Một vụ việc vốn hết sức đơn giản, xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ của hai người cao tuổi là hàng xóm “tối lửa, tắt đèn có nhau” nay dẫn đến xô sát. Vậy có cần thiết phải truy tố, xét xử hình sự không?
Khoảng 8 giờ sáng ngày 27/9/2016, bà Hà sinh năm 1958 ở khu 12B, thị trấn A, huyện B, tỉnh C cầm chổi cọ ra dọn vệ sinh ở đầu ngõ trước cổng nhà mình, phát hiện có đống phân chó bà Hà sau đó than vãn về việc chó lại ỉa đái ở cổng với người đi đường. Ông Vinh là hàng xóm đối diện với bà Hà nghĩ rằng bà Hà nói chó nhà mình ỉa ra ngõ, (vì đã nhiều lần gặp ai bà Hà nói về việc này) nên ông Vinh đi ra lời qua tiếng lại với bà Hà dẫn đến hai ông bà cãi nhau. Trong lúc ông Vinh và bà Hà đang cãi nhau thì bà Giang sinh năm 1964 đi qua và hỏi ông Vinh có việc gì, thì được ông Vinh kể lại nội dung sự việc. Bà Giang bảo ông Vinh đi vào không nói chuyện với bà Hà nữa dẫn đến bà Giang và bà Hà trở nên căng thẳng. (Tên người và địa danh đã được thay đổi).
Trong lúc tranh cãi, bà Hà cầm chiếc chổi cọ đang dựng bên người đánh bà Giang. Hai người giằng co chổi dẫn đến bà Hà trượt chân ngã, bà Hà tiếp tục dung cán chổi đánh vào người bà Giang. Quá bức xúc, bà Giang chạy vào nhà ông Vinh cầm một cây chổi (cán tre) đánh vào người bà Hà. Sự việc được bà con lối xóm phát hiện, can ngăn. Sau khi sự việc kết thúc, cả hai bà phải vào bệnh viên điều trị, bà Hà chảy máu vùng mặt, tay chân có vết thương, bà Giang chủ động hỗ trợ bà Hà 10 triệu đồng nhưng bà Hà từ chối nhận tiền.
Bà Hà sau đó làm đơn tố giác, bà Giang bị truy tố về tội: “ Cố ý gây thương tích” tại Khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Sự việc này hiện đang náo động vùng quê nghèo khi Kết luận điều tra của cơ quan công an, cáo trạng của Viện kiểm sát nhiều thiếu xót, rất thiệt thòi cho bà Giang. Người dân đang đặt ra câu hỏi: “mâu thuẫn của những người phụ nữ già cả, đơn thân, lỗi hỗn hợp có đáng để đưa ra xét xử?”
Kết luận giám định có thực sự chính xác?
Đối với một vụ án cố ý gây thương tích, kết quả giám định pháp y được xem là căn cứ sống còn, vì tích chất quyết định nên rất nhiều vụ án kết quả này bị sai lệch gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Ngay khi vụ việc diễn ra, kết quả giám định thương tật của bà Hà là 10%, không đồng ý với kết quả này bà Hà yêu cầu giám định lại kết quả: 14%. Nhận thấy việc bất thường, bà Giang đề nghị Tòa giám đinh lại lần nữa. Lúc này kết quả giám định thương tật của bà Hà vừa tròn 11%.
Với kết quả giám định này rất nhiều nghi vấn được đặt ra: kết luận số A/1/TgT ngày 22/5/2018, kết luận tỷ lệ tổn thương do thương tích gây ra cơ thể thương tật tại thời điểm giám định là 11 %, trong đó, gãy đầu dưới xương quay phải, can liền tốt, vận động cổ tay bình thường 08%. Nhận thấy, sự bất thường chúng tôi đã nghiên cứu tài liệu y khoa, tham giảo ý kiến của các bác sĩ được biết nguyên nhân dẫn đến gãy xương quay tay có rất nhiều nguyên nhân: nhóm nguyên nhân thứ nhất: do tai nạn lao động; tai nạn giao thông, tai nạn do sinh hoạt;…Nhóm nguyên nhân thứ hai gián tiếp dẫn đến gãy xương là do hiện tượng chịu áp lực của cơ thể và sức chống đỡ của xương bị gãy nơi chịu tác động chấn thương gây ra, thường gặp trong các trường hợp như ngã chống tay xuống đất, các ngón tay buộc phải duỗi hết sức, phần đầu của cuối xương quay phải chịu sức ép giữa mặt đất và sức nặng của cơ thể dẫn đến hiện tượng gãy xương; nguyên nhân thứ ba do: bệnh lý gây gẫy xương thường gặp như bệnh viêm xương mạn tính, loãng xương, lao xương, u xương, xương thủy tinh.
Như vậy, có đến 3 nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng gẫy xương, các cơ quan thực điều tra, truy tố dường như đã bỏ qua nội dung quan trọng này: không điều tra xác minh trước khi xảy ra vụ việc bà Hà có lao động nặng không? Có gặp tai nạn sinh hoạt nào không, cũng không loại trừ khả năng do bà Hà đã cao tuổi gặp các bệnh lí vì xương. Trong Kết luận điều tra đã viết: “ N.T.Giang dùng cán chổi đánh vào đầu và mặt bà Hà” thương tật phần này chỉ 3% trong khi vùng này là vùng rất nhạy cảm, dễ tổn thương thế nhưng thương tật đến 8% ở vùng tay. Bà Giang là một phụ nữ trên 60 tuổi với cán chổi trong tay lực cường độ, mức độ tác động không lớn đánh gãy tay bà Hà là hết sức vô lí.
Văn phòng luật sư Đồng Đội đã có kiến nghị về nội dung này đề nghị TAND huyện B xem xét và giải quyết đúng quy định của pháp luật.
Không có đủ cơ sở kết luận truy tố bà Giang theo khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội “Cố ý gây thương tích”.
Viện kiểm sát hiện đang truy tố bị can ở khung hình phạt tại Khoản 2 Điều 104, cao nhất lên đến 7 năm tù thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng là quá cao và không đủ cơ sở.
Khách quan vụ việc xét thấy, lỗi từ cả hai phía mà lỗi trực tiếp và cố ý nhất là từ bà Hà. Bà Giang hoàn toàn không có ý đồ, mục đích và động cơ phạm tội, trước khi xảy ra sự việc bà Giang chưa hề nảy sinh ý định đánh bà Hà. Chính bà Hà là người cầm chổi đánh bà Giang, việc bà lựa chọn một chiếc chổi để bảo vệ bản thân Giang không hề có động cơ phạm tội. Trong lúc chạy vào nhà bà Giang hoàn toàn có thể lựa chọn con dao, cái kéo…nhưng bà đã lựa chọn chổi vật sinh hoạt ít có khả năng gây thương tật nhất để đáp trả lại hành vi của bà Hà. Việc viện kiểm sát truy tố bị can ở khoản 2 Điều 104 là không khách quan, lượng hình vượt quá mức độ phạm tội của bị can.
Có rất nhiều tình tiết then chốt mà chúng tôi đã đề cập: bà con sống xung quanh đã từng nhận xét về bà Hà là một người phụ nữ ghê gớm, liên tục xích mích, nặng lời chửi bới hàng xóm. Con trai bà Hà là người vũ phu, sau sự việc xảy ra đã đến tận nhà túm tóc, đòi giết bà Giang và bà Thủy (hàng xóm). Anh này từng bị rất nhiều người tố cáo nhưng luôn “ thoát nạn” một cách tài tình. Bà con lối xóm loan tin, con trai bà Hà có quan hệ mật thiết với cán bộ địa phương đặc biệt là công an, nghi vấn này khiến những người hàng xóm, quen biết bà Giang đều suy nghĩ phải chăng có sự can thiệp làm sai lệch hồ sơ.
Đối với một luật sư, quan điểm đánh giá của chúng tôi đây là vụ việc không hề phức tạp và không đáng xử. Trước hết, hồ sơ tài liệu không rõ ràng, lỗi hỗn hợp từ các bên, mà trực tiếp là từ bà Hà. Câu chuyện này thì xóm làng nào cũng có, chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ và thấy rằng việc truy tố là chưa đủ căn cứ nếu không làm kĩ công tác điều tra thì rất có thể sẽ gây oan sai cho bà Giang- một người phụ nữ đơn thân, già yếu rất cần sự quan tâm, chia sẻ của xã hội.
Sau khi sự việc xảy ra, bà Giang đang nằm bệnh viên nhưng đã cho con đến thăm hỏi, hỗ trợ chi phí cho bà Hà. Bản thân bà Giang là một công dân chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, sống hòa thuận với mọi người xung quanh, được hàng xóm tin tưởng, yêu mến. Để xảy ra sự việc này là điều không ai mong muốn, mất đi tình nghĩa hàng xóm láng giềng bao nhiêu năm qua.
Để đảm bảo việc xét xử khách quan, công bằng, có lí có tình tránh oan sai. Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã có công văn đề nghị xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung đến Tòa án, kiến nghị gửi đến đồng chí Bí thư huyện ủy huyện B. Hiện Bí thư đã có yêu cầu gửi Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân huyện xem nghiên cứu, giải quyết những nội dung kiến nghị, đồng thời báo cáo giải quyết bằng văn bản tới thường trực Huyện ủy trước ngày 31/7/2018.
Án hình sự là án rất đặc thù, việc xét xử không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe mà cả danh dự của bị cáo và người thân. Do vậy, rất hi vọng HĐXX sẽ có cái nhìn công tâm khách quan nhất bảo vệ công bằng lẽ phải tránh chuyện “bé xé ra to” gây nên oan sai, bất bình.
Nhóm sinh viên và LS Trần Xuân Tiền