Thời đại kỷ nguyên 4.0 đã tạo ra một làn sóng bùng nổ các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain) để biến quy trình làm việc trở nên nhanh chóng và chính xác hơn. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, chúng ta đều chứng kiến công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực. Từ các nền tảng học tập và trao đổi công việc chuyên môn trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet,… cho đến sự ra đời của các công ty áp dụng công nghệ vào lĩnh vực pháp lý đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cách chúng ta kết nối và tương tác. Đặc biệt sự ra mắt của các công cụ ứng dụng AI như ChatGPT, Claude, Gemini, Aidu,.. đã mang tới nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mọi ngành nghề.
Không thể phủ nhận AI đang tác động mạnh mẽ đến ngành Luật bằng cách thay đổi cách thức nghiên cứu, phân tích dữ liệu, và thậm chí là hỗ trợ tư vấn pháp lý. Tuy nhiên, sự tiến bộ này cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Vậy, công nghệ AI mang đến những thách thức gì cho nghề luật? Một luật sư hiện đại cần trang bị kiến thức và kỹ năng nào để thích ứng với thời đại mới?
Như vậy, bài viết này sẽ chia sẻ một vài góc nhìn về một số thách thức của AI đối với nghề Luật trong thời đại mới, giúp bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo và suy ngẫm.
AI – Ví dụ điển hình của công nghệ pháp lý
Trước hết phải hiểu công nghệ pháp lý là đề cập đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến ví dụ như AI trong lĩnh vực pháp lý để thực hiện một số nhiệm vụ mà trước đây thường do luật sư hoặc nhân viên pháp lý đảm nhiệm. Mặc dù khái niệm “trí tuệ nhân tạo (AI)” đã được nghiên cứu từ những thập niên 60 trên thế giới nhưng bước sáng kỷ nguyện số 4.0 chúng ta mới thấy được sự bùng nổ mạnh mẽ của AI. Ngày nay, chẳng hạn tại Mỹ, AI có thể hỗ trợ tự động viết đơn đăng ký sáng chế cho các nhà nghiên cứu với chi phí thấp hơn đến một nửa so với cách thức truyền thống. Các giải pháp công nghệ pháp lý tự động còn cho phép kiểm tra và phân tích hợp đồng, tiết kiệm đáng kể nguồn lực, thời gian và chi phí, đồng thời đảm bảo độ chính xác cao. Theo sự tiến bộ của AI, công nghệ này hỗ trợ các công ty chủ động soạn thảo hợp đồng, hồ sơ gọi vốn, và tài liệu thẩm định đầu tư một cách nhanh chóng và minh bạch. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ máy học (machine learning) trong AI đang giúp các công ty khởi nghiệp số hóa tài liệu pháp lý hiệu quả hơn nhiều so với cách làm truyền thống. Các phần mềm hỗ trợ dịch vụ pháp lý đã trở thành công cụ cạnh tranh quan trọng của các công ty công nghệ pháp lý trên thị trường pháp lý quốc tế hiện nay, phải kể đến một số tên phần mềm điển hình hiện tại như Cilo, Filevine, SmartAdvocate, Contract Express và Kira Systems, LawToolBox, E-discovery và Docket Alarm.
Việc ứng dụng AI thông qua máy tính và Internet đã cho ra các công cụ tạo lập và khai thác hồ sơ, kho tàng nghiên cứu học học trên thế giới sẽ rất hữu ích đối với nhiều người không chỉ người hành nghề Luật trong việc tiếp cận các nguồn, dữ liệu pháp luật, công trình nghiên cứu toàn cầu. Với vai trò là công cụ hỗ trợ, công nghệ pháp lý mở ra nhiều cơ hội cho luật sư hiện đại, giúp nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc. Mặt khác, nó cũng đặt ra thách thức lớn đối với các luật sư hiện đại, buộc họ phải thích nghi, trang bị nhiều kỹ năng hơn để cạnh tranh trong thị trường pháp lý hiện đại.
Thách thức đối với nghề Luật trong thời đại của AI
Từ ví dụ ứng dụng thực tiễn của công nghệ AI vào lĩnh vực pháp lý như phân tích ở trên, chúng ta cần phải lưu tâm tới một số nguy cơ mà AI đã, đang và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nghề Luật trong tương lai khi công nghệ này ngày càng tiến bộ và phát triển ở Việt Nam?
Thứ nhất, sự thay thế bằng dịch vụ pháp lý tự động. Các phần mềm AI ngày càng có khả năng xử lý nhiều câu hỏi pháp lý không quá phức tạp, hỗ trợ khách hàng mà không cần đến sự can thiệp của con người. Nhiều dịch vụ pháp lý trực tuyến và các nền tảng tự động hóa như LegalZoom hoặc Rocket Lawyer tại Mỹ cung cấp dịch vụ giúp cá nhân và doanh nghiệp có thể tự xử lý các nhu cầu pháp lý đơn giản như soạn hợp đồng, xin giấy phép, hoặc tư vấn cơ bản với chi phí thấp hơn, thu hút các khách hàng mà vốn dĩ trước đây đòi hỏi nhiều nhân sự ngành Luật, nhưng hiện nay có thể được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn bằng công nghệ pháp lý, làm giảm nhu cầu thuê thêm luật sư trẻ hay nhân viên hỗ trợ pháp lý. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các nhân sự ngành luật tương lai, bởi lẽ những người thường đảm nhận các nhiệm vụ này sẽ có thể bị thay thế bằng xu hướng sử dụng dịch vụ AI nhiều của khách hàng.
Cách đây khoảng 8 năm, ROSS xuất hiện được biết tới tên là “luật sư trí tuệ nhân tạo” đầu tiên trong lịch sử nhân loại khi cho thấy khả năng giải quyết vấn đề một cách logic, nhanh chóng và hiệu quả với chi phí thấp hơn đáng kể. Con robot này được các hãng luật Mỹ lớn như Baker và Hosterler thuê như một nhân viên thực thụ để chuyên giải quyết các vụ việc phá sản. Theo Arruda, chủ tịch kiêm nhà đồng sáng lập công ty ROSS Intelligence dự đoán mọi công ty luật sẽ chuyển sang khai thác năng lực của AI để phục vụ công lý. Có khoảng 80% người Mỹ cần thuê luật sư mà không đủ điều kiện chi trả mức phí. Do đó, những luật sư tự do có thể sử dụng dịch vụ AI như ROSS để gia nhập thị trường, góp phần tạo ra nhiều lựa chọn hợp lý hơn cho khách hàng. Nhờ ROSS, các luật sư có thể tập trung vào biện hộ cho khách hàng với lý lẽ thuyết phục hơn thay vì dành hàng giờ so sánh giữa hàng trăm vụ việc tương tự, đọc hàng trăm trang tài liệu để tìm văn bản luật cần thiết cho công việc.
Hay theo báo chí đưa tin tại một cuộc thi ở Trung Quốc, nhóm 16 người gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và sinh viên trường Luật Quảng Hoa thuộc Đại học Chiết Giang đã thi đấu với một chương trình AI do Học viện Damo của Alibaba phát triển. Trong phần thi đánh giá hợp đồng, AI đã thể hiện rõ sự vượt trội khi chỉ mất 1 phút để phân tích và đưa ra kết quả với độ chính xác lên đến 96%, hoàn toàn áp đảo nhóm luật sư. Ngược lại, khi các luật sư được chia thành nhóm nhỏ và kết hợp cùng AI, hiệu quả công việc tăng đáng kể. Nhóm xuất sắc nhất đã phối hợp cùng AI để xử lý 5 hợp đồng với gần 20.000 dòng văn bản chỉ trong 30 phút. Kết quả cho thấy, các luật sư giỏi trong việc đưa ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp, trong khi AI lại vượt trội trong việc truy xuất thông tin và kiểm tra, khắc phục các điểm thiếu sót.
Thứ hai, áp lực cập nhật kiến thức công nghệ. Nghề luật không chỉ đòi hỏi các kỹ năng pháp lý truyền thống mà còn yêu cầu luật sư phải làm quen với các công nghệ tiên tiến. Điều này đòi hỏi luật sư phải cập nhật kỹ năng và kiến thức liên tục để thích nghi với sự phát triển của công nghệ, điều mà không phải ai cũng có nền tảng để làm. Tuy nhiên, không phải luật sư nào cũng có nền tảng công nghệ vững chắc, và việc học hỏi các kỹ năng này đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Đến nay, đã có rất nhiều thử nghiệm về khả năng ứng dụng AI trong lĩnh vực pháp lý, và kết quả thu được thực sự ấn tượng.
Ngoài việc có thể phân tích hợp đồng, AI còn được sử dụng để nghiên cứu văn bản pháp lý và dự đoán kết quả của các vụ kiện. Rõ ràng, những tiến bộ của khoa học công nghệ và làn sóng chuyển đổi số bùng nổ trong những năm gần đây đang đặt ra thách thức lớn cho nghề luật, đòi hỏi các luật sư phải thích ứng nhanh chóng. Điều này cũng giống như một lời cảnh báo, thúc giục ngành luật cần thay đổi để không bị tụt hậu trước sự phát triển của xã hội hiện đại.
Thứ ba, vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Nếu việc sử dụng AI và các phần mềm quản lý hồ sơ pháp lý trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu nhanh chóng chính xác cho khách hàng thì vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư đối với Luật sư tương lai sẽ trở nên rất quan trọng. Đặc thù của Luật sư là phải đảm bảo thông tin khách hàng không bị rò rỉ hoặc xâm phạm. Do đó, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về an ninh mạng và các quy định bảo mật, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ các biện pháp bảo mật trong công nghệ pháp lý. Thực tế đặt ra một áp lực không nhỏ cho các Luật sư tương lai về việc bảo mật dữ liệu trong khi tình trạng an ninh mạng tại Việt Nam đang còn nhiều đáng lo ngại như hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh pháp luật Việt Nam còn chưa hoàn thiện khung pháp lý về công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này cũng đặt ra các câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp nếu sử dụng AI trong pháp lý, ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu một hệ thống AI đưa ra tư vấn sai lệch hoặc gây thiệt hại cho khách hàng.
Thứ tư, cạnh tranh từ các nền tảng trung gian. Đi kèm với sự tiến bộ của công nghệ AI, sự xuất hiện của các ứng dụng hỗ trợ giúp kết nối trực tiếp giữa khách hàng với luật sư, cung cấp hồ sơ năng lực và đánh giá độ uy tín của từng luật sư để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Điều này tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, khi các luật sư hiện đại không chỉ phải chứng minh năng lực chuyên môn mà còn phải duy trì hình ảnh và uy tín cá nhân của mình.
Dù hiện tại việc chuyển đổi số trong ngành luật ở nước ta chưa phổ biến và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn còn khá mới mẻ đối với lĩnh vực pháp lý, các luật sư vẫn có thể hành nghề theo phương pháp truyền thống, chỉ ứng dụng công nghệ vào một số bước nhất định. Tuy nhiên, để sẵn sàng cho những biến đổi trong tương lai, các luật sư hiện đại cần trang bị kiến thức và kỹ năng công nghệ ngay từ bây giờ. Việc từng bước tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới sẽ giúp họ tối ưu hóa các quy trình làm việc, từ đó tăng độ chính xác và tốc độ xử lý trong việc hỗ trợ khách hàng. Về lâu dài, những luật sư bắt kịp xu hướng công nghệ sẽ có lợi thế cạnh tranh nhờ vào khả năng nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý, tối ưu năng suất làm việc, và xây dựng vị thế vững chắc trong ngành.
Giang An – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi