Hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng, khi bước vào người ta mới nhận ra rằng nó tồn tại cả trăm ngàn điều đáng nói. Khi những mâu thuẫn giữa hai bên cứ kéo dài mãi mà không tìm được cách giải quyết, họ sẽ phải nghĩ tới một lá đơn li hôn như sự giải thoát cuối cùng, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Mai cũng vậy. (Tên và địa chỉ người đã thay đổi).
Vào những ngày đầu năm 2018, Văn phòng luật sư Đồng Đội nhận được đơn mời luật sư của chị Nguyễn Thị Mai tại Cầu Giấy, Hà Nội. Qua tâm sự chúng tôi được biết: Năm 1998 chị kết hôn với anh Bình tại Hà Nam, quá trình sinh sống hai người có với nhau 02 người con: một trai, một gái. Cuộc sống tưởng chừng hạnh phúc nhưng đến năm 2015 khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, cả hai không tìm được tiếng nói chung, chị Mai đã cùng hai người con dọn ra thuê nhà ở riêng và ly thân với anh Bình từ đó đến nay.
Quá mệt mỏi với cuộc sống hôn nhân để giải thoát cho nhau, năm 2017 chị có đơn đề nghị Tòa công nhận ly hôn và yêu cầu phân chia tài sản chung duy nhất là đất và nhà 2 tầng trên diện tích 64.8m2, được định giá: 6.667.425.000 đồng. Sau khi tiếp nhận đơn và thực hiện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, TAND quận Cầu Giấy ra bản án số 29/2017/HNGĐ-ST ngày 13, 15/09/2017 chấp nhận yêu cầu ly hôn giữa chị Mai và anh Bình. Về tài sản chung Tòa quyết định đồng ý chia cho chị Mai được hưởng 30% giá trị tương đương: 2.000.227.500 đồng và anh Bình hưởng 70% giá trị tương đương: 4.667.197.500 đồng.
Bản án của Tòa chỉ giúp chị Mai chấm dứt nghĩa vụ của người vợ nhưng một gánh nặng lại được đặt lên đôi vai nhỏ bé, một mình lo cho tương lai hai người con trong khi anh Bình không có bất kỳ trách nhiệm nào. Điều này có đúng với luân thường đạo lý, ý nghĩa của pháp luật với người phụ nữ và những đứa con không may mắn khi có gia đình đổ vỡ thiệt thòi về cả vật chất và tinh thần. Chị cứ nghĩ rằng Tòa án với những thẩm phán giàu kinh nghiệm lẫn trí tuệ sẽ ra một bản án công minh, thấu tính đạt lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị nhưng Thẩm phán xưa nay được giao quyền cầm cân nảy mực lại không giành sự công bằng cho chị.
Xem thêm: Tư Vấn Luật Hôn Nhân Và Gia Đình
Bản án sơ thẩm còn nhiều bất cập.
Bản án sơ thẩm tuy xác định tài sản chung của chị Mai và anh Bình là đất và ngôi nhà 02 tầng trên đất, tổng diện tích là 64,8m2 theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi không khỏi “bàng hoàng” trước cách phân chia theo tỷ lệ 3:7 của Tòa án quận Cầu Giấy mà theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng phải tính đến các yếu tố như hoàn cảnh sống, công sức đóng góp, lợi ích cũng như lỗi của các bên nhưng không biết vì nguyên do gì Tòa lại không xem xét đến.
Trên thực tế, anh Bình là người mua 50m2 đất trước hôn nhân điều này không phủ nhận, nhưng đến năm 1998 khi kết hôn chị Mai đã dùng tất cả vốn liếng, của hồi môn thuộc tài sản riêng của mình gồm 02 cây vàng để góp vào trả tiền mua đất. Thời điểm năm 1998, giá trị của 02 cây vàng là rất lớn (diện tích 9m đất anh Bình mua năm 2000 chỉ có 6 triệu đồng). Chị Mai cũng đã dùng tiền của mình để nuôi các con ăn học, trả nợ cho bố chồng số tiền là 1000 USD năm 1998 có giá trị quy đổi là 20.000.000 đồng.
Trong quá trình hôn nhân chị Mai và anh Bình cùng có chung xưởng gỗ. Gần 3 năm qua, mặc dù đã có đơn ly hôn nhưng bản án chưa có hiệu lực, xưởng gỗ vẫn là tài sản chung giữa hai vợ chồng vẫn mang đến thu nhập đều đặn cho anh Bình. Thậm chí, anh Bình còn có cả tài khoản tại Ngân hàng riêng còn chị Mai từ khi kết hôn luôn hết mực vì gia đình, phụ giúp chồng làm nghề, không có cơ sở hay ngành nghề nào riêng.
Không những vậy, từ tháng 08, 09/2015, chị Mai đã cùng hai con ra ở riêng, thuê một ngôi nhà tại Yên Hòa, Cầu Giấy vừa để ở vừa để chèo chống nuôi hai con (một đã vào đại học, một vào cấp 3). Trong quãng thời gian này anh Bình không thể hiện được bất kì nghĩa vụ nào với các con. Hiện tại, anh Bình một mình một nhà, một xưởng gỗ và rất nhiều tài sản giá trị khác, trong khi chị Mai đang rất thiệt thòi, khó khăn khi phải trả từng tháng tiền nhà, tiền ăn học cho con nhưng anh Bình lại không hề có trách nhiệm với vợ con là quá vô lí.
