đình bị các chủ nợ cho đàn em đến dằn mặt, hăm dọa, truy sát…Thêm vào đó, đây cũng là “mầm mống” của nhiều tệ nạn xã hội. Do đó, việc xử lý hình sự đối với tội phạm “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là điều hết sức cần thiết.
Trước hết, chúng ta cần hiểu tín dụng đen là gì? Quy định pháp luật liên quan.
Tín dụng đen là cụm từ không quá xa lạ với nhiều người. Hiểu một cách đơn giản nhất, tín dụng đen là dạng huy động và cho vay tín dụng không thông qua hệ thống Ngân hàng, không đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Tín dụng đen có lãi suất huy động và cho vay cao, thủ tục thực hiện đơn giản so với các hoạt động tín dụng của các Ngân hàng. Có lẽ chính vì vậy mà thay vì tìm đến ngân hàng với điều kiện và thủ tục khắt khe, nhiều người đã tìm đến tín dụng đen để vay nợ. Thế nhưng sau khi đã giải quyết được như cầu trước mắt, người dân họ mới ý thức được rằng mình thực sự đã kí vào 1 bản hợp đồng với rủi ro vô cùng nặng nề cả về kinh tế lẫn tinh thần, vật chất.
Với tình huống nêu trên, tuy anh chị không mô tả chi tiết về hợp đồng vay nhưng có thể thấy rất rõ các đối tượng đã có hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” vi phạm quy định tại khoản 2 điều 201 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; hành vi đòi nợ thuê vi phạm Điểm h Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020; hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác vi phạm điểm d khoản 1 điều 158 BLHS 2015 ; hành vi viết sơn lên nhà người khác vi phạm quy định theo điểm I khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi vướng vào các tổ chức cho vay lãi nặng?
Không ai cổ vũ cho việc vay tiền nhưng không trả, tuy nhiên, việc cá nhân, tổ chức cho vay với lãi nặng, thậm chí có những phương thức đòi nợ mang tính bạo lực (đánh người cho vay, đập phá đồ đạc, tài sản của người vay…) là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không ngăn chặn, thì người vay tiếp tục phải trả những khoản lãi rất cao, lãi chồng lãi, rồi rơi vào tình trạng phá sản, gia đình tan nát vì trả nợ. Ngoài ra, tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín… của người vay và gia đình có thể bị xâm phạm nghiêm trọng. Bởi vậy, cần biết cách phản kháng nhưng phải hợp pháp.
Cụ thể, người vay có thể làm đơn tố giác hành vi của bên cho vay, kèm theo các tài liệu chứng cứ chứng minh như hợp đồng/giấy vay tiền có nội dung về thỏa thuận lãi suất cao; chứng từ, biên lai, hình ảnh giao dịch chuyển tiền; tin nhắn, ghi âm về việc bên cho vay yêu cầu trả lãi suất từ trên 100%/năm (nếu có) trong trường hợp hợp đồng/giấy vay tiền không thỏa thuận rõ về lãi suất để có căn cứ chứng minh có hành vi cho vay lãi nặng. Nếu không đủ chứng cứ chứng minh bên cho vay áp mức lãi suất 100%/năm thì không có căn cứ tố giác bên cho vay về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trường hợp bên cho vay có hành vi cố ý gây thương tích hoặc xúc phạm danh dự nhân phẩm của mình như đăng tải thông tin không đúng sự thật về bản thân; tự ý đăng tải thông tin cá nhân với lời lẽ xúc phạm…, xâm phạm đến tài sản cá nhân của bên vay thì bên vay cần thu thập kết luận giám định thương tích, video, hình ảnh bài đăng, hành vi xúc phạm… nhằm chứng minh có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm xảy ra để có thể trình báo đến cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác điều tra, xác minh làm rõ nội dung đơn tố giác của người dân, trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý hành vi phạm tội kịp thời, đúng trình tự thủ tục luật định, tránh bỏ lọt tội phạm và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Bởi theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021, thời hạn giải quyết đơn tố giác của người dân là không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố giác; trường hợp vụ việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Việc giải quyết kịp thời đơn tố giác sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tố giác, đồng thời đảm bảo an toàn xã hội do quan hệ vay tiền rất phổ biến.
Mặt khác các bên cho vay thường tồn tại dưới dạng các băng nhóm, tổ chức tín dụng mang tính chất “xã hội đen”, từ đó phát sinh ra các loại tội phạm khác, nhưng khung hình phạt cho loại tội này lại rất nhẹ, chưa tương xứng với những hậu quả mà tội phạm gây ra. Cụ thể mức hình phạt cao nhất là 03 năm tù (Khoản 2 Điều 201 BLHS hiện hành). Chính vì vậy, tính răn đe đối với tội phạm chưa đủ, nhiều trường hợp cá nhân sau khi chấp hành án phạt tù tiếp tục cho vay nặng lãi.
Thêm vào nữa, nhóm tội phạm này luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động gây khó khăn cho công tác điều tra. Do đó, để đảm bảo công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như đảm bảo tính răn đe, cần thiết phải nâng mức hình phạt đối với tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Như vậy việc đẩy mạnh tấn công các cá nhân, tổ chức có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là điều vô cùng cấp thiết. Hiện nay, rất nhiều tỉnh thành (như Thanh Hóa, Nghệ An…) đã có chủ trương lập các chuyên án, quyết liệt đẩy lùi tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, liên tục triệt phá nhiều nhóm tội phạm cho vay lãi nặng với vỏ bọc công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ… nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân.
Ngoài ra, phòng hơn chống. Để tránh rơi vào những trường hợp không mong muốn nêu ở trên, người dân khi có nhu cầu vay tiền cần tìm đến những cơ sở cho vay uy tín để mức lãi suất vay không quá cao và đảm bảo khả năng trả nợ. Trường hợp cần tiền gấp, không thể vay được của Ngân hàng, tổ chức tín dụng… thì người vay cũng cần chú ý, đọc kỹ hợp đồng vay, thỏa thuận rõ ràng về lãi suất, lãi suất chậm trả trước khi ký kết, tránh tiền mất tật mang.
Bên cạnh đó, luật sư cũng đưa ra lời khuyên đối với người cho vay, khi muốn yêu cầu người vay thanh toán nợ, cần hết sức bình tĩnh và tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật, tránh trường hợp vừa không đòi được tiền, vừa rơi vào vòng lao lý. Và khi đối mặt với vấn đề tín dụng đen hay bất kì vấn đề pháp lí nào cần được tư vấn, giải đáp, hãy liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Đồng Đội để nhận được sự tư vấn, giải đáp kịp thời.
Đỗ Hoàng Trung – TTS Văn phòng luật sư Đồng Đội
SĐT liên hệ: 0328661283
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi