Ngân hàng là phương tiện tra cứu thông tin cá nhân tương đối hiệu quả, tuy nhiên vì liên quan đến vấn đề tài chính, do vậy vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng cũng được ngân hàng bảo mật rất tốt? Vậy công an có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin không?
Khi công dân tham gia vào các dịch vụ của Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Ngân hàng và Ngân hàng có trách nhiệm, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 về bảo vệ bí mật thông tin như sau “Ngân hàng Nhà nước được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin mật về tiền tệ và ngân hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, chỉ những trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Ngân hàng mới có thể cung cấp thông tin khách hàng.
Hơn thế nữa, vào năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này quy định tương đối chặt chẽ về việc bảo vệ bí mật, thông tin khách hàng tại các ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong hai trường hợp: Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Có sự chấp thuận của khách hàng theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.
Cụ thể, đối với việc Công an có quyền yêu cầu Ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng thì theo quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định Điều tra viên có nhiệm vụ và quyền hạn về yêu cầu “kê biên tài sản, phong tỏa tài sản…” trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án.
Theo đó, khi khách hàng bị tố cáo, có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan điều tra có quyền thu thập các thông tin. Các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động tín dụng của tổ chức, cá nhân. Hơn thế nữa, Khoản 1 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định rõ Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
Đây là trách nhiệm của Ngân hàng trong quá trình phối hợp và cung cấp thông tin với cơ quan chức năng, việc cung cấp thông tin phải trung thực, đầy đủ, kịp thời để phục vụ công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm.
Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng cần phải phù hợp với quy định pháp luật có liên quan để chứng minh lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng (như quyết định thanh tra, quyết định kiểm tra, quyết định kiểm toán, quyết định khởi tố, bản án, quyết định thi hành án, quyết định truy tố, quyết định cưỡng chế, quyết định xử phạt vi phạm hoặc văn bản tương đương khác) theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 117/2018/NĐ-CP.
Thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin của khách hàng được quy định rõ tại Điều 10 Nghị định này. Trong đó, đối với yêu cầu của Cơ quan điều tra, chủ thể có quyền ký văn bản yêu cầu bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên các cơ quan điều tra trong hệ thống cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về cơ quan điều tra hình sự quy định tại Khoản 5 Điều này.
Từ những quy định trên có thể thấy rằng trong trường hợp có hành vi phạm tội xảy ra, cần thu thập thông tin chứng cứ phục vụ cho quá trình điều tra, ngăn chặn hành vi phạm tội, tẩu tán tài sản… thì Ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng theo yêu cầu Cơ quan điều tra.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Lê Thị Lan Anh, Hứa Kim Ngân