Câu hỏi: Tôi đang có vấn đề này cần sự tư vấn của Luật sư ạ?
Tôi và chồng cũ ly hôn đến nay gần được 1 năm. Sau ly hôn thì chồng cũ đã có bạn gái mới nên không muốn chu cấp và thăm gặp con. Nhưng do tôi dọa dẫm sẽ làm phiền đến bạn gái (tôi chỉ đe dọa bằng lời nói), nên chồng cũ vẫn chu cấp khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu (theo bản án của Tòa, chồng cũ phải chu cấp 3 triệu cho con). Tuy nhiên 3 tháng gần đây, chồng cũ không chu cấp nữa vì chồng cũ của tôi nói rằng hiện nay không đi làm nên không có lương, cũng không có tài sản nào khác. Nhưng theo tôi biết, chồng cũ đang làm tại cửa hàng kinh doanh của cha mẹ và việc kinh doanh tốt.
Vậy tôi muốn hỏi, tôi có thể làm đơn ra Tòa án yêu cầu anh ta tiếp tục trợ cấp thì có được không ạ? Kinh tế của tôi rất khó khăn, phải nuôi 2 bé , 1 bé mới chỉ 1 tuổi.
=> Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, Luật sư xin trả lời như sau:
-
Chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.” Theo đó, trong trường hợp của bạn, con của bạn chưa thành niên nên chồng của cũ của bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Về mức cấp dưỡng, sẽ dựa theo thoả thuận của các bên căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; trong trường hợp chồng cũ của bạn và bạn không thoả thuận được thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 116 Luật này. Theo thông tin bạn cung cấp, bản án của Tòa tuyên chồng cũ của bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng 3 triệu/tháng. Do đó, chồng cũ phải cấp dưỡng cho con chung theo kết luận của Tòa, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Nếu hai bên thỏa thuận được mức chu cấp là 1 – 1,5 triệu thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ thực hiện theo thỏa thuận.
-
Bạn có thể làm đơn yêu cầu thi hành án khi chồng cũ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Trường hợp chồng bạn trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, bạn có thể làm đơn yêu cầu chồng cũ của bạn thực hiện nghĩa vụ theo bản án căn cứ quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự 2014.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối, trốn tránh nghĩa vụ mà làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì người này có thể bị truy cứu TNHS về Tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, mức hình phạt đối với người phạm tội là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Nếu người có nghĩa vụ có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không chấp hành bản án theo quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự với mức phạt tù thấp nhất là 3 tháng tù cao nhất là 05 năm tù.
Bạn cũng cần lưu ý, về nguyên tắc, chồng cũ của bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung với mức cấp dưỡng theo quyết định của Tòa hoặc theo thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (như chồng cũ bạn nói là không có lương, không có tài sản khác) thì hai bên có thể thỏa thuận về thay đổi mức cấp dưỡng phù hợp căn cứ Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa sẽ xác minh khả năng, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng để quyết định một mức cấp dưỡng phù hợp, đảm bảo quyền lợi của con chung.
Mặt khác, hành vi dùng lời nói dọa dẫm của bạn là không đúng. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả thì bạn có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Vậy nên, trên tinh thần tôn trọng thỏa thuận các bên, bạn và chồng cũ nên thỏa thuận về mức cấp dưỡng phù hợp.
Người viết: Trần Thị Minh Hạnh, Lê Thị Lan Anh
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi