Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống cơ quan tư pháp tại mỗi địa phương. Để tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự (THADS), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác THADS tại địa phương. Theo đó, chức năng và nhiệm vụ của ban chỉ đạo thi hành án dân sự được quy định cụ thể như sau:
1. Chức năng của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện có chức năng tham mưu và giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thi hành án dân sự. Theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 05/2016 về quy định hoạt động của ban chỉ đạo thi hành án dân sự:
“Điều 5. Vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.”
– Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân cùng cấp chỉ đạo tổ chức phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự: Ban chỉ đạo thi hành án dân sự có chức năng tham mưu cho chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và huyện. Việc tham mưu này bao gồm việc đề xuất các biện pháp, chiến lược, giải pháp đối với các vấn đề phát sinh trong thi hành án dân sự tại địa phương. Ban Chỉ đạo phải cung cấp thông tin và phân tích các vấn đề, giúp lãnh đạo cấp tỉnh hoặc huyện đưa ra quyết định, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, các cơ quan hành chính, và cơ quan thi hành án trong quá trình thi hành án dân sự diễn ra. Bởi mỗi cơ quan đều có vai trò riêng biệt nhưng liên quan mật thiết đến nhau. Tòa án ra phán quyết, cơ quan thi hành án thực hiện các quyết định, Công an đảm bảo an ninh, và các cơ quan hành chính hỗ trợ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Ban thi hành án dân sự sẽ đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan để công tác thi hành án được triển khai đúng tiến độ, hiệu quả và tuân thủ pháp luật. Việc phối hợp sẽ giúp tránh sự chồng chéo, thiếu sót trong việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan.
– Giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh của việc phối hợp trong thi hành án dân sự: Trong quá trình thi hành án dân sự, luôn phát sinh những vấn đề hoặc vướng mắc giữa các cơ quan hoặc giữa các bên liên quan. Do sự thiếu đồng bộ trong các hoạt động hành chính hoặc sự không hiểu biết về trách nhiệm của từng cơ quan. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có trách nhiệm giải quyết những vấn đề này một cách nhanh chóng và kịp thời để các cơ quan phối hợp một cách hiệu quả tránh tình trạng đình trệ hoặc làm sai lệch quá trình thi hành án.
– Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp: Đối với các vụ án phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện cần phải đưa ra các quyết định kịp thời và phù hợp về phương án cưỡng chế, đảm bảo tuân thủ quy trình pháp lý, đồng thời bảo vệ an ninh trật tự. Các vụ án này thường liên quan đến các đối tượng có hành vi chống đối hoặc hoặc có sự phản kháng mạnh mẽ, do đó cần có sự chỉ đạo chặt chẽ và phối hợp với các lực lượng chức năng khác để bảo vệ an toàn cho các bên liên quan.
2. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự
Nhiệm vụ chung của Ban chỉ đạo được quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 05/2016 về quy định hoạt động của ban chỉ đạo thi hành án dân sự:
“Điều 6. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện những công việc sau:
- Xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân cùng cấp về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự trình Ủy ban nhân dân quyết định.
- Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân về việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.
- Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế; tham mưu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.
- Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân về tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.
- Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương.
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.”
Nhiệm vụ chung của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự là đảm bảo công tác thi hành án dân sự diễn ra đúng pháp luật, hiệu quả, và công bằng, thông qua việc xây dựng các kế hoạch, tổ chức phối hợp giữa các cơ quan liên quan, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo, và xử lý kịp thời các vướng mắc, vi phạm trong quá trình thi hành án cụ thể như sau:
– Xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo thi hành án dân sự: Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có trách nhiệm xây dựng dự thảo chương trình và kế hoạch chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp mình về công tác thi hành án dân sự. Điều này bao gồm việc xây dựng các phương án tổ chức phối hợp giữa các cơ quan liên quan, tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự một cách hiệu quả và đúng pháp luật. Các dự thảo này sẽ được trình cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét và quyết định, tạo nền tảng cho công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.
– Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân: Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân quyết định. Điều này bao gồm việc triển khai các biện pháp cụ thể để phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. Việc tổ chức thực hiện này phải bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng công việc đã được hoạch định.
– Phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án: Một nhiệm vụ quan trọng của Ban Chỉ đạo là tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan hữu quan như công an, quân đội, chính quyền địa phương trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án. Ban Chỉ đạo cũng phải đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án, nhằm bảo đảm quá trình thi hành án được thực hiện đúng đắn và hiệu quả.
– Kiểm tra việc thực hiện kết luận và chỉ đạo: Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, cũng như các chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân về việc tổ chức phối hợp các cơ quan trong thi hành án và cưỡng chế thi hành án. Điều này giúp đảm bảo tính kịp thời và chính xác trong việc triển khai công tác thi hành án.
– Đề nghị khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích: Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ đề xuất việc khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương. Việc khen thưởng này nhằm khuyến khích các đơn vị và cá nhân tiếp tục đóng góp tích cực vào công tác thi hành án.
– Kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật: Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có trách nhiệm kiến nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự. Việc này giúp bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn ngừa các hành vi vi phạm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.
* Nhiệm vụ riêng của từng chức vụ trong Ban Chỉ đạo: Mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có nhiệm vụ và vai trò riêng biệt để đảm bảo công tác thi hành án dân sự được thực hiện hiệu quả và đầy đủ. Dưới đây là nhiệm vụ của từng chức vụ trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự:
– Chủ tịch UBND tỉnh, huyện (người đứng đầu Ban Chỉ đạo): Chủ tịch UBND tỉnh, huyện là người đứng đầu Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Chủ tịch có nhiệm vụ chỉ đạo và điều hành toàn bộ công tác thi hành án dân sự tại địa phương. Cụ thể, Chủ tịch phải đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến công tác thi hành án, tổ chức và điều phối các hoạt động của các cơ quan thi hành án. Chủ tịch có vai trò quyết định trong việc xây dựng các chiến lược, kế hoạch cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, đồng thời giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp. Trong các trường hợp đặc biệt, Chủ tịch UBND còn có quyền can thiệp trực tiếp để xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân.
– Phó Chủ tịch UBND tỉnh, huyện (phụ trách Ban Chỉ đạo): hỗ trợ Chủ tịch trong việc chỉ đạo, giám sát công tác thi hành án. Phó Chủ tịch có thể thay thế Chủ tịch khi vắng mặt và chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các kế hoạch thi hành án trên địa bàn. Phó Chủ tịch còn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc họp của Ban chỉ đạo và theo dõi việc triển khai công việc của các thành viên khác. Phó Chủ tịch UBND là người tham mưu cho Chủ tịch trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh và phối hợp với các cơ quan khác để hỗ trợ công tác thi hành án đạt kết quả tốt.
– Thư ký Ban Chỉ đạo: có nhiệm vụ ghi chép biên bản cuộc họp, theo dõi các quyết định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và truyền đạt thông tin tới các cơ quan chức năng. Thư ký cũng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thi hành án trên địa bàn và đưa ra những đánh giá, nhận định về hiệu quả công tác thi hành án. Thư ký giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch, thông suốt trong công tác điều hành của Ban Chỉ đạo. Thư ký cũng đóng góp vào việc lập báo cáo tổng hợp, đưa ra những phân tích và đề xuất cải tiến công tác thi hành án.
– Các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo (đại diện của các cơ quan liên quan): Các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự là đại diện của các cơ quan như Công an, Tòa án, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính… Họ có nhiệm vụ phối hợp trong công tác thi hành án, đảm bảo các cơ quan có liên quan thực hiện đúng chức năng của mình để hỗ trợ công tác thi hành án. Các thành viên đóng vai trò là cầu nối giữa Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng khác, cung cấp thông tin, hỗ trợ giải quyết các vụ việc phức tạp, và giúp thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi cần thiết. Mỗi thành viên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vụ án dân sự cụ thể, đặc biệt là những vụ án có yếu tố phức tạp hoặc liên quan đến tài sản lớn.
