Thu hồi nợ là một trong những dịch vụ pháp lý của Luật sư. Quá trình xử lý nợ, ngoài việc sử dụng các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiêm cần thiết của luật sư. Để thu hồi nợ Luật sư rất cần sự phối hợp của các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát…hay các tổ chức xã hội như Mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, tổ dân phố… để có sự tác động nhất định đến đối tượng khách nợ. Việc tiếp cận và đề nghị sự phối hợp giúp đỡ của Cha xứ và các chức sắc tôn giáo có lẽ ít người nghĩ đến.
Thực tế trong quá trình thực hiện dịch vụ, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều vụ việc có nội dung đa dạng phong phú tại nhiều vùng miền trên cả nước. Trong chuyến công tác về miền đất Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định để tiếp nhận vụ việc thu hồi nợ đối với một giáo dân tại địa phương là một vụ việc tiêu biểu, đáng nhớ trong cuộc đời hành nghề.
Nhận được đơn mời luật sư của một số người dân đề nghị VPLS Đồng Đội thu hồi nợ tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định – miền đất giàu truyền thống văn hóa với dân số chiếm số đông là những người theo đạo Thiên Chúa.
Sau khi tìm hiểu tôi được biết, hầu hết các yêu cầu thu hồi nợ của các khách hàng đều có chung một đối tượng vay nợ là vợ chồng anh X. Qua quá trình xác minh, nhận thấy vợ chồng anh X đã vay nợ của nhiều hộ dân trong xã với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, sau đó đã tẩu tán tài sản và bỏ trốn khỏi địa phương để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Đây là một vụ việc phức tạp, cho vay không bảo đảm, hiện khách nợ đã không còn có mặt tại địa phương. Xét dưới góc độ pháp lý hành vi của vợ chồng anh X đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 2009 và bị áp dụng mức hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân theo quy định tại Khoản 4 Điều 139. Tuy nhiên để thực hiện yêu cầu thu hồi nợ, thì việc tố cáo hành vi phạm tội của vợ chồng anh X chỉ là biện pháp cuối cùng bởi mục đích của việc thu hồi là lấy được nợ cho khách hàng chứ không phải đẩy khách nợ vào con đường tù tội.
Theo nhiều nguồn thông tin luật sư được biết vợ chồng anh X đều là những giáo dân của tổ chức tôn giáo tại địa phương, những giáo dân theo đạo thường sinh hoạt tôn giáo rất đều đặn, Sự giáo dục tác động của Cha xứ và những người đứng đầu tổ chức tôn giáo ảnh hưởng rất lớn đến các giáo dân. Vì vậy luật sư đã nhanh chóng tìm đến gặp Cha xứ để đặt vấn đề, phản ánh tình trạng vay mượn của giáo dân X đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều người cho vay, khiến nhiều người cho vay rơi vào tình trạng mất trắng những đồng tiền chắt chịu dành dụm cả cuộc đời. Việc vay không trả mà còn bỏ trốn là việc làm không thể chấp nhận, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn trái với đạo đức xã hội, trái với giáo lý.
Được gặp Cha xứ với phong cách lịch sự, lối ứng xử hòa nhã, thân thiện, đồng thời cũng là người hiểu pháp luật, uyên thâm các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo. Là một luật sư đã được đào tạo cử nhân chính trị tốt nghiệp loại xuất sắc với đề tài về tín ngưỡng tôn giáo. Vì vậy Luật sư và Cha xứ đã nhanh chóng có tiếng nói chung, cùng nhau chia sẻ và Luật sư đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Cha Xứ trên tinh thần hết sức trách nhiệm trên cơ sở nền tảng sự thật, sự hòa quện giữa pháp lý và đạo lý, giữa đạo với đời….
Được biết sự giáo dục của Cha xứ và những người đứng đầu tổ chức tôn giáo là phương pháp tác động hiệu quả đến các giáo dân, Luật sư đề nghị Cha xứ đưa nội dung trao đổi vụ việc vào buổi giảng đạo để mọi người cùng đấu tranh tác động, thuyết phục người thân bố mẹ, họ hàng nội ngoại của người vay nợ liên hệ với vợ chồng ông X quay về trả nợ.
Rõ ràng đạo đức xã hội và đạo đức tôn giáo không cho phép cũng không thể chấp nhận việc lừa dối vay không trả, vậy nên Luật sư đề nghị Cha xứ tuyên truyền, giáo dục và cảnh báo hậu quả của việc vay mượn không có bảo đảm, cho vay khi không biết rõ mục đích vay, hậu quả của việc vay không trả không chỉ bị pháp luật trừng trị mà còn chịu hình phạt của tòa án lương tâm, quy luật nhân quả..
Là người có sự khoan dung, độ lượng, lo lắng cho các giáo dân hơn ai hết nên Cha xứ đã đề xuất với luật sư tạo điều kiện để Cha và những người thân trong gia đình có thời gian vận động thuyết phục vợ chồng X tự nguyện trả nợ trước khi vụ việc bị tố cáo ra cơ quan pháp luật.
Luật sư rất cảm ơn sự lắng nghe, phối hợp tận tâm của Cha xứ và đồng ý tạo điều kiện để Cha và gia đình người vay nợ tác động đến đối tượng vay để sự việc không dẫn đến những căng thẳng khó giải quyết. Vụ việc ngay sau đó đã có tác dụng tốt, sau khi có sự tác động của Cha xứ và Luật sư về sự đoàn kết cộng đồng tôn giáo và dòng họ, ông nội anh X đã tặng cho vợ chồng anh X một mảnh đất để X bán trả nợ. Đồng thời gia đình vợ chồng X cũng cam kết cùng trách nhiệm với vợ chồng X để trả nợ, giúp X khỏi nguy cơ vi phạm pháp luật, tù tội, giữ gìn uy tín cho gia đình, dòng họ và cộng đồng tôn giáo.
Sau chuyến công tác, Luật sư đã có nhiều suy nghĩ về nghề về đời. Luật sư có thêm kinh nghiệm trong việc khai thác các mối quan hệ tác động đến đối tượng vay, Luật sư học được nhiều điều về miền đất tôn giáo này, con người nơi đây sống không chỉ có lý có tình mà có cả đạo – sống tốt đời đẹp đạo.