Như vậy, căn cứ vào quy định pháp luật Hôn nhân và gia đình, hoàn cảnh thực tế của chị Mai và anh Bình Tòa án cần thiết phải chia đôi tài sản theo yêu cầu của chị Mai là hoàn toàn hợp lý, cần thiết được công nhận chứ không phải chia theo tỷ lệ 3:7 như Tòa sơ thẩm đã xác định.
Trong quá trình tham gia giải quyết vụ án, bằng những chia sẻ, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp với chị Mai, chúng tôi vô cùng cảm động, ngưỡng mộ trước sự bao dung, lòng vị tha của chị. Người xưa có câu “mấy đời bánh đúc có xương/ mấy đời gì ghẻ lại yêu con chồng” nhưng chị Mai lại hoàn toàn khác. Trước khi kết hôn với chị Mai, anh Bình đã có một con riêng, người con trai này vẫn sinh sống với chị Mai và anh Bình được chị Mai đối xử như con ruột từ chăm sóc đến học tập, chị luôn giữ cuộc sống gia đình hạnh phúc, không có mâu thuẫn nào. Một người phụ nữ vừa nuôi hai đứa con, vừa chăm sóc và giáp dục con riêng của chồng đã gặp không ít những khó khăn, vất vả, tủi hổ….cũng cho thấy đức hi sinh của chị Mai luôn vun vén hạnh phúc gia đình.
Chúng tôi nghĩ rằng cả chị Mai và anh Bình đều không muốn gia đình đổ vỡ đặc biệt gây tổn thương cho hai con đều đang độ tuổi phát triển về nhận thức, chúng đều không muốn gia đình nhỏ của mình bị chia cắt…Tuy vậy, chúng tôi cũng luôn suy nghĩ tại sao từ một gia đình êm đẹp, điều kiện kinh tế tạm ổn, hai đứa con ngoan ngoãn, chồng và vợ không có thói hư tật xấu…lại dẫn đến ly hôn. Trong đời sống hàng ngày anh Bình có bao giờ tự nghĩ mình có tình cảm và có hi sinh, chia sẻ với gia đình với những khó khăn, vất vả của người vợ, có quan tâm, chăm sóc nhữn đứa con, hiểu được tâm tư nguyện vọng của con mình hay lại sống ích kỷ? Tại sao sau khi ly hôn, cả hai đứa con đều chọn về ở với mẹ dù chị Mai đang rất khó khăn. Một người phụ nữ sống hết mình vì gia đình tại sao lại quyết tâm ra Tòa án ly hôn.
Không giống với những vụ án dân sự, hình sự hay hành chính đã từng tham gia, vụ án ly hôn của chị Mai khiến chúng tôi luôn suy tư, trăn trở suốt bao đêm trước ngày diễn ra phiên Tòa sơ phúc thẩm. Vụ việc này chúng tôi đã hòa giải đã thuyết phục, các bên đều là những người có hiểu biết nhưng vì những vụn vặt mà cố tình khó dễ nhau. Thiết nghĩ, các bậc cha mẹ khi quyết định ly hôn phải nên suy nghĩ, cuộc sống hôn nhân đã không còn của riêng mỗi người, chúng ta lúc này gánh vác trên vai trách nhiêm và nghĩa vụ ít nhất là vơi các con, nhưng đứa trẻ ngây thơ, có đứa còn chưa thể biết ly hôn là gì, liệu chúng sẽ cảm thấy thế nào, đau khổ ra sao. Dù không thể cùng nhau chăm sóc nuôi dạy các con, cha mẹ cũng đừng vì những vụn vặt về vật chất mà mâu thuẫn, tranh giành, hãy cư xử thật cao thượng, lưu giữ lại trong lòng con trẻ những hình ảnh đẹp nhất, đáng tự hào nhất.
Phiên tòa phúc thẩm đầu tháng 9 diễn ra chóng vánh nhưng chúng tôi rất vui bởi với những lập luận sắc sảo, thấu tình đạt lý, luật sư đã đưa ra những vấn đề mấu chốt buộc Tòa phải tạm dừng phiên tòa để thu thập tài liệu chứng cứ, làm sáng rõ vụ án bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho chị Mai. Những nỗ lực tìm tòi, sự sáng tạo và kinh nghiệm cùng thái độ làm việc nghiêm túc đã giúp chúng tôi có được những phán đoán chính xác thuyết phục được HĐXX và đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Chưa biết kết quả vụ việc sẽ như thế nào, chưa biết cuộc sống sau này của 3 mẹ con chị Mai sẽ ra sao nhưng những suy nghĩ, trăn trở đã giúp chúng tôi có được bài viết này, lương tâm và trách nhiệm luôn là động lực để Văn phòng luật sư Đồng Đội tiến bước.
Nguyễn Thị Hiền