- Một số vấn đề thực tiễn
Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự mang tính định hướng nhưng thiếu hiệu quả thực tế
Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành lập với mục tiêu tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, định hướng nhằm bảo đảm rằng các bản án, quyết định của tòa án được thi hành đầy đủ và kịp thời. Dù mang tính chất định hướng, tuy nhiên trong thực tế, hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án vẫn gặp phải nhiều vấn đề khiến cho công tác thi hành án không đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí trở thành rào cản khi thi hành án.
Một trong những lý do chính là sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan liên quan khi tham gia thi hành án. Thực tế, Ban chỉ đạo thi hành án thường bao gồm đại diện của các cơ quan như Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát, và các cơ quan hành pháp khác. Tuy nhiên, việc tổ chức các cuộc họp của Ban chỉ đạo thường diễn ra không thuận lợi, bởi vì lịch làm việc của các lãnh đạo tại các cơ quan này không phải lúc nào cũng trùng khớp. Ví dụ, khi có đề nghị họp Ban chỉ đạo, không ít trường hợp các lãnh đạo như Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch các cơ quan không thể tham gia vì bận công tác khác, dẫn đến thiếu vắng ý kiến từ bên quan trọng. Điều này làm giảm tính hiệu quả của các cuộc họp, và đôi khi quyết định đưa ra thiếu sự đồng thuận hoặc không có sự hiểu biết đầy đủ về vấn đề cần giải quyết.
Thêm vào đó, trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo, một số thành viên còn đưa ra các ý kiến không phù hợp với mục đích chung của hoạt động thi hành án. Vì mỗi cơ quan có một góc nhìn và nhiệm vụ riêng. Như cơ quan Công an có xu hướng quan tâm đến an ninh trật tự khi thực hiện cưỡng chế thi hành án, trong khi Tòa án lại chú trọng đến tính hợp pháp của việc thi hành các quyết định. Những sự khác biệt này đôi khi dẫn đến sự chỉ đạo không thống nhất, gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp thi hành án. Đôi khi có những quan điểm không hoàn toàn đồng tình với quyết định thi hành án, dù bản án đã có hiệu lực. Từ đó, dẫn tới mâu thuẫn với các quyết định đã được Ban Chỉ đạo thông qua, làm chậm quá trình thực thi và đôi khi làm mất đi sự quyết đoán cần thiết trong công tác thi hành án.
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự còn tồn tại các rào cản do can thiệp quá mức:
Từ năm 2008 đến nay, cơ quan THADS được tổ chức thành hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất. Do đó, khi cơ quan thi hành án cấp dưới muốn thực hiện cưỡng chế, cần xin ý kiến từ các cơ quan cấp trên, dẫn đến việc mất nhiều thời gian chờ đợi, làm giảm hiệu quả thi hành án. Ngoài ra, trong hệ thống thi hành án hiện nay, có sự chồng chéo giữa việc chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và sự can thiệp theo hoạt động ngành dọc của các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự. Điều này không chỉ làm chậm quá trình thi hành án mà còn tạo ra sự thiếu linh hoạt, khiến cho các biện pháp cưỡng chế không được thực hiện kịp thời, đặc biệt là trong các vụ án cần giải quyết gấp.
Theo quy định của pháp luật việc thành lập các Ban chỉ đạo có ý vai trò quan trọng, giúp việc thi hành án diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy nhiều hạn chế trong tổ chức và hoạt động của nó, đặc biệt là việc thiếu hiệu quả trong công tác phối hợp và mâu thuẫn về quan điểm trong thi hành án dân . Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, cần có sự cải cách trong phương thức chỉ đạo, phân cấp quyền hạn hợp lý, hệ thống làm việc chủ động hơn cho các cơ quan thi hành án. Chỉ khi đó, công tác thi hành án dân sự mới có thể được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân và sự công bằng của hệ thống pháp lý.
Mai Thị Giang An, Nguyễn Thị Huyền – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi