Câu hỏi: Thưa luật sư, tôi và chồng đã được Tòa án giải quyết ly hôn, chúng tôi có một người con chung (con trai, 5 tuổi). Do cả hai vợ chồng đều muốn là người nuôi con sau ly hôn và không thể thỏa thuận được với nhau nên Tòa án đã quyết định giao cho tôi được trực tiếp nuôi con. Tuy vậy, đã 1 tháng kể từ khi có quyết định có hiệu lực pháp luật, con tôi vẫn đang ở cùng chồng cũ và anh ta nhất định không để tôi đón con về nuôi dưỡng. Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này tôi phải làm thế nào để thực hiện quyền nuôi con của bản thân?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, luật sư xin trả lời như sau:
Hai vợ chồng bạn đã không thỏa thuận được về quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn; do đó, theo quy định của pháp luật, Tòa án đã quyết định giao con cho bạn nuôi. Trong trường hợp đó, chồng bạn có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với bạn căn cứ theo khoản 1 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
Trong trường hợp của bạn, chồng bạn đã không thực hiện đúng theo quyết định của Tòa án và không tôn trọng quyền của con và bạn.
Đối với trường hợp của này, trước hết bạn và chồng bạn nên nói chuyện trực tiếp với nhau cùng với đó nhờ những người xung quanh chồng bạn tác động để chồng bạn có thể hiểu và tự nguyện giao con cho bạn nuôi dưỡng.
Mặc dù bạn có thể ngay lập tức yêu cầu cưỡng chế giao con cho bạn nhưng đây chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thể thuyết phục được đương sự – người chồng. Bởi vì dù đã hết tình thì vẫn còn nghĩa, hơn nữa việc cha mẹ có tranh chấp, kiện tụng đều sẽ để lại những tổn thương lâu dài lên con trẻ.
Điển hình như vụ việc vào tháng 5/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi người mẹ nhận lại con và rời khỏi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Chánh thì người cha cùng một số người khác đã có hành vi chặn xe ôtô, đập bể kính xe rồi cướp con từ tay người mẹ. Đây không chỉ là hành vi xem thường pháp luật mà còn thể hiện sự thiếu tư cách nuôi dưỡng của người cha bởi hành vi đập phá xe, giành giật con nêu trên đã gây ra nhiều ám ảnh trong tâm trí của đứa trẻ.
Theo quy định tại Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trong trường hợp của bạn – đã quá thời hạn tự nguyện thi hành án, nếu bạn không thể thuyết phục chồng mình thì chồng bạn sẽ bị cưỡng chế thi hành án do đó bạn có quyền làm đơn yêu cầu cưỡng chế thi hành án căn cứ theo Điều 7 Luật này.
Yêu cầu thi hành án dân sự của bạn phải gửi về cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án ra quyết định, bản án đối với vụ việc của bạn.(căn cứ theo khoản 1 Điều 35 Luật thi hành án 2008). Ví dụ: Nếu TAND huyện A ra bản án giải quyết vụ án ly hôn và giao con cho bạn thì cơ quan có quyền thụ lý đơn yêu cầu thi hành án là Chi cục Thi hành án huyện A. Bên cạnh đó, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện thì vẫn thuộc thẩm quyền của Chi cục Thi hành án cấp huyện.
Sau khi có yêu cầu cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự – chồng bạn – tự nguyện thi hành án. Nếu chồng bạn vẫn không giao con là người chưa thành niên cho bạn – người được giao nuôi dưỡng thì theo khoản 2 Điều 120 Luật thi hành án 2008, Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để anh ta giao con cho bạn nuôi dưỡng. Chồng bạn đã có hành vi không thực hiện công việc phải làm theo quyết định của Tòa án nên có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Nếu hết 05 ngày mà chồng bạn vẫn không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, chồng bạn có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm tùy vào tính chất, mức độ vi phạm được quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự 2015. Bên cạnh đó, chồng bạn còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Về vấn đề quyền nuôi con, luật sư có một số chia sẻ:
Bản án quyết định cũng như thi hành án, cơ quan có thẩm quyền không chỉ cần thực hiện đúng quy định của pháp luật mà còn phải đặt bản thân mình vào hoàn cảnh để cảm thông, chia sẻ, có cái nhìn khách quan về vụ việc. Nhiều trường hợp người mẹ sau khi sinh còn thì không còn khả năng sinh sản vì vậy quyền được nuôi con sau khi ly hôn không đơn thuần là quyền lợi cho họ, việc được ở bên con là tất cả những điều thiêng liêng và đáng quý nhất của họ. Các bên khi tham gia vào việc thi hành án liên quan đến quyền nuôi con cần phân tích vừa khách quan vừa thấu tình đạt lý đối với hoàn cảnh của những người làm cha làm mẹ; đối với người cha, người mẹ trong các vụ việc này cần có sự nhường nhịn, bỏ qua cái ích kỷ cá nhân bởi dù ở với ai, con vẫn là con của anh và của em.
Gần đây nhất là vụ việc chị OCL (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) từ Nam ra Bắc tìm con. Anh H (chồng cũ của chị) đã đưa con về Hà Nam sống cùng ông bà nội. Hơn một năm nỗ lực tìm lại con, đến đầu tháng 07/2023, chị L đã được sum vầy với con gái. Có được kết quả trên ngoài sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để nhận lại con của chị L, còn có sự vào cuộc rất quyết liệt của chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự quận 12, TP.HCM.
Ly hôn nào chỉ là chuyện vợ chồng chia tay nhau, những đứa trẻ trong cuộc hôn nhân tan vỡ cũng phải đối mặt với chuyện chia ly, rằng “tại sao bố mẹ lại không yêu thương nhau nữa? những ngày tiếp theo mình sẽ sống với với ai?”… Những băn khoăn ấy cứ trở đi trở lại trong đầu óc non nớt của đứa con và trở thành những yếu tố tiêu cực cho sự phát triển tâm sinh lý của con trẻ.
Sẽ càng bất hạnh hơn cho con nếu phải chứng kiến những cuộc chiến giành quyền nuôi con giữa người lớn. Trẻ con không phải là tài sản chung để đem ra phân chia trong một vụ ly hôn hay để cưỡng chế giao nhận khi người cha hoặc người mẹ không chấp hành án. Trong nhiều trường hợp, việc tuân thủ theo phán quyết đã có hiệu lực của tòa là cách tốt nhất để giảm thiểu nỗi đau của con trẻ. Dù con về ở với ai thì người con lại vẫn có đủ cả quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con; không có ai thiệt ai được, hay thắng thua gì trong trường hợp này. Vì vậy, dù ly hôn với bất đồng như thế nào thì cha mẹ cũng nên nghĩ tới con cái trước tiên để dù chẳng thể chung sống thì cũng hay chia tay êm đẹp để con không phải sợ bị mất đi sự yêu thương từ bố, mẹ. Hãy đưa ra quyết định hợp lý hợp tình và phù hợp nhất cho sự phát triển của con và dù con ở với ai thì cũng luôn dành cho con đầy đủ tình yêu và sự quan tâm.
Nếu người lớn cứ mải mê với chuyện thắng thua, thiệt hơn và chỉ muốn cho riêng mình thì tâm hồn trẻ càng dễ bị tổn thương.
VÌ CON, XIN NGƯỜI LỚN ĐỪNG HƠN THUA, ÍCH KỶ!
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Vũ Quỳnh Anh
Số điện thoại: 0814102002
Gmail:vuquynhanh14102002@gmail.com