(Văn phòng luật sư Đồng Đội) – Hành vi quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng không chỉ là hành vi vi phạm nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình, mà còn trái với đạo đức xã hội. Tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Câu hỏi: Trong thời gian tôi đi làm ăn xa, chồng tôi đã có quan hệ tình cảm và chung sống với người phụ nữ khác. Thậm chí, hai người đã có con chung. Theo tôi được biết, cô gái này chưa có chồng và làm cùng công ty chồng tôi. Bây giờ tôi muốn tố cáo chồng tôi có quan hệ bất chính với người phụ nữ kia thì tôi phải làm thế nào? Họ có bị xử lý hình sự hay không?
- Việc có quan hệ tình cảm và chung sống với người phụ nữ khác khi vẫn đang có vợ, có chồng có vi vi phạm pháp luật không?
Pháp luật cấm việc một người đã có vợ hoặc có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Đây là hành vi trái quy định của pháp luật và cụ thể là vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC,
Do đó, việc chồng bạn có quan hệ tình cảm và sống chung như vợ chồng với người phụ nữ khác trong thời kỳ hôn nhân đã vi phạm điều cấm về hôn nhân và gia đình, là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn trái đạo đức xã hội.
- Mức xử phạt đối với những người có quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng?
Hành vi quan hệ ngoài vợ ngoài chồng là hành vi vi phạm nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân quy định tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP nếu có một trong các hành vi: “Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ…”
- Trong tình huống trên, chồng và cô gái kia có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Như đã trình bày ở trên, hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là hành vi cấm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Cụ thể, trường hợp có đầy đủ yếu tố chứng minh hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát,… hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Theo đó, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc nặng hơn thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Vì vậy, nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm, người chồng và cô gái kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
- Người vợ cần làm gì khi rơi vào trường hợp này.
Hiện nay việc ngoại tình khá phổ biến, và có nhiều việc đánh ghen dẫn đến bi kịch gia đình, bi thương. Do vậy qua đây luật sư muốn nhắn gửi đến mọi người, khi vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình đã vi phạm pháp luật đạo đức, vi phạm pháp luật hành chính, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi. Dù như thế nào thì chúng ta cần phải biết và nhận lỗi; vợ, chồng cần bình tĩnh giải quyết bằng hình thức thuyết phục động viên từ gia đình, con cái đến xã hội. Sau đó, mới dựa vào pháp luật, chính quyền, tránh việc bé xé ra to, tránh việc càng ghen tuông gay gắt càng đổ vỡ, hơn nữa là những đứa con thơ, đứa cháu nhỏ là nạn nhân của sự ích của cha mẹ sống buông thả, ngoài vợ, ngoài chồng.
Trong trường hợp thuyết phục động viên không có kết quả, người vợ có thể tố cáo người có hành vi chung sống với nhau như vợ chồng ra trước pháp luật. Theo đó, để có căn cứ tố cáo chồng thì trước tiên nếu có khả năng bạn cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi ngoại tình, chung sống như vợ chồng với người khác của chồng bạn như hình ảnh, video, file ghi âm,… Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ khi phát hiện quan hệ ngoài vợ chồng là rất khó khăn, có trường hợp thuê thám tử, khi thu được tài liệu chứng, chứng cứ rất đễ để bị cảm xúc lấn át, có những hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến bạn, người chồng và cô gái kia. Do vậy nếu bạn không thể thu thập cứ thì có thể yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ.
Sau khi có được các tài liệu chứng cứ này bạn có thể làm đơn tố cáo đến UBND cấp xã, phòng tư pháp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện, Cơ quan cảnh sát điều tra cấp có thẩm quyền,… theo quy định tại Điều 59, Điều 83 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và Bộ luật tố tụng hình sự.
Lưu ý bằng chứng có thể là tin nhắn, hình ảnh không chỉnh sửa; file ghi âm, video không cắt ghép,… đảm bảo đúng sự thật và hợp pháp. Đối với trường hợp ngụy tạo bằng chứng giả không đúng với sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
Bài viết thuộc về Văn phòng Luật sư đồng Đội – Đoàn luật sư TP. Hà Nội
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội